Cua luộc, cua hấp có lẽ đã trở thành món ăn quá thân thuộc với người dân Sài Gòn. Tuy nhiên, nhắc đến thịt cua, càng cua đồng luộc nước dừa, lá chanh thì hẳn nhiều người sẽ bỡ ngỡ. Bởi lẽ, đây không phải món ăn mà vùng nào cũng có, thời điểm nào cũng xuất hiện.
Đặc sản mùa nước nổi
Chủ của mâm cua đồng hấp dẫn này là chị Nguyễn Thị Cẩm Tiên (sinh năm 1996, ngụ tại thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) cho biết: 'Loại cua này chỉ sống ở những vùng nước ngọt miền Tây và chỉ phát triển nhiều vào ba bốn tháng mùa mưa, lũ về'.
Chính vì sống ở những vùng nước ngọt, nước nổi, nguồn thức ăn hoàn toàn dựa vào thiên nhiên nên thịt của loài cua này rất chắc, ngọt và thanh hơn những loại cua biển hoặc cua nuôi. Khi luộc cùng nước dừa, lá chanh, món ăn càng thêm đậm vị và dịu ngọt hơn.
Những chú cua đồng màu đỏ rực đặc biệt thu hút ánh nhìn của người qua đường
Nhiều thực khách hiếu kỳ tìm đến quan sát, dùng thử rồi mới mua
Để có được măm cua đầy ắp ấy, mỗi sáng, gia đình chị Cẩm Tiên tại quê sẽ thu mua tất cả số lượng cua xung quanh nhà, cua cái được lấy nguyên con, cua đực chỉ lấy phần càng.
Sau khi làm sạch, số cua này sẽ được đóng gói cẩn thận và gửi xe khách lên Sài Gòn. Điều này đã đảm bảo được độ tươi mới của nguyên liệu.
Cua được luộc tại chỗ và giữ nóng trong thùng xốp
Vừa mới mở bán một tuần, mâm cua này ngay lập tức thu hút cư dân, đặc biệt là giới trẻ Sài Gòn tìm đến, phần nhiều do độ bắt mắt và mới lạ của món ăn này.
Mặc dù vậy, chất lượng món ăn vẫn được đánh giá rất tốt. Bởi cua không phải được luộc một lần duy nhất cho cả ngày mà chia lẻ ra nhiều lần, hết đến đâu sẽ nấu đến đó, việc này đã khiến mâm cua lúc nào cũng nóng hổi, không bị tanh.
Cua đực chỉ được chọn lấy phần càng, phần thịt được xoay nhuyễn làm riêu cua
Cua được bày bán từ 13 giờ chiều cho đến khi bán hết. Bất chấp thời tiết nắng gay gắt và mưa thất thường, lượng khách đến đây tìm mua cua càng ngày càng đông. Mỗi ngày, chị Tiên bán ra khoảng 20 kg cua và 25 kg càng. Giá bán cua nguyên con là 15k/lạng, càng cua 33k/lạng.
Khách hàng đặc biệt chú ý đến nguồn gốc và bảo quản của măm cua này
Món quê cho người xa xứ
Một điều đặc biệt thu hút sự chú ý của mâm cua đồng chính là cách bài trí của gian hàng. Thay vì là những chiếc xe đẩy hay bàn ghế nhựa phổ biến, vật dụng buôn bán được chị Tiên dùng lại là những sản phẩm của làng nghề mây tre đan của xứ sở sen hồng Đồng Tháp. Đó có thể là chiếc bàn, chiếc ghế tre, là rổ, rá bằng nứa, hay khay đựng xinh xắn bện từ dây mây, tre trúc.
Vợ chồng chị Tiên trang trí gian hàng bằng những phụ kiện mây tre đan xinh xắn
"Mình muốn quảng bá hình ảnh của quê hương mình, muốn giới thiệu những sản phẩm này cho người dân ở nhiều nơi khác, và không đâu thích hợp hơn Sài Gòn. Những vật phẩm này đều được mình đặt mua và mang từ quê lên đây cho đúng chất" - chị bộc bạch.
Và một món ăn ngon không thể nào thiếu được nước chấm riêng biệt, đây cũng chính là thứ níu kéo không ít khách hàng trở lại với mâm cua đồng lần hai lần ba. Không theo công thức của bất kỳ ai, tự mình mày mò, học hỏi, sau nhiều lần thất bại, đến nay chị Tiên đã sở hữu cho mình một loại nước chấm có hương vị độc nhất.
Nước chấm độc quyền là thứ không thể thiếu của món ăn này
Đây là hỗn hợp giữa muối, đường, tắc, trộn với tỏi và ớt băm mịn, cộng thêm một chút tiêu, và đặc biệt nhất là lá chanh xoay nhuyễn. Tất cả được pha theo những tỉ lệ nhất định, theo cách chị Tiên nói chính là lam hoài thành quen lại cho ra một món chấm vừa thanh, vừa cay, vừa mặn lại vừa ngọt.
Khi kết hợp với cua, cả hai bổ trợ cho nhau để giảm bớt mùi tanh của cua và độ hăng nồng của tỏi ớt. Tuy nhiên, đây sẽ là trở ngại cho một số người không giỏi ăn cay.
Nhiều người quay lại lần hai để "xin thêm nước chấm"
Khai trương từ ngày 21/10, quán hiện chỉ bán mang về và có nhận ship tận nơi. Vợ chồng Cẩm Tiên vẫn đang ấp ủ dự định trong thời gian tới sẽ mở rộng quầy hàng, cho thực khách thưởng thức tại quán. Đây hứa hẹn sẽ là một địa điểm ẩm thực mới, khoáy động giới sành ăn xứ Sài thành.
Theo Baodatviet