Măng khô ngày Tết: Cách ăn an toàn, không lo hóa chất

Măng khô là món ăn không thể thiếu trong Tết cổ truyền Việt. Nhưng nếu ăn phải măng khô nhiễm hóa chất và chế biến không đúng cách thì sẽ để lại hậu quả lâu dài cho sức khỏe.

Bệnh tiềm ẩn khi ăn phải măng tẩm hóa chất

Măng là thực phẩm có vị ngọt, hơi đắng, chứa nhiều dinh dưỡng và giàu chất xơ, là thực phẩm giúp giảm cân, giảm cholesterol trong máu, trị táo bón, hỗ trợ tiêu hóa. Do nhiều chất xơ, có tác dụng chống ngấy và cho món ăn ngon ngọt nên măng được ưa dùng vào dịp tết.

Thông thường, măng được phơi nắng liên tục trong vài ngày để khô tự nhiên. Tuy nhiên, hiện có nhiều cơ sở sản xuất vì không muốn mất thời gian, hạn chế măng bị mộc và tạo màu vàng đẹp nên đã dùng lưu huỳnh sấy khô, đánh lừa cảm giác người tiêu dùng.

Theo tổ chức WHO khuyến cáo, hàm lượng lưu huỳnh không được vượt quá 20mg/kg sản phẩm. Thực tế, người ăn phải măng khô chứa lưu huỳnh tồn dư rất ít gây ra ngộ độc cấp tính, nên người tiêu dùng thường chủ quan. Nhưng nếu người tiêu dùng sử dụng sản phẩm có chứa lưu huỳnh nồng độ cao trong thời gian dài thì tác hại thật đáng sợ. Những nguy cơ tiềm ẩn như tổn thương về thần kinh, hành vi, hệ tuần hoàn, chức năng tim mạch, tổn thương mắt, giảm thị lực, chức năng sinh sản, nhiễm độc máu, suy thận,… Chính vì vậy, khi lựa chọn thực phẩm cho gia đình, các bà nội trợ cần có kiến thức nhất định để loại bỏ các chất gây hại sức khỏe.



Măng phơi nắng tự nhiên sẽ có mùi ngai ngái của măng. Ảnh minh họa.


Cách chọn và ăn măng an toàn

Măng khô ngon thường có màu vàng nâu nhạt, màu hổ phách, đường vân tỉ mỉ. Bề rộng thịt dày, mềm, không có quá nhiều xơ. Bạn nên chọn loại măng lưỡi lợn (có hình dáng như chiếc lưỡi lợn), có kích thước vừa phải sẽ vừa nạc, lại giúp bạn tiết kiệm thời gian khi ninh nấu.

Bạn có thể nhận biết măng phơi nắng tự nhiên có mùi ngai ngái của măng còn măng sấy bằng lưu huỳnh sẽ có mùi khét đặc trưng của măng ngâm lưu huỳnh, khi ngửi sẽ có mùi SO2 (mùi diêm sinh) rất đặc trưng. Ngoài ra, măng ngâm hóa chất thường có độ bóng, trông bắt mắt, không bao giờ bị ẩm mốc.


Khi chế biến măng khô, bạn nên rửa thật sạch để loại bỏ hết chất bẩn và bụi bám trên măng (có thể dùng nước vo gạo). Sau đó, ngâm cho măng nở trong ít nhất từ 5 – 6h. Bạn cũng có thể ngâm măng qua đêm để khi nấu mềm đều hơn. Trong quá trình ngâm, cần thường xuyên thay nước ngâm để giúp lọc sạch vị đắng còn lại trong măng.

Luộc kỹ măng và thay nước mới, lưu huỳnh bị đun sôi sẽ chuyển sang dạng khí bay hơi ra ngoài, vậy nên trong khi luộc nhớ mở vung để độc tố bay hơi.

Lưu ý: Măng được luộc nhiều lần thì độ an toàn càng cao. Nếu không sử dụng hết thì nên đậy kín để tủ lạnh ngăn mát trong 1 tuần hoặc 1 tháng đối với ngăn đá.

Theo GĐ&XH


 


măng khô thực phẩm ngày tết an toàn thực phẩm Tết hóa chất thực phẩm bẩn

Tin tức mới nhất