Chào bác sĩ, em 25 tuổi. Cách đây một tuần, em có dấu hiệu chậm kinh, buồn nôn, chóng mặt không ăn uống được gì… Em đã thử que thì thấy 2 vạch, siêu âm đã thấy túi thai trong tử cung. Tuy nhiên, 3 tuần sau, em thấy có hiện tượng ra máu nên đi kiểm tra. Bác sĩ nói là thai trứng, không có phôi hay noãn hoàng, cần làm thêm một số xét nghiệm. Em rất buồn vì rõ ràng trong suốt thời gian đó em vẫn có đầy đủ dấu hiệu của người mang thai. Em không biết chửi trứng có nguy hiểm không, tại sao em lại bị và sau này có ảnh hưởng đến chuyện sinh nở của em sau này không. Em mong bác sĩ tư vấn giúp em, em xin cảm ơn! (Nguyễn Lê Diệu Hân)

Trả lời:

Diệu Hân thân mến!

Thai trứng (chửa trứng) là một trong những hiện tượng mang thai bất thường. Thai trứng xảy ra khi một trứng đã được thụ tinh phát triển thành một khối được gọi là một nang thay vì một phôi thai bình thường. Khi mang thai trứng, trong những tuần đầu, bạn vẫn có thể có các triệu chứng điển hình như mang thai bình thường. Khi thai lớn dần lên, do phát triển không bình thường nên bạn có thể gặp một số hiện tượng như ra máu, đó là do phản ứng của cơ thể và là dấu hiệu cảnh báo bất thường ở thai nhi.

Một triệu chứng điển hình nữa khi mang thai trứng là tử cung của người mẹ to quá mức không tương xứng với tuổi thai. Nhiều người bệnh còn bị hồi hộp, run tay, vã mồ hôi do hormon thai nghén tăng cao,…

chửa trứng
Chửa trứng rất nguy hiểm nên chị em cần hết sức lưu ý (Ảnh minh họa)

Thai trứng nếu không được phát hiện và can thiệp sớm sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như mất máu, suy dinh dưỡng, băng huyết, ung thư tế bào nuôi,…

Do đó khi đã xác định đúng là thai trứng cần phải nạo hút thai càng sớm càng tốt. Sau khi nạo hút thai trứng thì bệnh nhân phải được theo dõi chặt chẽ và tuân thủ đúng chỉ định tái khám của bác sĩ. Bệnh nhân chửa trứng lành tính phải làm xét nghiệm máu, nước tiểu 2 tuần/lần cho đến khi lượng HCG trở về bình thường. Khi HCG đã về mức cho phép, bệnh nhân vẫn phải tiếp tục thử nước tiểu 4 tuần/lần trong thời gian 6 tháng, cùng với việc làm các xét nghiệm khác và siêu âm nếu cần thiết để tránh những ảnh hưởng về sau.

Vì đây là một bệnh sản khoa nguy hiểm, nhiều nguy cơ biến chứng, nên mỗi phụ nữ cần có những hiểu biết nhất định về nguyên nhân của nó để phòng tránh. Những phụ nữ nào đang trong tuổi sinh sản càng cần lưu ý ăn uống đủ chất dinh dưỡng, đảm bảo an toàn, vệ sinh... để giữ sức khỏe tốt nhất, tránh ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Bên cạnh đó, cần kế hoạch hóa gia đình, không sinh quá nhiều con và sinh gần nhau để tránh gặp biến chứng này.

Với những người mang thai trứng, nên tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ, đặc biệt là sau hậu phẫu. Khi mang thai lần tiếp theo, hãy đến bệnh viện sớm để được chuẩn đoán và theo dõi xem có bị chửa trứng tái phát hay không. Tốt nhất, nên chờ khoảng sau 1 năm, khi nồng độ HCG đã xuống như cũ mới nên mang thai trở lại, như vậy bác sĩ sẽ dễ đánh giá về tình trạng sức khỏe thai của bạn hơn.

Bạn nên theo dõi và làm các xét nghiệm theo sự tư vấn của bác sĩ, và cũng có thể đi kiểm tra tại một số bệnh viện chuyên sản khoa khác để biết chính xác tình trạng thai nhi của mình. Nếu đúng là mang thai trứng thì nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn cách xử lý thích hợp.

Chúc bạn vui khỏe!

Theo Afamily/ Tri Thức Trẻ