Thời gian gần đây, những nội dung tiêu cực, phản cảm xuất hiện trên mạng xã hội TikTok ngày càng nhiều. Thuật toán phân phối nội dung tự động của nền tảng này khiến những nội dung xấu lan truyền với tốc độ chóng mặt.
Mới đây, một phụ nữ tên K. chia sẻ trên TikTok và một số mạng xã hội khác cách cô kiếm tiền qua ứng dụng hẹn hò trong thời gian dài thất nghiệp. Cô này gây phẫn nộ khi vô tư kể mánh khóe lợi dụng những chàng trai quen qua mạng, “bòn” tiền với lý do lì xì, vay tiền mặt để đi taxi về nhà…
Một video khác của K. cũng nhận nhiều chỉ trích khi cô hướng dẫn cách bịa hồ sơ xin việc. Kỹ năng tin học, điểm IELTS, kinh nghiệm làm việc hay người tham chiếu trong hồ sơ của cô ta đều là giả.
Không hề ngần ngại, thậm chí K. rất tự tin với những chiêu trò của mình.
Nhiều cá nhân lan truyền nội dung phản cảm trên TikTok để kiếm lượt tương tác
Cuối tháng 3/2023, đoạn video quay cảnh 4 cô gái mặc áo hồng quần đen nhảy múa phản cảm ở nơi an nghỉ của hơn 1.000 tăng ni ở chùa Bổ Đà cũng khiến dư luận xôn xao.
Đáng nói, video của các cô gái tràn lan trên TikTok với lượt xem từ vài trăm nghìn tới cả triệu lượt.
Trào lưu leo lên băng chuyền hành lý ở sân bay, nhảy múa ở khu vực sân đỗ để quay TikTok nằm trong số nội dung tiêu cực phổ biến trên mạng xã hội này.
Bên cạnh đó, những cuộc ẩu đả, công kích cá nhân, truyền bá mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội... trôi nổi trên mạng xã hội có hàng chục triệu người dùng ở Việt Nam.
TikTok cũng là kênh tràn lan tin giả, định hướng dư luận theo chiều hướng tiêu cực.
Nhận định về hệ lụy tiêu cực của TikTok, chuyên gia truyền thông Nguyễn Đình Thành khẳng định, những nội dung xấu độc được sản xuất, lan truyền nhanh. Điều này gây hại cho người xem, người thực hiện nội dung và toàn xã hội.
Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) Lê Quang Tự Do cho biết, TikTok không chủ động ngăn chặn những nội dung tiêu cực. Trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ phối hợp với cơ quan chức năng mạnh tay, triệt để hơn để ngăn chặn nội dung xấu độc trên TikTok.
"Trong tháng 5, Bộ sẽ thanh tra, kiểm tra toàn diện TikTok ở Việt Nam và xử lý nghiêm sai phạm", ông Lê Quang Tự Do nói.
Lãnh đạo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử khẳng định, TikTok, Facebook, YouTube đều là các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới. Họ có tiêu chuẩn cộng đồng áp dụng trên toàn cầu.
Tuy nhiên khi vào Việt Nam, các nền tảng này phải tuân thủ theo luật pháp Việt Nam, không chỉ bao gồm việc quản lý về nội dung mà còn cả nghĩa vụ về thuế, thanh toán, quảng cáo…
Theo Tiền Phong