Sài Gòn - những ngày tháng chống dịch cam go còn ở trước mắt, tới nay vẫn chưa rõ ngày được trở lại nhịp sống bình thường, được thoải mái đi lại, ăn uống…
Dẫu biết phải giữ tinh thần lạc quan, nhưng cũng khó trách nếu ai đó vẫn ngồi trên đống lửa, nhất là các bậc cha mẹ ở dưới quê có con cháu làm lụng ở Sài Gòn lúc này. Ở nhà mong con về không được, mà dịch bệnh khó lường.
Dễ thấy trong vài tháng trở lại đây nhiều video, bài viết kể lại những câu chuyện về “đồ tiếp tế” của cha mẹ dưới quê gửi cho con cái ở trên Sài Gòn. Motif thì không có gì xa lạ cả, nhưng từng mẩu chuyện, từng mảnh đời đều gây xúc động.
Cách yêu thương con cái của cha mẹ Việt như vậy đó: cho con ăn, gửi đồ ăn cho con, ở đâu cũng sợ con thiếu ăn thiếu mặc… Con no bụng, bố mẹ mới an lòng.
Một video tương tự đang viral trên TikTok, một chủ tài khoản đã đăng tải kèm với lời nhắn nhủ qua điện thoại của mẹ. Xem clip, nhiều dân mạng không kiềm nổi nước mắt.
Hay tin con trai vẫn còn phải ở lại Sài Gòn, người mẹ liền điện hỏi han, tìm cách gửi đồ cho anh chàng. Chỉ trong vòng hơn 1 ngày, cả ba và mẹ nhanh chóng chuẩn bị đủ loại lương thực để gửi lên cho con.
Theo lời người mẹ nói là “thì gửi ít, mỗi cái chút chút đồ ăn... “, vậy mà khi tới nơi, đó là một bao tải lớn kèm một thùng xốp đầy ắp đồ ăn.
Con trai nhận được đồ, người mẹ vẫn cẩn thận dặn dò, mỗi món “chút chút” của mẹ mà lấy hoài không hết
Lời nhắn nhủ của bậc làm cha làm mẹ, từng câu từng chữ giản dị mà đầy yêu thương…
Lời nhắn nhủ của bậc làm cha làm mẹ, từng câu từng chữ giản dị mà đầy yêu thương…
Tổng kết “chút chút” đồ ăn cha mẹ anh chàng gửi lên lần này: rau củ tươi rói, các loại thịt đông lạnh, trái cây đủ cả, muối, đường cũng có…
Dưới video là hàng trăm bình luận của cư dân mạng, ai nấy đều xúc động. Với những người ở xa gia đình lúc này, điều đau đáu không chỉ còn là việc mưu sinh, chống cự qua mùa dịch mà đó còn là nỗi nhớ nhà, nhớ cha mẹ. Hy vọng tất cả chúng ta đều bình an, để được đoàn tụ sau “cuộc chiến” này.
Trích bình luận một cư dân mạng: “Nói mẹ gửi một ít gạo, mẹ liền gửi lên một tạp hoá. Bảo mẹ con thèm mít, mẹ gửi lên cả một vườn cây”.
Sau này có con, mới hiểu lòng cha mẹ.
Theo Pháp luật và Bạn đọc