Cuộc đời tôi có nhiều chuyện buồn. Bố tôi mất do tai nạn giao thông từ khi tôi học cấp 2. Cú sốc ấy khiến mẹ và hai chị em tôi suy sụp trong một thời gian dài. Mất đi trụ cột trong gia đình, một mình mẹ tôi bệnh tật nhưng phải bươn trải nuôi hai chị em tôi khôn lớn.

Thương mẹ, học hết cấp 3, tôi chủ động không thi đại học, xin lên thành phố đi làm. Tôi muốn kiếm tiền giúp mẹ trang trải cuộc sống và nuôi em trai ăn học, với kỳ vọng em có thể thay tôi thực hiện giấc mơ đại học cho mẹ vui lòng. Và em trai đã không làm tôi thất vọng.

Mẹ chồng khó tính bỗng thay đổi khi thông gia gặp biến cố, lý do thật sự khiến con dâu khiếp sợ-1
Ảnh minh họa

4 năm em lên thành phố học là 4 năm tôi làm việc gấp đôi người khác. Tiền kiếm được, một phần tôi dành cho em trai, một phần gửi về quê cho mẹ thuốc men chữa bệnh.

Có những lúc, tôi quên hết những nhu cầu của bản thân mình. Ăn không dám ăn, mặc không dám mặc, đến yêu đương cũng không dám nghĩ tới vì còn trách nhiệm với mẹ và em trên vai.

Ngày em trai tốt nghiệp, có thể tự kiếm tiền bằng sức lao động của mình, tôi mới thực sự thở phào nhẹ nhõm. Thời điểm ấy, tôi mới bắt đầu quen chồng hiện tại. Anh cũng xuất thân ở quê như tôi, lên thành phố xin việc làm.

Hai người đồng sở thích, có nhiều điểm chung về tính cách nên nhanh chóng quen thân và rồi yêu nhau. Được gần một năm, anh ngỏ lời cưới tôi.

Ban đầu, tôi còn lăn tăn vì em trai chưa ổn định nhưng chính mẹ khi biết tôi có người thương, bà đã động viên tôi xây dựng hạnh phúc riêng. Cuối cùng, tôi cũng lên xe hoa về nhà chồng trong sự mừng mừng tủi tủi của người thân.

Cưới xong, vợ chồng tôi thuê căn nhà 2 tầng rộng rãi ở trên thành phố. Nhà vẫn dư một phòng trống nên tôi bảo em trai đến ở cùng, đỡ tiền thuê phòng trọ bên ngoài vì em mới đi làm, thu nhập chưa được bao nhiêu. Em tôi ngại anh rể nhưng do tôi thuyết phục nên cũng đành gật đầu đồng ý.

Biết chuyện tôi cho em trai ở cùng, mẹ chồng tôi ở quê liền tỏ thái độ với tôi. Lần nào về quê, bà cũng nhiếc móc tôi đã lấy chồng rồi nhưng vẫn dấm dúi lo cho nhà ngoại. Bà còn nói chồng tôi phải quản lý tiền bạc cho chặt, tốt nhất là tìm cách đuổi em trai tôi ra khỏi nhà, tiền đâu mà "bao nuôi" người ngoài được mãi.

Thế nhưng, chưa cần mẹ chồng nghĩ cách đuổi, em trai tôi đã ra đi mãi mãi. Em tôi mất do tai nạn trên đường đi làm về. Khoảnh khắc nghe tin dữ, cả tôi và mẹ đều ngất lịm. Nỗi đau bao nhiêu năm về trước lại tái hiện trong hai mẹ con tôi, thậm chí đau hơn gấp bội lần.

Vì quá đau buồn với sự mất mát quá lớn, bệnh tình của mẹ tôi ngày một trở nặng, phải nhập viện điều trị. Thời điểm ấy, tôi thường xuyên phải đi đi, về về để lo cho mẹ.

Nhưng có một điều lạ là từ ngày em trai tôi mất và mẹ tôi ốm nặng, mẹ chồng lại tỏ ra rất quan tâm đến tôi cũng như tình hình của thông gia.

Bà liên tục gọi điện hỏi thăm tôi về sức khỏe của mẹ đẻ và không quên nhắc tôi mua nhiều thuốc bổ cho mẹ uống. Nếu cần thiết thì đón mẹ lên thành phố sống chung để tiện chăm sóc.

Cứ ngỡ mẹ chồng đã thấu hiểu và cảm thông cho nỗi đau của tôi nên thay đổi thái độ như vậy. Nào ngờ, cuộc nói chuyện của bà với con gái (tức em chồng tôi) đã tố cáo sự thật hoàn toàn ngược lại.

"Mẹ đẻ nó bệnh nặng, sớm muộn gì cũng không qua khỏi. Mẹ biết nhà ấy có mảnh đất mặt đường đẹp nhưng cứ giữ lại cho thằng con trai. Giờ nó mất rồi, kiểu gì anh trai và chị dâu mày cũng được thừa kế. Đến lúc ấy, bán đi cũng được vài tỷ chứ không ít, tha hồ mà tiêu".

Nghe câu nói của mẹ chồng, chân tay tôi run rẩy. Hóa ra, lý do bà bỗng quan tâm đến tôi và mẹ tôi là vì nhòm ngó đến mảnh đất của nhà tôi.

Trong lúc mẹ con tôi đang gánh chịu nỗi đau mất người thân thì mẹ chồng coi đó là một cơ hội. Cơ hội để có đất, có tiền. Điều đó khiến tôi không thể nào tôn trọng bà được nữa. Tôi nên làm thế nào với sự giả dối, toan tính này từ mẹ chồng?

Theo Sức Khỏe Đời Sống