Bố mẹ tôi đều xuất thân từ những người sống ở vùng nông thôn. Họ lấy nhau khi trong tay chẳng có gì cả. Cuộc sống ngày một đắt đỏ, cần nhiều tiền mà bố mẹ chẳng tìm thấy một lối đi tốt hơn. Hai bên nội ngoại cũng đã già cả, chẳng giúp gì được. Tất cả những gì bố mẹ tôi có chỉ là hai trái tim vàng sống tạm trong căn nhà cũ ở quê.
Năm 1998 tôi được sinh ra, cuộc sống chồng chất khó khăn. Bố tôi quyết định sẽ lên thành phố xin làm thuê với hi vọng thay đổi được gì đó. Dù mẹ lúc sinh tôi ra vẫn còn yếu, không đành xa chồng song vì nghĩ cho tương lai của tôi nên vẫn để bố đi đến nơi khác lập nghiệp. Nhưng mẹ tôi chẳng hiểu sao sức khỏe bị ảnh hưởng nhiều do thiếu chất, tới nỗi bác sĩ nhận định khó mà sinh được thêm một người con nữa.
Khoảng thời gian ấy, may mắn bố tôi xin được vào làm thợ ở một xưởng cơ khí. Những tháng đầu dù chỉ mới học nghề nhưng ông bà chủ thương hoàn cảnh khó khăn nên vẫn chu cấp đầy đủ cho bố tôi, còn biếu thêm một khoản nhỏ gửi về quê cho vợ con. Cả gia đình tôi biết ơn nhà chủ đó. Bố tôi cũng tự nhủ bản thân phải cố gắng để làm được nhiều việc hơn.
Sau khoảng 4, 5 năm, bố tôi bắt đầu vững tay và đảm nhiệm được nhiều vị trí quan trọng. Bây giờ là 2020 tức là bố tôi gắn bó cùng xưởng được tầm hơn 20 năm rồi. Suốt thời gian ấy, bố hàng tháng gửi khoản tiền 5 triệu đồng, rồi lên 10, 15 triệu đồng đều đặn về cho mẹ con tôi.
Mẹ chi tiêu tiết kiệm nhưng vẫn cố để cho tôi ăn học đầy đủ, không thua kém bạn bè. Khoản còn lại sẽ để gửi ngân hàng dự trù cho tương lai. Giờ đây tôi cũng đã là một cô nữ sinh học trung cấp Y ở gần nhà để tiện về chăm sóc cho mẹ.
Bình thường, bố sẽ về nhà 1 lần/2 tháng không kể dịp lễ Tết hoặc đám cưới, giỗ... Tuy nhiên, tôi nhận ra khi ông ấy càng lớn tuổi thì lại càng về nhà ít hơn. Hỏi mẹ thì mẹ chỉ bảo chắc công việc bận bịu hơn trước. Ông chủ của xưởng đã mất, giờ chỉ còn bà chủ nên bố tôi phải ở đó đỡ đần. Mặt khác, bố tôi làm 20 năm cũng đã quen nhiều khách hàng nên giờ đây ông ấy giữ vị trí khá quan trọng của xưởng, là cầu nối để vận chuyển hàng vào hàng ra.
Tôi cứ nghĩ khi kinh tế của gia đình tốt lên thì hạnh phúc cũng sẽ phát triển theo chiều hướng tích cực. Nào ngờ, tôi lại thấy mẹ mình khóc trong đêm nhiều hơn. Bà ấy không dám khóc to vì chắc sợ tôi nghe thấy và phiền lòng. Mới đầu, tôi gặng hỏi kiểu gì mẹ cũng chẳng nói. Nhưng tôi vẫn cứ cảm thấy không yên tâm. Tôi nghĩ ngay đến trường hợp bố có nhân tình ở ngoài nên hỏi thẳng mẹ. Đến nước này, mẹ khó mà chối được nữa. Bà ấy kể hết ra, rằng đã thấy những hình ảnh cực kỳ nhạy cảm của bố và nhân tình trong điện thoại.
Tôi thoáng chút bàng hoàng. Bố tôi ngoài 40 rồi, tại sao vẫn còn tơ tưởng đến người phụ nữ khác cơ chứ... Chính mẹ cũng có chung thắc mắc với tôi. Hai mẹ con tôi đã nhắn tin ngầm cho bà chủ của xưởng cơ khí. Tuy nhiên, bà chủ nói không để tâm đến chuyện đời sống riêng tư của các thợ nên chẳng biết. Tới lúc mẹ tôi gửi tấm ảnh cho bà chủ thì mới biết danh tính "ả tiểu tam". Hóa ra cô ta là chỉ là một người hay thu mua ve chai ở xưởng mà thôi.
Hai mẹ con tôi quyết đến tận xưởng để làm cho ra nhẽ. Nhưng cũng chính tại đây, ả tiện phụ kia đã thốt ra những lời khó nghe, khiến cho mẹ con tôi điêu đứng. Khi mẹ tôi nói hãy từ bỏ bố tôi và để gia đình tôi được hạnh phúc, cô ta đanh giọng trợn mắt: "Một người phụ nữ vô tri vô dụng như chị thì đừng có mà mạnh mồm!"
Ngay khoảnh khắc đó, tôi đã muốn "chiến" tay đôi với loại đàn bà không có liêm sỉ này. Vậy mà mẹ tôi lại ngăn cản, như thể làm ngơ khi người phụ nữ kia chà đạp lên mình! Chưa hết, "tiểu tam" còn xỉ vả thậm tệ hơn:
"Thử nghĩ xem, chị giờ yếu ớt, lại sống xa chồng. Tôi ở gần anh ấy, sẽ "chiều" được nhiều hơn. Những khi chồng chị làm việc vất vả, cũng là tôi bên cạnh xả stress cho anh. Thi thoảng còn là "bạn nhậu" của anh nữa. Còn chị thì sao? Loại vô dụng chỉ biết ở nhà hưởng tiền mồ hôi nước mắt của chồng!"
Nói đoạn, ả quay ngoắt đi, để lại mẹ tôi khóc nức nở. Tôi thương mẹ, nhưng chỉ biết ôm bà ấy vào lòng mà nức nở theo. Vậy là mẹ con tôi phải chấp nhận sự thật rằng gia đình sẽ chẳng thể hạnh phúc nữa sao? Tôi đau lòng quá, muốn tìm một giải pháp...
Theo Nhịp Sống Việt