Sáng 1/10, ông Nguyễn Thanh Liêm, Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, cho biết đã yêu cầu lãnh đạo UBND xã Hòa Đông thành lập đoàn đi thăm hỏi sức khỏe, động viên tinh thần 2 thiếu niên bị 3 cảnh sát đánh.

Theo ông Liêm, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội Vĩnh Châu và các đoàn thể của thị xã cũng cử cán bộ thăm hỏi, động viên và hỗ trợ chi phí khám sức khỏe cho các em.

Ông Phan Văn Nghiêm, Chủ tịch UBND xã Hòa Đông, xác nhận việc đến nhà thăm hỏi các em. Còn N.H.Đ. (16 tuổi, người điều khiển xe Exciter 150 phân khối) nói: “Em không dám tiếp ai nữa vì tinh thần không được ổn định”.

"Họ đánh con tôi theo lối côn đồ"

Bà Huỳnh Thị Ngọc Nhẫn (mẹ của N.H.Đ.) cho biết sáng cùng ngày, gia đình nhận được giấy của Công an thị xã Vĩnh Châu mời đến để giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, theo người phụ nữ, thư mời ghi nhầm tên con trai bà.

“Những ngày qua có dư luận và một bài báo với nội dung gia đình tôi nhận 600 triệu đồng để rút đơn. Công an vừa gửi thư mời nên không có chuyện tôi rút đơn và gia đình không yêu cầu bồi thường”, bà Nhẫn chia sẻ.

Theo người phụ nữ này, 3 cảnh sát đánh Đ. đã bị Công an tỉnh Sóc Trăng tước quân tịch nhưng bà vẫn chờ kết quả xử lý đơn tố cáo. Bà Nhẫn cho biết nếu Công an thị xã Vĩnh Châu xử lý không thỏa đáng, gia đình sẽ gửi đơn đến cơ quan khác để yêu cầu xử lý hình sự những cảnh sát đã đánh người.

“Tôi muốn xử lý nghiêm cán bộ đánh con tôi để họ thấy việc đánh trẻ chưa thành niên như vậy là có tội. Họ đánh người không có vũ khí trong tay, con tôi không chống cự, xin lỗi mà vẫn bị đánh", người mẹ nói trong nước mắt và cho biết Đ. đang hoảng loạn, tinh thần sa sút, ăn uống kém.

Mẹ nam sinh bị công an đánh: Không có chuyện gia đình rút đơn-1
Bà Huỳnh Thị Ngọc Nhẫn rất buồn khi có nhiều thông tin sai lệch về gia đình. Ảnh: Nhật Tân.

Xem hình ảnh con trai bị cảnh sát đánh, bà Nhẫn nói rằng mũ bảo hiểm và gậy điều khiển giao thông đều là vật cứng, đạt chuẩn của ngành công an. Những vật này đánh vào đầu người khác có thể gây chấn thương sọ não, thậm chí chết người.

“Họ dùng hung khí đánh vào chỗ hiểm. Nếu không may con tôi bị đánh chết thì ai chịu trách nhiệm. Đánh như vậy là cố ý giết người, chứ không còn gọi là nóng nảy được. Đánh gãy cây điều khiển giao thông thì lột nón bảo hiểm đánh tiếp. Họ còn dùng giày, lấy trớn thật xa để đá vào bụng. Họ đánh con tôi theo lối côn đồ”, bà Nhẫn bức xúc.

Liên quan đến việc địa phương cử cán bộ thăm hỏi Đ., bà Nhẫn kể rằng vài ngày trước, cán bộ xã và đoàn thể đã đến nhà.

“Những cán bộ đến thăm có gửi phong bì, đưa cho con gái tôi. Hồi tối (30/9 - PV), đại diện công an thị xã có đến hỗ trợ tiền nhưng tôi không xem phong bì bao nhiêu. Họ đến thăm hỏi, gửi một phong bì, nói hỗ trợ phần tiền nho nhỏ để mua sữa cho con tôi. Tôi không nhận nhưng mấy anh kêu nhận đi, không sao hết. Tôi vẫn nhận nhưng không coi bao nhiêu, con gái tôi cất rồi”, mẹ của Đ. kể.

Vì sao đội phó bị cách chức?

Tại buổi họp báo chiều 30/9, khi nói về hành vi của nhóm cảnh sát đánh 2 thiếu niên, đại tá Lâm Thành Sol, Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng, cho biết chưa thực hiện quy trình liên quan việc có dấu hiệu hình sự hay không.

“Chưa đặt vấn đề xử lý hình sự được, vì muốn có vấn đề đó phải có thông tin tố giác tội phạm và phải có dấu hiệu tội phạm và phải căn cứ vào các quy định của pháp luật. Ví dụ như phải giám định thương tật các em đến mức độ nào, bao nhiêu phần trăm thì mới có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự”, ông Sol nói.

Về tính chất vi phạm của 5 thành viên tổ tuần tra, đại tá Sol nói rằng tuy đại úy Hứa Trường An làm (đội phó, tổ trưởng) không đi chung 2 môtô với 4 đồng nghiệp đuổi theo N.H.Đ. nhưng có trách nhiệm người đứng đầu.

“Là chỉ huy trong một ca tuần tra kiểm soát giao thông mà không quán xuyến được cán bộ chiến sĩ của mình nên chịu trách nhiệm trước lãnh đạo, bị cách chức. Đây là việc xử lý rất nghiêm khắc”, đại tá Sol nêu quan điểm.

Theo giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng, 3 cảnh sát bị tước danh hiệu công an là đại úy Châu Minh Trung, trung úy Nguyễn Quang Thái, thượng úy Đoàn Tấn Phong vì dùng tay, chân, mũ bảo hiểm, công cụ hỗ trợ thực hiện các hành vi bạo lực đối với 2 em vi phạm Luật Giao thông đường bộ.

Cảnh sát còn lại là đại úy Trần Minh Đời tuy không động chạm vào 2 thiếu niên nhưng không khuyên răn, can ngăn đồng đội thực hiện hành vi bạo lực nên bị cảnh cáo.

Mẹ nam sinh bị công an đánh: Không có chuyện gia đình rút đơn-2
Hình ảnh đại úy Châu Minh Trung đánh thiếu niên 16 tuổi.

Ngày 25/9, tổ tuần tra của Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự Công an thị xã Vĩnh Châu do đại úy An làm tổ trưởng tuần tra kiểm soát bảo đảm trật tự an toàn giao thông dịp lễ Sene Đolta. Khi đến phường Vĩnh Phước, tổ tuần tra này phát hiện Đ. điều khiển xe máy Exciter 150 phân khối, chở theo một thiếu niên.

Nghi vấn người cầm lái sử dụng rượu bia và chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện phân khối lớn tham gia giao thông, lực lượng làm nhiệm vụ ra tín hiệu dừng phương tiện để kiểm tra.

Tuy nhiên, người điều khiển không chấp hành mà tăng ga bỏ chạy với tốc độ cao, chèn ép xe của tổ tuần tra, lạng lách, đánh võng trên đoạn đường gần 30 km.

Khi đến ấp Âu Thọ B, xã Vĩnh Hải, 3 cảnh sát có hành vi sử dụng bạo lực (dùng tay, chân, gậy nhựa điều khiển giao thông, mũ bảo hiểm) đánh 2 thanh niên này.

Hình ảnh từ camera an ninh cho thấy đại úy Trung, trung úy Thái và thượng úy Phong đã đánh 2 thiếu niên. Trong đó, người đánh nhiều nhất là đại úy Trung. Sau khi đánh bằng gậy chỉ huy giao thông, ông Trung đã đấm, đá và dùng mũ bảo hiểm đánh liên tiếp vào đầu 2 thiếu niên.

Nói về sự việc hôm đó, đại úy Trung cho biết: “Em cầm lái chạy lạng lách, ép xe CSGT, nên chúng tôi nóng giận”.

Theo Zing