Chờ con từng ngày
Những ngày cuối thu, tiết trời oi bức khiến ai cũng mệt mỏi, mồ hôi nhỏ giọt theo từng tờ bạc lẻ của người lao động. Nắng quá gắt, nám đen đôi vai trần đầy bụi của những người phụ hồ nơi công trường, đốt luôn sự kiên nhẫn vốn có ở những người cần lao. Họ chỉ biết giận dữ, la ó nhau để tạm xua đi cơ cực của mình.
Ông hàng xóm nọ, đá văng đứa con ra đường. Mắt ông long lên sòng sọc, ném đi cuốn tập có con số 0 tròn trịa, kèm theo những bạt tay chan chát. Hai má thằng nhóc đỏ ngầu, cùng vô số câu nói bất mãn về sự thất học của cha nó.
28 năm trước bà Vũ Thị Thi (59 tuổi, nhà ở xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, TP HCM) hồi hộp chờ con chào đời, 28 năm sau bà sợ thời gian qua nhanh vì con bà đang mang bản án tử hình.
Cả cuộc đời ông chỉ biết lao động, đôi tay đầy nốt chai sần để nó được đến trường, mua con chữ cho nó thoát nghèo. Vậy mà, “mày học hành như vầy, học hành như vầy, không học gì nữa, mai theo tao đi xách hồ để em mày học…”, vừa nói, ông vừa xé nát tập vở, ném xuống con mương gần đó.
Người phụ nữ tuổi đôi mươi xoa lấy bụng mình kinh hãi. Thằng bé nghịch ngợm đạp mạnh vào thành bụng, chị cười ngẫm nghĩ: “Chắc nó an ủi mẹ, muốn nói mẹ hãy yên lòng, nó sẽ ngoan, sẽ không như thằng nhóc hàng xóm tối ngày bị cha đánh vì trốn học”. Chị đếm từng ngày chờ con thay chị mang về những mong ước mà cả cuộc đời chị phấn đấu mãi vẫn chưa với tới được.
Tháng 10/1991, chị sinh, thằng nhóc 3,6 ký, tròn trịa, bụ bẫm. Nó hiếu động lắm, nhìn quanh rồi nhoẻn miệng cười. Chị ôm nó vào lòng, hạnh phúc, chị gọi nó là thằng Bé. Thằng Bé dần xua đi 9 tháng 10 ngày mang nặng, xóa tan những cơn đau quặn thắt trước đó. Giọt nước mắt ấm áp tình mẫu tử rơi trên nụ cười tròn trịa. Thằng Bé thật dễ thương.
Con bà, Vũ Văn Tiến (SN 1991) đồng phạm trong vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước. Ngày 17/11/2017, chủ mưu Nguyễn Hải Dương đã thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc.
Cũng như bao người mẹ có con nhỏ khác, tóc chị rụng nhiều hơn, chị xuề xòa hơn, ăn uống giản đơn và làm việc nhiều hơn, với hy vọng khi con trai lớn thêm một chút, chị sẽ có đủ tiền cho nó ăn học.
“Đi làm công cực lắm mà tiền không bao nhiêu đâu, tôi với ba nó bỏ tụi nhỏ ở nhà, làm mướn từ sáng tới tối được hơn trăm ngàn, chia nhỏ ra, tiền ăn cho cả nhà, tiền thuốc, tiền thuê nhà,… đó là mấy đứa con nhà tôi toàn uống nước cơm cả.
Tôi thấy con nhà người ta học tới nơi tới chốn, làm giám đốc, kỹ sư, đi làm bằng xe hơi, chiều về nhà to mà ngủ. Tôi nghĩ, nếu thằng Bé nó được học hết mức, nó làm ông này bà nọ sẽ đỡ hơn cho cuộc đời nó, chứ không như tôi”, chị thỏ thẻ.
Con đừng sợ, mẹ sẽ ở bên cạnh con
Năm tháng thoi đưa, thằng nhóc ngày nào còn khát sữa khóc ngằn ngặt chị phải hát ru suốt mới chịu ngủ, nay đã nhảy chân sáo đến trường. Mái tóc người mẹ ấy cũng lốm đốm bạc, lưng oằn gánh để con trai cõng chữ. Bà nhìn thằng Bé cười giỡn với bạn bè, nhẹ nhàng hơn vì con trai không một mình.
Nhớ con, bà thường bật chiếc tivi cũ kỹ, chiếc tivi đầy những đường ngang dọc, gõ lọc cọc mới có thể xem được hình ảnh.
Nhưng mà, thằng Bé học hết lớp 4, bà gạt nước mắt vì không còn tiền, bà tặc lưỡi gửi thằng Bé vào tiệm sửa xe gần nhà: “Thôi không học nữa thì đi làm có cái nghề với người ta. Trăm hay không bằng quen tay mà. Miễn nó hiền lành, chăm chỉ là được”.
Từ ngày nghỉ học, thằng Bé trầm tính hẳn, y như những công việc làm thuê không tên của bà, nhưng bà vui, vì thằng Bé chăm chỉ thật, hiền lành thật, lại tình cảm. Đi làm thì thôi, về nhà lúc nào cũng gọi mẹ, lớn xác mà như con nít, hơn 20 tuổi cứ ru rú trong nhà với mẹ.
Hôm nào được nghỉ, nó nằm vắt chân lên võng, xem ti vi rồi thích thú cười. Mỗi lần cái ti vi cũ “kiếm chuyện”, nó phải đứng lên, gõ gõ vài cái, rồi làu bàu “Có lương tháng này con mua cái ti vi mới cho mẹ coi sướng luôn”, hay “Mẹ đừng đi chiếc xe đó nữa, nó thường chết máy, đẩy thôi cũng mệt, mẹ ráng vài tháng nữa, con có tiền, con mua cho mẹ chiếc xe khác”,… Bà gật đầu, cười hạnh phúc.
Ngày 7/7/2015, bà nghe người ta bàn tán ở miệt Bình Phước, có thằng choai choai nào đó lấy đi 6 sinh mạng của cùng một gia đình. Chưa kịp cảm thương cho những người xấu số, bà ngơ ngác khi 3 ngày sau (10/7/2015), công an ập đến, thông báo bắt giữ thằng Bé với vai trò đồng phạm. Nhìn con bị dẫn đi, bà nói với theo: “Con đừng sợ, dù con như thế nào, mẹ cũng sẽ bên cạnh con”.
Bà Thi không biết mình có thể xin giảm án cho con được hay không, nhưng mỗi tháng bà vẫn gửi đi hàng chục lá đơn và chờ hồi âm.
Từ khi con trai bị tạm giam, ngoài việc đi làm trang trải cuộc sống, bà đều để dành một khoản tiền để đến trại giam ở tỉnh Bình Phước thăm con. Tim bà quặn thắt lại khi lắng nghe con trai kể về quá trình phạm tội.
Cuối câu chuyện, thằng Bé quấn mẹ ngày nào rơi nước mắt: “Con ân hận, biết vậy con sẽ không cùng nó đi đòi nợ, nó chỉ nói đi đòi nợ thôi. Không ai nghe con nói, không ai cứu con đâu mẹ ơi”. Bà cố gắng nuốt nước mắt để con thấy mình vẫn ổn, giọng run lên: “Con trong này phải cố gắng ăn uống cho có sức, dù ai xa lánh, chửi rủa con, mẹ vẫn bên con. Mẹ sẽ gửi đơn khắp nơi cầu cứu”.
“Tôi về nhà, thảo ngay một bức thư để gửi Chủ tịch nước rồi viết tiếp các bức thư cầu cứu khác để gửi thêm những người trong Văn phòng Chính phủ mà tôi biết. Tôi không hiểu nhiều về luật, nhưng theo con tôi kể, nó bị bạn nó lợi dụng. Bạn nó nói là đi đòi nợ nhưng khi đến nơi lại uy hiếp, bắt nó tiếp tay để giết người. Trời ơi, con tôi bình thường con gà còn không dám giết, sao nó giết người chứ.
Mỗi lần có thư báo Văn phòng Chính phủ đã nhận được đơn xin giảm án, bà Thi liền nấu một mâm chay để cúng ông bà. Đây cũng là bữa ăn "sang" nhất trong nhiều tháng liền của bà.
Theo như con tôi miêu tả và chính hung thủ cũng nhận là toàn bộ 6 người đều do bạn thằng Bé giết. Tôi không nói con mình oan ức, nó cũng liên quan trong vụ án đó, nhưng cho tôi xin mọi người, xử nó chung thân, mãi mãi không ân xá cũng được. Con dại cái mang, ai nói tôi như thế nào tôi cũng chịu, nhưng nếu thằng Bé nó được xử chung thân, mỗi tháng tôi sẽ được gặp mặt con một lần. Tôi chỉ cần thế thôi”, bà ôm mặt khóc.
Hàng xóm biết tin, nhìn bà xót xa, họ ở gần bà, họ biết gia đình bà luôn hòa nhã, hiểu lý lẽ, họ biết thằng Bé con bà luôn thích chơi với những đứa con nít quanh nhà. Thằng nhóc luôn giúp đỡ những người xung quanh, chưa bao giờ nhậu nhẹt, to tiếng với bất kỳ ai. Ai nói gì cũng cười hì hì rồi về nhà với mẹ. Họ tặc lưỡi: “Tội thằng nhỏ, nó mới lớn đã rớt ngay vào hố sâu của tội lỗi. Tội hơn nữa, nó không còn kịp để sửa sai”.
3 năm qua, hơn 1 ngàn lá đơn đã được bà Thi gửi đi với mong mỏi duy nhất Tiến được xử chung thân không ân xá, để mỗi tháng bà được gặp con một lần.
3 cái tết, mẹ không có mùa xuân
Tuy những người con khác của bà lúc nào cũng tìm cách để bà không tiếp túc với thông tin, nhưng bà thấy hết, nghe hết những câu chửi rủa của người đời. Họ chửi con bà tàn ác, máu lạnh, chửi bà không biết dạy con, bênh vực con.
Bà chấp nhận: “Vì họ chưa từng tiếp xúc tôi và thằng Bé nên họ chửi, tôi không có ý kiến. Tôi là mẹ nó, khen, chê, tôi xin nhận hết. Tôi cảm ơn những bà con khác, đến bây giờ tôi vẫn không biết họ là ai, nhưng nhờ mọi người tôi mới có đủ vài trăm ngàn đi xe lên thăm thằng Bé.
Trong phiên tòa xét xử ngày 18/7/2016, bà Thi đã quỳ xuống, thay mặt con trai mình xin lỗi gia đình người bị giết hại. Ảnh: Lê Phong
Tết vừa rồi tôi ra tới Hà Nội để gửi đơn xin giảm án cho nó cũng nhờ bà con gom tiền. Giờ tôi không đi làm nhiều, tôi tập trung thời gian để gửi càng nhiều đơn càng tốt. Hình như, tôi gửi trên 1.000 lá đơn rồi”.
Nói đoạn, bà tiếp tục chuẩn bị khăn gối đi thăm con theo lịch thăm vào thứ năm đầu tiên của tháng. Thứ năm này ngày 8/3, ngày Quốc tế phụ nữ, cũng là ngày của bà mẹ có con sắp bước vào cửa tử. Bà nheo mắt nhìn theo tia nắng bên đường, mồ hôi chát đắng nơi khóe mắt, đã 3 cái tết bà không có mùa xuân.
Ở trong tù, con trai bà Thi được học cách xếp mô hình, mỗi lần bà lên thăm, Tiến lại tặng cho mẹ một món quà, những món quà này có thể sẽ trở thành kỷ vật của đứa con trai khờ dại mà bà Thi luôn thương yêu.
Bà lẩm bẩm: “28 năm trước, tôi đã tính từng ngày để được nhìn thấy con. Bây giờ, bản án tử hình treo lơ lửng trên đầu thằng Bé, tôi sợ từng ngày, từng phút. Mỗi giây trôi qua, con tôi phải bước dần vào địa ngục. Tôi không có nhiều thời gian để gõ cửa từng nơi. Nếu nó được xử chung thân, mỗi tháng tôi lên thăm nó một lần cũng hạnh phúc lắm rồi”.
Bất kỳ người phụ nữ nào cũng vậy, từ khi biết bản thân mình đang ấp ủ một mầm sống, đã có rất nhiều tin yêu, hy vọng về đứa con của mình. “Con dại cái mang”, “con hư tại mẹ”,… những câu nói cũ rích dần trở thành chiếc gông vô hình, trùm lấy các bà mẹ khi núm ruột của mình mắc sai lầm.
Thứ năm ngày 8/3, ngày Quốc tế phụ nữ, cũng là ngày của bà mẹ có con sắp bước vào cửa tử vào trại giam thăm con trai mình.
Ngày nay, cộng đồng mạng thường thi nhau đưa ra nhận định, chửi thẳng, hay lạnh lùng lên án những bà mẹ có con thực hiện hành vi phạm pháp, xát muối vào trái tim cằn cỗi, đang run lên tính ngược từng ngày thi hành án.
Suy cho cùng, phạm tội thì phải đền tội, nhưng tin chắc bất kỳ người mẹ nào cũng vậy, dù con mình có bị cả xã hội lên án, bị chửi rủa, bị xua đuổi, ghẻ lạnh, trút xuống những lời thoá mạ, mẹ vẫn cùng con âm thầm hứng chịu.
Bà Vũ Thị Thi, mẹ của Vũ Văn Tiến (28 tuổi) cũng vậy.
Mẹ Vũ Văn Tiến suốt 2 năm gửi đơn xin chủ tịch nước ân xá
Theo Phụ nữ TP HCM