Thịt "lợn nhà” luôn được các bà nội trợ ưa chuộng vì được nuôi theo cách truyền thống bằng thức ăn tự nhiên, không có phụ gia độc hại hay chất kích thích tăng trưởng, nhiều gia đình còn nuôi thả rông. Lợn phải mất ít nhất 10 tháng mới đạt kích thước xuất chuồng, thịt thơm ngon, săn chắc và rất lành. Tuy nhiên, sản lượng thịt lợn nuôi truyền thống không cao, chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu.

Phần lớn thịt lợn bán trên thị trường hiện nay được nuôi kiểu công nghiệp, lợn đạt kích thước xuất chuồng trong thời gian rất ngắn, thịt không săn chắc, thơm và ngọt như lợn nuôi kiểu truyền thống.

2 mẹo nhỏ dưới đây giúp bạn phân biệt hai loại thịt trên.

Quan sát da, mỡ

Nhìn chung da của “thịt lợn nhà” sẽ trắng, bóng hơn thịt lợn công nghiệp. Thịt lợn nuôi kiểu truyền thống thường có lớp mỡ dày 2 - 3 cm, nhiều mỡ ít nạc. Lớp mỡ và phần thịt nạc dính chặt với nhau, lớp da dày.

Thịt lợn công nghiệp có rất ít mỡ, da mỏng.

Mẹo phân biệt thịt lợn nhà và thịt lợn công nghiệp-1
Thịt "lợn nhà" thường có lớp mỡ dày hơn lợn nuôi công nghiệp.

Độ kết dính

Dùng ngón tay nhấn vào miếng thịt, thịt "lợn nhà" thường có cảm giác dính tay nhiều hơn, thớ thịt săn chắc, có vẻ dai hơn.

Tuy nhiên, việc phân biệt theo cảm quan như trên chỉ mang tính tương đối và phụ thuộc nhiều vào cảm nhận tinh tế của người mua. Những dấu hiệu rõ ràng sẽ thể hiện khi bạn chế biến. Thịt công nghiệp đương nhiên sẽ không có mùi thơm ngào ngạt, vị ngọt đậm như thịt "lợn nhà", quá trình rang, xào cũng tiết ra nhiều nước hơn, khi ăn thớ thịt mềm bở hơn.

 

Theo VTC