Mất tự do
Trở lại TP.HCM sau 3 tháng về Quảng Nam nghỉ ngơi, bà Trần Thị Lưu (56 tuổi) gầy rộc. Chưa kịp thích nghi, công việc bán vé số dạo khiến bà sút cân, đen đúa.
Cách đây ít tháng, bà Lưu từng là người giúp việc trong một gia đình giàu có tại TP Thủ Đức. Với bà, đó là quãng thời gian đáng quên và toàn kỷ niệm buồn.
Trước khi đến làm việc tại gia đình đó, bà Lưu đã có 4 năm kinh nghiệm trong nghề giúp việc toàn thời gian. Những năm ấy, ngoài lo cơm nước, lau dọn nhà cửa, bà còn kiêm thêm việc chăm sóc con nhỏ cho chủ nhà.
Không ngại khổ, siêng năng, thật thà, bà được chủ nhà tôn trọng, đối đãi tử tế. Sự mẫn cán trong công việc đã đưa bà gặp gỡ, đến giúp việc cho một góa phụ giàu có tại TP Thủ Đức.
Bà kể: “Năm đó, gia đình tôi đang giúp việc chuyển sang nước ngoài định cư. Họ giới thiệu tôi cho 1 người bạn. Bà này là người giàu có, sống trong biệt thự rộng lớn.
Khi biết tôi là người Quảng Nam, nấu được các món ăn miền Trung, bà ấy nhận tôi vào làm ngay. Tôi nhận lương hơn 10 triệu đồng/tháng mà không phải chăm em bé, chỉ làm việc nhà, nấu ăn”.
Là người giúp việc nhưng bà Lưu có cảm giác như mình bị chủ nhà cầm tù. Ảnh minh họa: Pixabay.
Lương cao lại nhàn, bà Lưu vui như vừa trúng số. Nghĩ đến việc sẽ nhanh chóng tiết kiệm đủ số tiền để về quê xây ngôi nhà nhỏ dưỡng già, bà hạnh phúc đến rơi nước mắt.
Thế nhưng niềm vui của bà không kéo dài được lâu. Khi khăn gói đến nhận việc, bà được gia chủ yêu cầu không được tự ý ra khỏi nhà. Mỗi ngày, bà chỉ được ra ngoài vào buổi sáng để đi chợ.
Khi đi chợ, bà được một người chở đi, đón về. Sau khi bà vào cổng, người này lập tức đóng kín cánh cổng lớn. Bà hoàn toàn bị cách ly với thế giới bên ngoài.
Trong nhà, bà Lưu không được sử dụng điện thoại thông minh. Chủ nhà vẫn cho bà liên lạc với gia đình ở quê nhưng chỉ được dùng chiếc điện thoại cũ với các chức năng cơ bản nghe, gọi, nhắn tin do gia chủ cung cấp.
Nếu muốn về quê thăm gia đình, bà phải báo trước cho chủ nhà vài ngày. Nếu không được đồng ý, dẫu có việc gấp, bà cũng không được ra ngoài. Nếu không, bà sẽ bị trừ toàn bộ tiền lương trong tháng.
Ở trong nhà, bà Lưu được lưu ý không cười nói lớn tiếng mà phải đi nhẹ, nói khẽ. Bà cũng phải mặc trang phục có màu sắc theo sở thích của chủ nhà…
“Ban đầu, tôi nghĩ mình làm giúp việc thì phải làm vừa lòng chủ. Hơn nữa, bà ấy trả lương cao nên sẽ có những yêu cầu khắt khe hơn các chỗ khác. Vậy nên tôi chịu đựng và cố gắng hoàn thành tốt công việc”, bà Lưu tâm sự.
Tháo chạy
Mỗi ngày, ngoài việc đi chợ nấu ăn cho chủ, bà Lưu phải lau dọn nhà cửa, quét tước, chăm sóc sân vườn. Ngày đầu tuần, bà phải giặt ủi chăn ga gối nệm.
Quần áo chủ mặc, bà được yêu cầu giặt tay hoàn toàn vào buổi sáng. Số quần áo giặt tay phải được phơi nắng trên sân thượng. Chỉ hôm nào trời mưa, không có nắng bà mới được sấy khô bằng máy.
Mỗi ngày, bà Lưu phải nấu cơm, bưng đến trước phòng cho con trai bà chủ trong tâm lý lo lắng, sợ hãi. Ảnh minh họa: Hoàng Giám.
Từng có 4 năm kinh nghiệm làm người giúp việc, những công việc trên không khiến bà Lưu thấy khó khăn. Chỉ sau 1 tháng, bà đã quen với công việc và cảm thấy thoải mái với các yêu cầu khắt khe của chủ nhà.
Tuy nhiên, ngay khi cảm thấy mình đã tìm được nơi làm việc ổn định, có thu nhập tốt, bà Lưu vấp phải chướng ngại không thể vượt qua. Bà được giao thêm việc, đó là chăm sóc cậu con trai của bà chủ. Cậu này bị loạn thần do sử dụng ma túy đá.
Bà Lưu kể: “Cậu ấy về mấy hôm thì tôi được biết trước đây, cậu từng hành hung mẹ vì ngáo đá. Lúc được đưa về nhà, thần kinh cậu đã không còn bình thường.
Cậu thường ngồi cười một mình, có khi lại nói lảm nhảm. Bà chủ bảo tôi nấu cơm, đem lên phòng cho cậu ấy. Mỗi lúc như thế, cậu ấy cứ nhìn chằm chằm khiến tôi rất sợ”.
Dù sợ hãi nhưng bà Lưu buộc phải làm công việc được giao. Mỗi ngày, bà đưa cơm cho cậu chủ 3 bữa: sáng, trưa, chiều. Để đảm bảo an toàn, bà chỉ bưng mâm cơm lên lầu, để ở trước cửa phòng cho cậu.
Nếu không có gì bất thường, nam thanh niên sẽ vui vẻ dùng bữa rồi đặt chén, đũa vào mâm cho bà Lưu đến dọn. Ngược lại, bà Lưu phải liều mình thu dọn mảnh chén bát vỡ, thức ăn vương vãi dưới sàn nhà.
Bà còn nhiều lần chứng kiến cảnh tượng nam thanh niên tự hủy hoại thân thể của mình. Cậu dùng tay cào vào cổ, ngực đến chảy máu. Cậu cũng lấy vật cứng, sắc nhọn đánh, cắt vào cơ thể.
Bà Lưu tâm sự: “Một lần vì không được ra ngoài chơi, cậu ấy la mắng và định xô xát với mẹ. Tôi và nhân viên của bà chủ phải khó khăn lắm mới giữ được cậu ấy.
Tôi sợ lắm. Từ ngày cậu ấy về, không đêm nào tôi ngủ ngon. Tôi sợ cậu ấy lên cơn sẽ làm những chuyện không lường trước. Do vậy, tôi quyết định xin bà chủ cho nghỉ việc nhưng không được”.
Không muốn mất người giúp việc mẫn cán, chủ nhà tìm cách trì hoãn việc cho bà Lưu nghỉ việc. Bà yêu cầu bà Lưu tiếp tục làm việc cho đến khi gia đình tìm được người thay thế. Trong quá trình này, chủ nhà liên tục tăng lương cho bà Lưu.
Tuy vậy, bà Lưu sẽ không được nhận đủ lương vào cuối tháng như trước. Thay vào đó, bà chỉ được nhận nửa tiền lương. Số còn lại, bà sẽ được nhận vào ngày 15 của tháng sau.
Bà Lưu cũng không được phép đi chợ nữa. Bà được lệnh chỉ ở trong nhà để lo việc cơm nước cho mẹ con bà chủ.
Cảm thấy bị cầm tù, đối mặt với nhiều nỗi bất an, bà Lưu quyết định từ bỏ công việc lương cao, tháo chạy khỏi gia đình đáng sợ. Dù chưa nhận phần tiền lương còn lại nhưng bà vẫn xin chủ nhà về quê giỗ chồng rồi không bao giờ quay trở lại.
*Tên nhân vật đã được thay đổi
Theo Vietnamnet