Giống như sầu riêng, món bún ốc Liễu Châu (luosifen) trở thành tâm điểm gây tranh cãi trên mạng xã hội Trung Quốc. Nhiều người ca ngợi hương vị của nó, nhưng có người lại cho biết họ không thể chịu được món ăn nặng mùi này.
Theo mô tả, món bún ốc có mùi như sầu riêng, nặng tới mức nồng nặc, ám toàn bộ không gian nhà hàng hay những con phố xung quanh. Chính thứ mùi đặc biệt ấy đã khiến dư luận Trung Quốc "chia rẽ" thành nhiều luồng quan điểm.
Cận cảnh món bún ốc Liễu Châu (Ảnh: Food).
"Nó thối thật đấy, nhưng vị ngon tuyệt vời. Ăn nhiều là dễ gây nghiện lắm", một tín đồ mê bún ốc nhận xét. Người kén ăn hơn thì không chịu nổi, cho rằng món ăn phải được xếp trong danh sách "vũ khí sinh học".
"Mùi của nó kinh khủng tới mức bạn mất hết cảm giác ngon miệng", một bình luận trên WeChat thẳng thắn nhận định.
Thậm chí có lúc tranh cãi lớn tới mức phải nhờ tới sự can thiệp từ cảnh sát. Beijing Evening News đưa tin, vào tháng 11/2019, một sinh viên Trung Quốc theo học tại Italy phải nộp phạt 48 USD vì nấu bún ốc ở nhà. Sau khi hàng xóm ngửi thấy thứ mùi lạ đã gọi điện báo cảnh sát.
Vậy món bún này rốt cuộc ra sao lại gây tranh cãi nhiều đến vậy?
Món ăn này có nguyên liệu chính là bún gạo chan với nước dùng nấu cay cùng nhiều nguyên liệu địa phương như măng chua, củ cải, đậu phộng, đậu que và váng đậu….
Đặc biệt ở chỗ, tuy gọi là bún ốc nhưng ốc không xuất hiện trong món ăn mà chỉ dùng để nấu, tạo hương vị cho nước dùng.
Thứ mùi "khó ngửi" của món bún là do măng chua (suan sun) được lên men theo công thức bí truyền. Đây cũng là "linh hồn" của bát bún giúp món ăn có vị tươi ngon, dễ gây nghiện.
Để làm ra thứ măng chua đạt chuẩn cũng lắm công phu. Những người nông dân vùng ngoại ô Liễu Châu phải dậy sớm để "săn" măng. Họ kiếm tìm phần ngọn vừa nhú khỏi mặt đất, cắt bỏ các chồi phía trên thân rễ. Tiếp đó, măng được sơ chế sạch và thái sợi.
Thông thường, người ta sẽ ngâm măng trong một loại nước sốt đặc biệt khoảng 2 tháng. Đó là thứ nước được trộn từ nước suối Liễu Châu với nước ngâm măng lâu năm.
Mỗi mẻ măng mới chứa khoảng 40% lượng nước ngâm cũ. Sau vài tháng, măng lên men và chua dần. Những người thợ giàu kinh nghiệm được trả tiền chỉ để ngửi mùi măng xem đã đạt chất lượng lên men đúng chuẩn hay chưa.
Món bún là sự kết hợp của nhiều loại nguyên liệu địa phương (Ảnh: QQ).
Mô tả về sự hấp dẫn của món ăn gây tranh cãi này, ông Ni Diaoyang, người đứng đầu Hiệp hội Luosifen, Giám đốc Bảo tàng Luosifen thành phố Liễu Châu, tự hào khẳng định: "Chỉ cần ăn 3 bát là bạn sẽ nghiền luôn".
Với những người địa phương như ông, món ăn là sự hòa quyện của nhiều hương vị phong phú giữa chua, cay, mặn và sự mọng nước.
Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin, năm 2014, món bún ốc ăn liền lần đầu tiên được sản xuất. Nó được ví như "phiên bản xa xỉ" của mì ăn liền, thường có từ 8 túi gia vị trở lên.
Năm 2020, doanh thu bán ra của các nhà máy ở Liễu Châu sản xuất đạt tới 1,7 tỷ USD.
Vào ngày hội độc thân trong cùng năm, trên nền tảng mua sắm trực tuyến Taobao, bún ốc Liễu Châu trở thành một trong 20 sản phẩm hút khách bán chạy bậc nhất.
Chỉ tính riêng tháng 6/2020, khoảng 2,5 triệu gói bún ăn liền được sản xuất nhằm phục vụ nhu cầu thưởng thức của người dân.
Theo Dân Trí