Tùy từng thời điểm, sở thích mà bà con người Thái ở Sơn La có những cách kết hợp khác nhau khi chế biến nộm rau rừng. Tuy nhiên, thời điểm để làm món nộm này đạt chuẩn, tròn vị nhất chính là vào khoảng tháng 5 đến tháng 7, khi các loại rau rừng non mơn mởn bắt đầu xuất hiện.
Có dịp vào chơi nhà chị Lò Thị Điện đúng lúc chị đang chuẩn bị món nộm rau rừng cho bữa tối, tôi đã có cơ hội được xem cách chế biến và thưởng thức món ăn này.
Khệ nệ bê một rổ đầy các loại rau xanh mướt, chị Lò Thị Điện (phường Chiềng Cơi, thành phố Sơn La), giới thiệu: “Nguyên liệu để làm món ăn này gồm có rau thối, rau bò khai, măng sặt ngọt, đọt riềng, quả núc nác, ớt, mắc khén, muối, mì chính".
Các nguyên liệu chính để làm nên món nộm rau rừng.
Những loại rau rừng mang cái tên lạ lẫm đối với nhiều du khách ở miền xuôi nhưng lại là loại nguyên liệu vô cùng quen thuộc với bà con người Thái ở đây.
Vừa nhặt rau, chị Điện vừa chia sẻ: “Nộm rau rừng làm không khó nhưng khá tốn thời gian, đòi hỏi người đầu bếp phải cẩn thận và kiên trì. Trong đó, công đoạn sơ chế khá lâu vì mỗi loại lại có cách làm khác nhau.
Ví dụ như rau thối thì cần nhặt từng cành để chọn ngọn non. Đọt riềng và măng phải bóc lớp vỏ ngoài. Còn quả núc nác phải nướng chín trước khi lột vỏ để lấy phần thịt quả bên trong...”.
Việc sơ chế rau trước khi chế biến tốn khá nhiều thời gian.
Chị Điện rửa sạch và để riêng các loại rau. Chị cắt đọt riềng thành từng khúc tầm 5cm, măng sặt và quả núc nác được thái mỏng. Xong xuôi chị bắc nồi nước lên bếp và luộc riêng từng loại cho chín tới. Lúc này cả căn bếp dường như bao trùm một mùi hôi nồng của rau thối.
Thấy tôi có vẻ băn khoăn về loại rau này, chị Điện nói thêm: “Rau thối lúc còn tươi thì mùi rất khó chịu, nhưng khi làm nộm sẽ cho vị bùi, giòn và không còn mùi hôi nữa. Quan trọng nhất là phải biết vắt sạch nước trong rau trước khi trộn gia vị để đảm bảo khi chế biến xong thì đĩa nộm phải khô ráo, rau vẫn giữ nguyên màu xanh".
Món nộm rau rừng đạt chuẩn phải có mùi thơm, các loại rau phải giữ nguyên màu xanh, không còn mùi hôi, vị chát.
Nói rồi, chị vớt rau vào một cái rổ lớn cho nguội và ráo nước rồi cho tất cả vào một cái nồi lớn để trộn cùng muối, ớt, mắc khén. Khi mặt trời khuất bóng, củi trong lò đã cháy hết cũng là lúc bữa cơm chiều đã chuẩn bị xong. Đĩa nộm rau rừng xanh mướt được dọn cùng với một số món ăn khác làm mâm cơm trở nên phong phú và hấp dẫn hơn.
Gắp miếng nộm rau và từ từ thưởng thức, điều đầu tiên tôi cảm nhận được là vị giòn, bùi hòa cùng gia vị rất vừa miệng. Đặc biệt, sự e ngại về mùi hôi nồng của rau không còn nữa, thay vào đó là mùi thơm, the mát nổi bật của mắc khén cứ vương vấn nơi đầu lưỡi.
Nộm rau rừng vừa tốt cho sức khỏe vừa giúp giải ngán khi ăn và giải rượu.
Khác với các loại nộm chua, ngọt ở miền xuôi, nộm rau rừng gần như giữ nguyên hương vị ban đầu của các loại rau, giúp du khách cảm nhận rõ vị ngọt, bùi tự nhiên của các loại “lộc trời” mà thiên nhiên ban tặng cho vùng núi Tây Bắc.
“Món nộm rau không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn là món ăn giúp giải ngán trong các mâm cỗ. Trước đây, món ăn này chủ yếu được bà con người Thái sử dụng trong bữa ăn hàng ngày, nhưng ngày nay nó còn được phục vụ trong các nhà hàng, khách sạn và được nhiều nhiều thực khách, nhất là các du khách ưa thích”, Chị Điện chia sẻ thêm.
Theo Dân Việt