Một Hollywood điên rồ và đầy đam mê
Với Babylon, Damien Chazelle đưa người xem trở về Hollywood của những năm 1920 - một thời hoàng kim xa xưa, thời mà phim câm vẫn đang thịnh hành nhưng sắp chuẩn bị bước vào cuộc chuyển mình lớn khi công nghệ thu thanh dần xuất hiện. Một đặc sản của Hollywood giai đoạn này là những buổi tiệc xa hoa, nơi tụ tập của những minh tinh màn bạc, nhà sản xuất tai to mặt lớn trong giới làm phim.
Quy mô của những buổi tiệc này được thể hiện qua tầm nhìn của Damien Chazelle khiến ta phải choáng ngợp. Những cuộc truy hoan thâu đêm suốt sáng, những cú máy táo bạo thâu tóm khía cạnh hoang dã, điên loạn nhất của con người, phối hợp hài hòa với thứ nhạc jazz không thể chê vào đâu được của nhà soạn nhạc trứ danh Justin Hurwitz, tất cả đã hợp thành một nguồn năng lượng cháy bỏng trải dài xuyên suốt bộ phim, khiến người xem không thể rời mắt khỏi màn hình dẫu thời lượng dài hơn 3 tiếng.
Hollywood bi kịch qua Babylon.
Cái tên Babylon được Damien Chazelle lấy cảm hứng để mô tả Hollywood thời bấy giờ: Một thành phố lộng lẫy, khoa trương nhưng bị mục rữa dần bởi sự suy đồi, trụy lạc. Song nếu thành quốc Babylon của Lưỡng Hà cổ đại được nhớ đến bởi vẻ đẹp suy tàn thì ngược lại, Hollywood luôn tồn tại, rực rỡ với danh tiếng “kinh đô điện ảnh”, chính nhờ những con người đương thời xây đã xây dựng nên bằng thứ tình yêu nhiệt thành, cháy bỏng.
Nếu ví von Once Upon A Time In Hollywood của (2019) của “quái kiệt” Quentin Tarantino là bức thư tình dành cho Hollywood thì Babylon của Damien Chazelle giống một bức tranh siêu thực về kinh đô điện ảnh của những năm 20 được tô bằng gam màu nóng, hiện lên với một vẻ khoa trương nhưng cũng tiềm ẩn nét điêu tàn.
Không có chỗ cho lạc quan và mơ mộng
Phần lớn thời gian phim được kể qua góc nhìn của nhân vật Manuel - được thủ vai bởi Diego Calva - một anh chàng Mexico vượt biên sang Mỹ tìm kiếm một chỗ đứng trong đoàn làm phim. Chúng ta gặp lại Margot Robbie hóa thân vào vai diễn Neillie LaRoy, cô đào nóng bỏng tự thân tìm đường vươn lên trở thành ngôi bằng chính thực lực của mình. Và cuối cùng là Jack Conrad – do tài tử Brad Pitt thủ vai – một siêu sang hạng A, gần như là ông hoàng của thời phim câm.
Ba nhân vật chính đều là những tâm hồn cô đơn trong câu chuyện riêng của họ. Điện ảnh đối với họ không chỉ là đam mê, là tình yêu mà còn là cứu cánh giúp họ thoát ly khỏi cảm giác lạc lõng ở thực tại để tìm thấy bản thân trong thế giới và nhân vật hư cấu.
Nếu tình yêu trong những tác phẩm trước của Damien Chazelle thường mở ra tương lai lạc quan hay sự cứu rỗi cho nhân vật chính thì ngược lại ở Babylon, tình yêu mang một sắc thái cực đoan, đem lại sự tan vỡ và có xu hướng đẩy nhân vật vào đường cùng, tuyệt vọng.
Dường như Damien Chazelle đang muốn chỉ ra rằng không có chỗ cho tâm hồn lạc quan và mơ mộng ở Hollywood những năm 20. Rốt cuộc thì đây cũng chỉ là ngành công nghiệp hái ra tiền.
Phim tái hiện không gia cổ điển của giới làm phim Hollywood.
Khi phim có âm thanh trở thành xu hướng, ngay lập tức những hãng phim lớn cho xây dựng hàng loạt studio biệt lập với môi trường bên ngoài để tối ưu hóa quá trình thu âm. Từ một góc máy phía xa nhìn vào, quần thể studio này trông chẳng khác gì một khu công nghiệp vô hồn.
Những tên tuổi từng tung hoành ở thời phim câm bỗng trở nên tầm thường và lạc lõng trong thời đại mới. Jack Conrad một thời được tôn thờ là thế lại bị cười chê bởi sự ngây ngô khi xử lý câu thoại. Một Nellie LaRoy biểu tượng gợi cảm là thế bỗng chốc về lại là cô gái quê mùa, lố bịch đến từ New Jersey. Khán giả phũ phàng quay lưng lại với họ còn giới báo chí thì coi họ là tâm điểm để chỉ trích, vùi dập.
Bên cạnh đó, những góc đen tối nhất của Hollywood cũng dần được show ra. Một nơi đầy rẫy những kẻ đạo đức giả, những cuộc truy hoan vô độ, hạ thấp phẩm giá con người, và những vấn đề âm ỉ về sắc tộc và giới tính. “Chào mừng quý vị đến với lỗ chôn của Hollywood!” Câu thoại xanh rờn của gã tài phiệt bí ẩn James McKay (Tobey Maguire) dường như đã gói gọi hết sự xấu xí của kinh đô điện ảnh thời bấy giờ.
Một chuỗi diễn biến cực đoan ở nửa sau phim khiến cho không khí dần trở nên bí bách và tăm tối quá mức cần thiết. Kịch bản được xây dựng theo ba tuyến nhân vật chính, dàn trải qua nhiều sự kiện dưới một tiết tấu nhanh dồn dập, nhiều vấn đề được nêu lên nhưng lại không được mổ xẻ đến cùng khiến tổng thể của Babylon khá ôm đồm, lộn xộn.
Vẻ đẹp trong bi kịch
Tuy nội dung có phần cực đoan và bi quan, Babylon vẫn có những khoảnh khắc lãng mạn của riêng nó. Ta có thể nhìn thấy chuyện tình của Mia và Sebastien trong La La Land ngày nào qua cặp đôi Manuel và Nellie. Dù cuối chặng đường hai người không đến được với nhau, chính tình yêu chân thành đã hoàn thiện họ và tiếp cho họ niềm tin, sức mạnh để vững bước theo đuổi đam mê.
Tài tử Jack Conrad tuy có cái kết phũ phàng nhưng cuộc đời và sự nghiệp của anh sẵn đã là một kiệt tác. Gương mặt điển trai, chất giọng cuốn hút và dĩ nhiên là gần 100 bộ phim anh làm ra sẽ luôn được hậu thế nhớ đến. Hollywood sẽ không bao giờ được như hôm nay nếu thiếu đi Jack Conrad của ngày đó đã đam mê, đã tận hiến hết mình cho điện ảnh.
Margot Robbie và Brad Pitt thủ vai chính trong phim.
Phim kết thúc với một trường đoạn tổng hợp lại quá trình phát triển của điện ảnh thế giới. Từ những thước phim đơn sơ mộc mạc đầu tiên của anh em nhà Lumiere cho đến cả một thế giới kỳ vĩ, được xây dựng cực kỳ chi tiết trong Avatar. Hơn 100 năm tồn tại, điện ảnh đã có những bước tiến không tưởng cho thấy một sức sống quá đỗi mãnh liệt.
Dẫu phía sau lớp vỏ hào nhoáng là một Hollywood mục rỗng, dẫu những minh tinh màn bạc cứ thế đến rồi đi, dẫu thời thế biến động hay công nghệ thay đổi… thì tất cả cũng chỉ là hạt cát nhỏ trong dòng chảy lịch sử của điện ảnh.
Babylon là phim kén người xem, không đem lại tinh thần lạc quan hay cảm giác dễ chịu. Song nó độc đáo, mang ngôn ngữ riêng của đạo diễn Damien Chazelle và chứa đựng một nguồn năng lượng dồi dào, kích thích adrenaline của người xem và đâu đó, thắp lên tình yêu điện ảnh trong mỗi chúng ta.
Theo Tiền Phong