Theo NBC News, sự hoài niệm của Gen Z dẫn đến hiện tượng thời trang. Trào lưu mặc quần jeans cạp trễ, áo crop top in họa tiết đáng yêu... trở lại mạnh mẽ.
Dua Lipa, Olivia Rodrigo và diễn viên Pete Davidson là những gương mặt điển hình giúp xu hướng Y2K phủ sóng. Sức lan tỏa của trào lưu này không chỉ dừng lại ở Hollywood. Giới mộ điệu tại các nước châu Á tích cực đón nhận và lăng xê.
Sự hồi sinh
Các phụ kiện như vòng cổ hoạt hình, đính cườm từng nổi tiếng vào năm 2000. Hiện nay, chúng xuất hiện nhiều bên cạnh các tín đồ thời trang. Đặc biệt, loạt thiết kế từ thương hiệu Ian Charms được giới trẻ đón nhận.
Lisa Sahakian, Giám đốc điều hành của Ian Charms cho biết: "Tôi nghĩ rằng đang có sự hồi sinh những xu hướng tuyệt vời của năm 2000. Khi quay trở lại, nó ảnh hưởng trực tiếp đến văn hóa nhạc pop ngày nay".
Olivia Rodrigo, Dua Lipa góp phần giúp xu hướng Y2K hồi sinh. Ảnh: Oliviarodrigo, Dualipa.
Không chỉ dừng lại ở những mẫu phụ kiện, loạt xu hướng thời trang mang tính biểu tượng hơn 20 năm trước như mũ bucket, quần jeans cạp trễ hoặc áo phông màu sắc đang nổi tiếng. Chúng được giới trẻ đón nhận.
Hiện tượng này dẫn đến trào lưu săn đồ second hand. Những cửa hàng như Bowery Showroom và Rogue đón nhận lượng lớn khách hàng mỗi ngày.
Emma Rogue, 25 tuổi, chủ sở hữu Rogue chia sẻ về quá trình kinh doanh. Cô bắt đầu đăng bán các thiết kế cổ điển vào năm 2018. Nhiều ý kiến trái chiều đã xuất hiện xoay quanh những món đồ. Đồng thời, sản phẩm được giới trẻ đón nhận. Đây là dấu hiệu khiến Emma Rogue quyết định kinh doanh.
Trong khi đó, Depop - trang web kinh doanh trang phục cổ điển đang phát triển mạnh mẽ. Trang web có hơn 30 triệu người dùng, 90% trong số đó dưới 26 tuổi.
Các sự kiện thúc đẩy
Emma Rogue thừa nhận việc kinh doanh thành công là nhờ loạt tên tuổi đình đám đã mang xu hướng Y2K trở lại. Nổi bật là những ngôi sao nổi tiếng như Britney Spears và Paris Hilton.
"Cuộc chiến" giữa Britney Spears và cha cùng bộ phim tài liệu của Paris Hilton khiến khán giả đặc biệt quan tâm đến 2 ngôi sao. Từ đó, họ liên tục chia sẻ những khoảnh khắc tỏa sáng của 2 cô gái vào thời kỳ đỉnh cao - những năm 2000.
Thế hệ Z có thể không lớn lên cùng Britney Spears và Paris Hilton. Nhưng giới trẻ sẽ tò mò và mong muốn tìm hiểu xem họ là ai. Thời trang trở thành công cụ để Gen Z hiểu thêm về sức ảnh hưởng của 2 tên tuổi đình đám.
Trang phục từ 21 năm trước đã và đang trở thành xu hướng. Ảnh: NBC News.
Trên mạng xã hội, trào lưu phối đồ giống Britney Spears xuất hiện. Giới mộ điệu đăng tải loạt video mặc trang phục giống giọng ca Toxic thời trẻ dựa theo bối cảnh sân khấu, đời thường...
Ngoài sức ảnh hưởng của người nổi tiếng, Gen Z ám ảnh về việc tiết kiệm tiền. Trong một cuộc khảo sát thực hiện trên Depop, 75% ý kiến cho rằng họ mua đồ cũ để có thể giảm chi phí.
Nhiều người cho rằng, bỏ tiền ra cho đồ second hand là tiêu dùng có ý thức. Gen Z đánh giá cao tư duy này. Họ mong tạo ra sự khác biệt khi mua sắm một cách có ý thức và hướng đến các sản phẩm sẽ tồn tại bền vững trong thời gian dài.
Theo Zing