Tối 2/12, thông tin từ Trung tâm cấp cứu 11 Hà Nội xác nhận với PV, vào khoảng 18h cùng ngày, đơn vị nhận được điện thoại từ người dân cấp cứu cho một bệnh nhân nam giới khoảng 55 tuổi, người này bị đột quỵ tại một nhà thi đấu trên địa bàn quận Cầu Giấy.
Hình ảnh do người dân ghi nhận bệnh nhân đột quỵ ngay trên sân pickleball
Qua khai thác ban đầu, người đàn ông vừa mới bắt đầu tập thể thao được khoảng 15 phút thì choáng váng và ngã. Khi nhân viên cấp cứu đến, bệnh nhân đã có biểu hiện ngừng tuần hoàn, nhân viên sơ cấp cứu khoảng 20 phút thì tim bệnh nhân đập trở lại. Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện E để tiếp tục điều trị.
Có nên tiếp tục chơi thể thao nếu sức khỏe tim mạch có vấn đề?
Trao đổi với PV, TS. Bác sĩ Trần Song Giang - trưởng khoa C9, Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, đột quỵ thông thường hay ám chỉ tới tai biến mạch não (vỡ hoặc tắc mạch não).
Theo TS Giang, 80% trường hợp ngừng tim tương tự do nguyên nhân tim mạch, 20% do các lý do nội tiết, não. Nếu tình huống này xảy ra, bệnh nhân được cứu sống sẽ để lại tai biến như liệt, rối loạn ngôn ngữ...
Giải thích về trường hợp trên, BS Giang nói, do không trực tiếp có mặt chứng kiến nhưng qua thông tin nắm được bác sĩ nghĩ đến khả năng ngừng tim do rối loạn nhịp.
Một số hội chứng dễ gây ngừng tim khi gắng sức, theo bác sĩ Giang, gồm hội chứng Brugada, tim to, hẹp hở van tim, thành tim dày...
Nhóm bệnh lý gây rối loạn nhịp tim có tính chất gia đình, trong đó có trường hợp đoạn điện tâm đồ có bất thường, liên quan tới bất thường về mặt tế bào cơ tim, những trường hợp này không phát hiện được trên siêu âm tim, siêu âm tim hoàn toàn bình thường.
Điện tâm đồ nếu trường hợp không điển hình cũng không phát hiện được. Nhưng khi xuất hiện một số yếu tố như gắng sức, sử dụng chất kích thích, uống rượu... thì tình huống ngừng tim có thể xuất hiện.
Bác sĩ Giang cho biết thêm, còn một số nguyên nhân nữa như nhồi máu cơ tim, sau này để lại ảnh hưởng chức năng tim, tim không đủ sức khỏe
"Nhìn chung ngừng tim khi gắng sức đã xảy ra rồi thì không nên chơi tiếp những môn cần nhiều thể lực. Với tim mạch, vận động bao giờ cũng được khuyến khích và có thể lựa chọn các môn thể thao, thể dục, vận động thể lực phù hợp. Vận động bao giờ cũng tốt hơn là chỉ ngồi một chỗ, tốt hơn lối sống tĩnh tại", thông tin này cũng được bác sĩ Giang chia sẻ trước đó.
Môn thể thao đang rất phát triển tại Việt Nam
Chuyên khoa khuyến cáo, trong trường hợp có bệnh về tim mạch, kể cả những trường hợp suy tim nhưng chưa phải là suy tim nặng, cũng được khuyến khích tập thể dục, vận động thể lực. Ví dụ như người bệnh tăng huyết áp, bệnh hay gây ra các biến chứng ở tim, được khuyên nên tập thể dục, nên vận động thể lực hằng ngày sẽ giúp làm giảm được số huyết áp.
Duy trì được việc vận động phù hợp kết hợp dùng thuốc thì hiệu quả điều trị tăng huyết áp sẽ cao hơn. Do đó, với mỗi người, vận động bao giờ cũng tốt hơn là chỉ ngồi một chỗ.
Với một số bệnh về tim, việc gắng sức có thể gây ra biến chứng như: rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ. Do đó, trước khi lựa chọn môn thể thao có cường độ cao, nên kiểm tra sức khỏe tổng thể. Trường hợp có bệnh lý, bác sĩ sẽ hướng dẫn việc tập thể lực phù hợp với sức khỏe, thể trạng.
Tuy nhiên, phải xem xét tập luyện, vận động hợp lý. Ví dụ người suy tim thì phải tập nhẹ hơn so với người không có bệnh về tim. Hoặc người trẻ thì khả năng vận động, bài tập cũng sẽ "nặng" hơn với người cao tuổi.
"Người trẻ cũng như người cao tuổi đều có thể tập luyện các môn tập nhẹ nhàng như đi bộ. Nhưng với những môn tập luyện đòi hỏi mất sức nhiều hơn như chạy, tennis, đá bóng thì nên được kiểm tra sức khỏe để biết về tình trạng sức khỏe, bệnh tật nếu có", bác sĩ Giang khuyến cáo.
Theo Người Đưa Tin