Thái độ ăn năn, hối cải là yếu tố quan trọng quyết định hình phạt

Liên quan đến vụ án “Chuyến bay giải cứu”, luật sư bào chữa cho bị cáo Hoàng Văn Hưng (cựu điều tra viên Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an) vừa thông tin với báo chí việc thân chủ của ông đã thay đổi nội dung kháng cáo từ “kêu oan sang xin giảm nhẹ hình phạt”.

Ngoài ra, Hoàng Văn Hưng còn nhờ người thân, bạn bè nộp tiền nhằm khắc phục hậu quả và viết đơn xin được xét xử vắng mặt trong phiên phúc thẩm.

Thông tin luật sư công bố gây bất ngờ cho dư luận, bởi trong phiên sơ thẩm diễn ra hồi tháng 7 có số 54 bị cáo, chỉ duy nhất cựu điều tra viên này kêu oan.

Một số tình tiết khó sáng tỏ nếu tòa xét xử vắng mặt cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng-1
Bị cáo Hoàng Văn Hưng.

Phân tích dưới độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp) cho hay, nếu Hoàng Văn Hưng vắng mặt tại phiên phúc thẩm, HĐXX sẽ khó làm rõ được thái độ, lý do thay đổi kháng cáo và một số tình tiết liên quan khác.

Về việc "thay đổi nội dung kháng cáo từ kêu oan sang giảm nhẹ hình phạt", theo luật sư Cường, đây là yếu tố quyết định đến diễn biến phiên phúc thẩm đối với bị cáo.

Tại tòa, nếu trường hợp Hưng vẫn kêu oan, cấp phúc thẩm sẽ chỉ xem xét, đánh giá chứng cứ để đi đến 2 quyết định: Một là xác định bị cáo oan, khi đó tòa sẽ tuyên bị cáo không phạm tội hoặc hủy một phần bản án sơ thẩm để điều tra lại; hai là xác định bị cáo không oan, khả năng cao tòa y án sơ thẩm.

Theo phân tích của luật sư, nguyên tắc chung của pháp luật là "trọng chứng hơn trọng cung". Lời nhận tội của bị can, bị cáo không phải căn cứ duy nhất để kết tội. Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ được coi là chứng cứ buộc tội nếu lời nhận tội đó phù hợp với các tình tiết, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án. Ngược lại, bị can, bị cáo nếu kêu oan, không nhận tội thì cũng không phải là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, bởi bị cáo không có nghĩa vụ phải nhận mình có tội.

Như vậy, nếu phiên phúc thẩm tới đây, bị cáo Hoàng Văn Hưng "thừa nhận hành vi phạm tội" mới chỉ là một trong những căn cứ để đánh giá bản chất vụ án. Tòa án sẽ còn phải xem xét lời nhận tội ấy có phù hợp với các tình tiết, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án hay không.

Ngoài lời khai nhận tội, thái độ ăn năn, hối cải cũng là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến mức hình phạt.

Tòa sơ thẩm nhận xét về hành vi của cựu điều tra viên thế nào?

Trong cáo trạng, Viện KSND Tối cao kết luận sau khi vụ án “chuyến bay giải cứu” được khởi tố, các bị cáo Lê Hồng Sơn, Nguyễn Thị Thanh Hằng (đều là Tổng giám đốc và Phó Tổng giám đốc Công ty Bầu Trời Xanh) đã liên hệ nhờ cựu Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn (nguyên Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội) “tìm cửa” chạy án.

Để thực hiện ý đồ, Hằng và Sơn đưa 2,8 triệu USD cho ông Tuấn, song tài liệu điều tra thể hiện, ông Tuấn chỉ nhận hơn 2,65 triệu USD. Sau khi nhận tiền, ông Tuấn khai đưa hết cho Hoàng Văn Hưng, để Hưng “lo lót” điều tra viên, Viện kiểm sát…

Phiên tòa sơ thẩm ghi nhận Hoàng Văn Hưng phủ nhận mọi cáo buộc, kêu oan, song khi tuyên án, HĐXX TAND TP Hà Nội nhận định, theo tài liệu điều tra và quá trình tranh tụng thể hiện thời điểm xảy ra vụ án, bị cáo là điều tra viên chính, khi được bị cáo Nguyễn Anh Tuấn thu xếp cho gặp mặt bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng, Hưng đã đồng ý.

Theo tòa, bị cáo là người biết rõ quy định "điều tra viên không được tiếp xúc với bị can, bị cáo bên ngoài trụ sở cơ quan điều tra" nhưng vẫn gặp mặt Nguyễn Thị Thanh Hằng trao đổi mà không báo cáo cấp trên. Quá trình gặp, Hưng đã hướng dẫn Hằng viết các bản tường trình...

HĐXX nhận thấy sau khi bị điều chuyển công tác khỏi Phòng 5 Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, bị cáo Hoàng Văn Hưng không còn nhiệm vụ điều tra nhưng vẫn đưa ra các thông tin gian dối với bị cáo Hằng, Sơn, Tuấn, để từ đó tạo lòng tin khiến nhóm Hằng phải đưa tiền. Sau khi nhận tiền, Hưng không "chạy án" như cam kết mà chiếm đoạt 800.000 USD.

Quá trình điều tra, cơ quan điều tra và Viện kiểm sát đã thu thập chứng cứ khách quan về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Hưng; bị cáo đã nhiều lần được viết bản tường trình, tự khai, cung cấp chứng cứ nhưng bị cáo đều từ chối.

Từ phân tích trên, HĐXX kết luận bị cáo Hoàng Văn Hưng cho rằng lời khai của Nguyễn Thị Thanh Hằng, Nguyễn Anh Tuấn, Lê Hồng Sơn, đã đưa tiền cho bị cáo là một chiều, không khách quan là "không có cơ sở".

Bởi ngoài lời khai của Hằng, Tuấn, cơ quan tố tụng còn thu thập lời khai của nhiều người khác, dữ liệu điện tử để chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo. Do đó, tòa tuyên phạt Hưng mức án chung thân, án này cao hơn khung đề nghị của Viện kiểm sát.

Theo Tiền Phong