Theo trang BBC đưa tin, cảnh sát tại thành phố Cleveland, bang Ohio, Mỹ hiện đang nỗ lực truy bắt tên tội phạm giết người rồi phát trực tiếp đoạn video dã man lên trên Facebook cá nhân.
Điều tra cho thấy, vụ án mang tính chất cực kỳ nghiêm trọng khi trong đoạn video thứ hai chia sẻ trên Facebook, kẻ giết người Steve Stephens, 37 tuổi, cho biết mình đã từng giết 13 người khác trước đó và vẫn đang "ấp ủ" thực hiện những vụ giết người tiếp theo.
Cảnh sát trưởng Calvin Williams từ sở cảnh sát Cleveland khẳng định thông tin vụ giết người phát trực tiếp trên Facebook là có thật. Nạn nhân được xác định là ông Robert Godwin, 74 tuổi. Tuy nhiên, các thông tin về những vụ giết người trước đây chưa được kiểm chứng.
Ngay sau vụ việc, giới chức tránh bang Ohio đã đưa ra những lời cảnh báo với người dân về mức độ nguy hiểm của tên tội phạm và sự vô nhân đạo của vụ án giết người rồi chia sẻ trên Facebook. Điều đáng nói của vụ án mạng này là hung thủ có vẻ như đã chọn một người ngẫu nhiên và hành xử, ông Williams tiết lộ.
Seve Stephens, kẻ giết người dã man trong vụ việc.
Động cơ không rõ ràng, giết người theo kiểu "ngẫu nhiên" và quá khứ phạm tội là những điều khiến Steve Stephens trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người dân trong vùng. Tuy nhiên, ẩn đằng sau những tình tiết đáng sợ đó, người ta thấy xuất hiện mặt tối của công nghệ hiện đại: từ một tiện ích livestream giúp mọi người chia sẻ những khoảnh khắc nhanh nhất, cập nhật nhất tới bạn bè, nó đã thành công cụ gieo rắc nỗi sợ hãi khi được dùng vào các vụ giết người.
Động thái của Facebook sau vụ việc
Trong một tuyên bố được đưa ra vào hôm Chủ nhật vừa qua, Facebook cho biết họ đang làm việc với nhà chức trách để xử lý vụ việc. Người phát ngôn của Facebook cũng coi đây là một "vụ án nghiêm trọng" và cho biết rằng Facebook "không chấp nhận những nội dung như vậy" trên mạng xã hội.
"Chúng tôi đã làm việc cật lực để Facebook trở thành một mạng xã hội an toàn. Facebook sẽ làm việc trực tiếp với các đơn vị thi hành luật pháp trong các tình huống khẩn cấp khi phát hiện những mối nguy đe dọa tới sự an toàn của người dùng".
Ngay sau vụ việc, Facebook đã gỡ đoạn video xuống và khóa tài khoản của Stephen.
Nạn nhân trong vụ việc được hung thủ lựa chọn một cách ngẫu nhiên.
Trên thực tế, có thể khẳng định cách xử lý việc chậm trễ, vi phạm những quy định về chính sách liên quan tới việc phát trực tuyến... là những vấn đề mà Facebook gặp phải dù người phát ngôn của công ty này đã lên tiếng nhằm xoa dịu tình hình.
Cụ thể, công ty này đã phải loay hoay vài giờ đồng hồ để có thể gỡ đoạn video xuống khi vụ việc xảy ra vào khoảng 2 giờ chiều (theo giờ địa phương). Hiện tại cũng chưa rõ việc Facebook gỡ đoạn video là do yêu cầu từ cơ quan cảnh sát địa phương hay do công ty này chủ động gỡ.
Công ty này cũng phải đối mặt với những án phạt vì vi phạm những chính sách liên quan tới việc phát trực tiếp trên Facebook. Một, những quy định của Facebook khá lỏng lẻo khi cho phép bất cứ thứ gì cũng có thể được phát trực tiếp. Hai, cách xử lý rườm rà, nhiều thủ tục khiến công việc gỡ video livestream mất thời gian, gây nên những hoài nghi về việc liệu cơ quan chức năng có thực sự cùng vào cuộc để xử lý vụ việc?
Kể từ khi ứng dụng livestream được đưa vào sử dụng rộng rãi cho tất cả người dùng vào năm 2016, đã có không ít những vụ việc nghiêm trọng được phát trực tiếp trên trang Facebook.
Vào tháng Sáu năm ngoái, một người đàn ông đã bị bắn chết trong khi đang phát trực tiếp cảnh mình đi bộ trên phố tại thành phố Chicago, Mỹ. Vào tháng Ba, một người đàn ông không xác định danh tính cũng đã bị bắn 16 lần trong khi đang phát livestream. Bên cạnh đó là rất nhiều vụ việc người dùng sử dụng ứng dụng livestream để tiến hành tự tử, thực hiện các hành động rùng rợn cho mọi người trên mạng xã hội cùng xem.
Đây thực sự là một mặt tối nguy hiểm của mạng xã hội Facebook khi mà việc kiểm soát và gỡ bỏ các video có nội dung xấu trên Facebook thường được thực hiện một cách chậm trễ. Rõ ràng Facebook đang tỏ ra bất lực trong việc kiểm duyệt các nội dung video được chia sẻ trên nền tảng của chính mình.
Theo Trí Thưc Trẻ