Gần năm qua, Nguyễn Bá Cường (20 tuổi) hành nghề sửa giày tại con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3, TP HCM). Có lẽ, cuộc sống của cậu sẽ lặng lẽ trôi, chẳng được ai để mắt đến nếu không có tấm bản đặc biệt: “Nhận! Sửa giày miễn phí cho các anh, chị vé số, xích lô, ba gác và người khiếm thị”.

Những ngày cuối năm, Cường bận rộn với những đôi giày cũ. Tay thoăn thoát, cậu chia sẻ: “Sài Gòn này lạ lắm anh! Nhiều người giàu, nhưng cũng lắm người nghèo. Ngay tết, ai cũng muốn có cái áo, cái quần mới, đôi dép, đôi giày mới. Nhưng, nhiều người tiếc đôi giày, đôi dép, vì sửa cho mới là lại đỡ mấy trăm nghìn. Số tiền ấy đủ để mua mứt gừng, hạt dưa rồi”.

Cường sửa giày cho người nghèo.

Cường, sinh ra trong một gia đình khó khăn. Cha làm nghề nhạc công cho đám tiệc. Mẹ trước đây đi làm thuê, làm mướn kiếm sống. Vài năm nay, bà ốm nặng, mẹ phải ở nhà chăm sóc. Sau Cường còn có một đứa em.

Dù khó khăn, cha mẹ Cường vẫn cho con đến trường đàn hoàng. Tuy nhiên, Cường học yếu, một lớp học ba năm liền. Đến lớp 6, Cường biết, sức học mình có hạn, nếu tiếp tục nghiệp chữ nghĩa cũng sẽ chẳng đến đâu nên thuyết phục cha mẹ cho mình nghỉ. “Em nghỉ, tạo cơ hội cho em trai học lên”, cậu thật thà.

Thưở mới nghỉ học, Cường vẫn thường lê la cùng đám bạn. Cậu cũng đi làm thuê bằng việc bán đồ điện tử. Do tuổi còn nhỏ, tính ham chơi, do vô ý, cậu để mất một số hàng rồi bị đuổi. Cậu chia sẻ, “Lúc đầu, em bực mình lắm vì cho rằng người nào đó tham lam nên lấy hàng. Tuy nhiên, suy ngẫm kĩ, em thấy, một phần cũng do mình lơ đãng, tạo điều kiện cho họ lấy”.

Đoạn ghi chép ở trong cửa tủ.

Cách nhà cậu không xa là nhà anh Nguyễn Thanh Tuấn (40 tuổi). Một hôm, anh Tuấn bảo: “Mày cứ đi chơi hoài riết cũng hư thân. Nhà anh làm giày, mày thích thì sang phụ anh”. Đêm ấy, Cường suy nghĩ nhiều. Chợt, cậu ngước nhìn thấy mẹ đang chăm bà trong bóng tối nên xót. 

Hôm sau, Cường sang nhà anh Tuấn phụ việc. Tay cậu từng bị kim khâu đâm nhiều, để lại không ít sẹo. Rồi, hai năm qua, cậu thành thạo, ra hành nghề riêng. Cậu bảo, không việc không nặng nhọc và khá vui. 

Ngày ra làm riêng, anh Tuấn in tấm bản đặc biệt dán phía trước tủ hành nghề của Cường. Bên trong cửa tủ còn có vài dòng nguệch ngoạc: “Sống là phải biết lao động, mới thành công trong cuộc sống. Sống thật thà mới thành người được quý! Trọng”. Cường bảo, đó là lời dạy của thầy và em trân trọng những điều ấy.

Mỗi ngày, Cường phải đẩy chiếc nơi làm việc từ nhà ra đầu ngõ.

Một năm qua, Cường chẳng nhớ mình đã giúp sửa giày miễn phí cho bao nhiêu người có hoàn cảnh khó khăn. Nhưng, cậu biết, người được sửa giày rất vui khi được nhận lại. Dần dà, họ xem cậu như chính con cháu của mình. Mỗi khi đi ngang lại hỏi thăm vài ba câu. Thậm chí, có người lại mua cho ổ mì, cái bánh. “Những thứ ấy không giá trị về vật chất nhưng em vui lắm!”, cậu nói.

Theo lời chỉ dẫn của Cường, chúng tôi đến gặp anh Tuấn. Anh đưa tay chỉ vào căn nhà khoảng 30 m2 trước mặt: “Nhà của thằng Beo (tên thân mật của Cường) đó. Nhà nó nghèo lắm! Tôi thấy nó cứ lêu lổng với đám bạn. Sợ rằng, nếu cứ thế hoài nó càng làm khổ thêm cha mẹ lại trở thành gánh nặng cho xã hội nên rủ nó qua học nghề. Giờ tay nghề nó vững rồi, có thể tự làm riêng”.

Anh Tuấn cho biết, tấm bản có nội dung sửa giày cho người nghèo ấy đã được đặt cách đây hơn 20 năm. Ngày ấy, anh mới ra nghề, thấy có quá nhiều người nghèo nên muốn góp phần giúp đỡ. Đến nay, anh hành nghề ở nhà, và trao lại cho Cường. 

Riêng mấy dòng chữ trong cửa tủ cũng là do anh viết. “Mấy dòng ấy tôi viết cho tất cả học trò của mình. Tôi xem đó là lời nhắn nhủ của mình cho học trò. Dù mình không có mặt nhưng mong những dòng chữ ấy góp phần cho tụi nó sống tử tế”.

Trên người anh, có vài ba hình xăm. Dường như biết băn khoăn của người đối diện, anh cười: “Đừng nhìn mấy cái hình xăm này mà đánh giá người khác nha”.

Anh bảo, Sài Gòn không quá khó sống. Như anh, công việc không cao sang, cần mẫn suốt ngày đêm vẫn có thể thủng thẳng sống. Rồi nhờ công việc này anh cưới vợ, sinh con. Anh cũng truyền nghề cho gần mười người. Trong đó, hầu hết đều đã có vợ con, Cường là nhỏ nhất.

“Chữ tôi thì xấu, nguệch ngoạc nhưng tôi tin, lòng của thầy trò tôi không nguệch ngoạc. Tôi biết, hành động nhỏ của mình cũng như của các học trò góp phần nào giúp tình người ở chốn phồn hoa này ấm áp hơn”, anh cười. 
 

Nhật Minh

Theo Vietnamnet