Một ngày thứ tư đẹp trời cuối tháng mười. Gió căng phồng những mái bạt che quán cà phê buổi sáng sớm, xiết qua từng hàng lá me trên đại lộ, nhấc từng lớp nước sông Bến Tre lười biếng lăn tăn và bàng bạc. Ai đó nói mỗi ngày hãy nên chọn một niềm vui, vậy có thể nói hôm nay việc ngồi trên xe buýt duỗi thẳng chân trên hai ghế nghe nhạc và nhìn ngắm những đồng lúa thẳng tắp, những vườn dừa ngút tầm mắt một màu xanh là một niềm vui nhỏ. Nay đã là những ngày cuối của chuyến đi tình nguyện, người cũng đã mệt nhoài. Nhớ nhà.

Cuộc sống vuột khỏi tầm tay nhanh lắm nếu ta không biết nắm giữ nó lại. Gia đình cụ nọ cho chúng tôi mượn nhà để nấu nướng trong nửa tháng tình nguyện. Bữa nay bà đến cạnh tôi và nói: "Mấy đứa đến xây trường học cho tụi nhỏ, bà thương lắm. Nhưng nhà bà chả có gì cho, chả trồng gì cả. Tội quá heng...". Gia đình là một ngôi trường nhỏ mà ở đó người ta học lớn lên và luôn cảm thấy mềm mỏng khi quay về. Tôi có cảm giác đó với một nơi xa lạ như vậy.

Bà cụ đó, tôi còn chẳng hề biết tên, mà cũng vô tâm chẳng buồn hỏi. Chỉ biết rằng, mỗi lần nhìn bà, bà lại cười tươi lại để hở những chiếc răng màu đen nhuộm bởi trầu cau. Những nếp chân chim dày đặc và da mặt khô khốc, đôi mắt đã vàng đục nhưng anh nhìn cứ đầy yêu thương và thông cảm. Bàn tay bà gân xanh nổi lên đã nhiều, nhưng hay còn ấm nóng lắm. Tôi thích chạm vào vai của bà, điều mà lâu rồi tôi chả làm với bà ngoại. Hình như có những bờ vai mà khi chạm vào, điều kì diệu sẽ xảy ra.

mùi của bà

Ảnh minh họa, theo Xóm nhiếp ảnh


Buổi chiều muộn đầy tiếng dế kêu. Thôn quê cũng đã nổi gió rít, gà vườn đã bay lên cây ngủ. Chợ tàn. Đèn nhà bà yếu ớt chỉ đủ chiếu sáng chén canh nguội và dĩa cơm khô còn dư. Hôm nay bà ăn một mình, mấy đứa con đi làm cực lắm, chắc giờ này còn chưa về. Tôi chỉ muốn ôm chầm bà một cái.... Bởi vì lúc đi thoảng qua, tôi ngửi thấy mùi của bà ngoại mình. Cái mùi của chiếc áo bà ba màu xám xịt, của chiếc quần đen rộng thùng thình và mái tóc muối tiêu lưng chừng dốc của cuộc đời. Mùi bà ngoại là một thứ thuốc kì diệu.

Tôi chẳng thể quên được những trưa bà bán hàng, còn tôi và con em gái nằm dưới chiếu nhìn mây trời bay ngoài hiên. Cái cảnh ngủ với bà cũng chợt hiện về, mùi dầu gió và mùi ẩm hanh hao của cái gối cứng và lờ mờ bức tranh ông vẽ cho bà. Bà ngoại hay ăn cơm cháy, cơm khô chứ không nhão như má tôi. Ngày nào đi học về, bà cũng dúi vào tay tôi cái bánh cam hay bánh gai cho đỡ đói. Bà bán rau luôn rẻ hơn nhiều nơi khác, vì bà coi lao động là một thú vui mỗi ngày. Hồi đó, bà ngoại đạp xe từ bốn giờ sáng ra chợ lớn để lấy rau về bán, ngay cả những ngày mưa dai dẳng và lạnh căm, bà chẳng ngại khó mà chỉ khoác lên mình tấm khăn chống thấm nước.

Bà tôi chẳng biết viết chữ gì ngoài tên họ của mình. Bà tự nhận ngày xưa bà lười học trốn đi chơi. Bà cũng có lần hiểu lầm tôi. Nhưng...

Bà chẳng tiếc lì xì cho con cháu bằng số tiền đã dành dụm cả năm trời buôn bán. Bà luôn thích món chè trôi nước tôi nấu. Bà cười khi thấy tôi về chạy xe ngang qua. Bà khóc khi thấy má tôi gặp chuyện buồn. Bà là cả khoảng trời của tôi những năm tháng ấy. Và với tôi, thứ mùi hương ngọt ngào nhất không phải nước hoa, cũng không phải hương thơm gì mà người ta thường cho là quý phái, sang trọng. Tôi biết một loại chất vô định hình có khả năng quay lại những thước phim của những mùa cũ, đó là mùi của bà.

Theo Blog Radio