Bên cạnh bánh tráng, muối ớt tôm Tây Ninh là loại đặc sản quen thuộc với người người, nhà nhà. Muối tôm được dùng để ướp thức ăn, chấm trái cây, ăn kèm bánh tráng hay làm sốt chấm...

Đây cũng là một trong những món quà ý nghĩa du khách lựa chọn mang về làm quà tặng người thân mỗi khi đến Tây Ninh.

Muối ớt Tây Ninh trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia-1
Ảnh: Đan Vy

UBND tỉnh Tây Ninh đã có văn bản đề nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa nghề làm muối ớt ở tỉnh vào danh mục văn hoá phi vật thể quốc gia.

Theo văn bản của UBND tỉnh Tây Ninh, nghề làm muối ớt là loại hình nghề thủ công truyền thống đặc sắc của Tây Ninh, có tính đại diện, thể hiện bản sắc cộng đồng - địa phương, trao truyền qua nhiều thế hệ và được cộng đồng người dân Tây Ninh tự nguyện cam kết bảo vệ.

Theo thống kê của Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch tỉnh Tây Ninh, trong năm 2022, toàn tỉnh có 37 cơ sở đăng ký thương hiệu hành nghề làm muối ớt chính thức, tập trung ở huyện Gò Dầu, thị xã Trảng Bàng, TP Tây Ninh, thị xã Hoà Thành và rải rác ở huyện Châu Thành, Bến Cầu, Dương Minh Châu...

Muối ớt Tây Ninh đã trở thành di sản văn hoá phi vật thể quốc gia thứ 8 của tỉnh được công nhận, cùng với Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ, Lễ Kỳ yên đình Gia Lộc, Múa trống Chhay dăm, Nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, Lễ vía bà Linh Sơn Thánh Mẫu núi Bà Đen, Lễ hội Quan Lớn Trà Vong Tân Biên và Nghệ thuật chế biến món ăn chay.

Muối Tây Ninh trong nhiều năm qua không chỉ là sinh kế của các gia đình mà còn là món quà tặng, là những câu chuyện gắn kết, là văn hoá của người ăn chay, văn hoá của người đất Thánh.

Ba nguyên liệu chính không thể thiếu trong món muối đặc sản này chính là tôm khô, muối hột, bột ớt. Các nguyên liệu sẽ được xay nhuyễn, thêm sả và tỏi theo tỉ lệ nhất định

Công đoạn cuối cùng là rang trên chảo nóng, đây cũng là giai đoạn phức tạp nhất để hoàn thành món muối thơm ngon. Thành phẩm sẽ là những hạt muối ánh sắc vàng cam, mùi thơm đặc trưng, đậm đà thích thích vị giác.

Theo VietNamnet