Năm nào cũng cúng Táo quân, nhưng có 3 điều kiêng kỵ không phải nhà nào cũng biết

Dù năm nào cũng cúng Táo quân, nhưng có 3 điều không nên khi cúng Táo quân dưới đây không phải nhà nào cũng để ý.

Lễ vật cúng Táo quân

Hằng năm đến ngày 23 tháng Chạp, người người nhà nhà đều thực hiện việc cúng Táo quân.

Theo quan niệm dân gian, Táo quân là người cai quản bếp, nắm rõ mọi chuyện trong nhà, ngày 23 tháng Chạp ông Táo về chầu Trời để báo cáo với Ngọc Hoàng trên thiên đình chuyện của một năm qua. Bởi vậy, mọi người thường làm lễ tiễn ông Táo về chầu trời rất trang trọng bằng những mâm lễ cúng chu đáo.

Chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà cho biết, lễ vật cúng Táo quân (hai ông, một bà) tùy mỗi gia đình chủ yếu là thành tâm, theo điều kiện. Tùy mỗi vùng miền cũng có những lễ vật khác nhau.

Thông thường, mâm lễ cúng Táo quân sẽ có một bình bông, đĩa trái cây ngũ quả; 3 chén chè trôi nước; 3 đĩa trà khô, 3 đĩa mứt, nhang, đèn, rượu, bánh kẹo… Giấy cúng sẽ gồm có tiền vàng, bộ đồ, con ngựa...

Để dâng cúng, mỗi gia đình cũng có thể cúng mâm cơm thường dùng hằng ngày gồm: Cơm, canh, cá, rau, đĩa thịt luộc hoặc gà luộc, củ kiệu, mắm, đĩa bánh chưng hay bánh tét...

Một thứ không thể thiếu theo tín ngưỡng dân gian trong mâm lễ cúng Táo quân là cá chép - vật để Táo quân cưỡi về trời. Ngoài việc cúng cá chép sống, khi lễ xong phóng sinh thì nhiều gia đình hiện chọn cá chép giấy hoặc làm xôi…

Năm nào cũng cúng Táo quân, nhưng có 3 điều kiêng kỵ không phải nhà nào cũng biết-1

Người dân miền Nam lại không cúng cá chép, cũng không cúng mũ áo thờ. Còn mâm cúng ông Táo của người miền Trung không có áo mũ, vàng mã cho các Táo như miền Bắc mà thường dâng con ngựa bằng giấy…

3 điều không nên khi cúng Táo quân

Về những điều không nên khi cúng Táo quân, phong thủy Phùng Gia cũng đã đưa ra 3 điều các gia đình cần lưu ý:

Tránh cúng tiền âm phủ, đốt mã quá nhiều

Theo quan niệm dân gian, các Táo ở đây chỉ gồm 2 Táo ông và 1 Táo bà. Điều này lý giải vì sao các gia chủ cần chuẩn bị đủ 3 bộ mũ áo vàng mã cho 3 vị, nhưng tránh đốt mã quá nhiều gây lãng phí không cần thiết.

Tránh xin tài lộc khi cúng Táo Quân

Theo tích xưa, Táo quân về trời nhằm báo cáo mọi việc lớn nhỏ xảy ra trong năm của gia chủ với Ngọc Hoàng, gồm cả việc tốt lẫn việc xấu. Bởi vậy với nghi thức này, ta chỉ nên thành tâm cúng lễ, hoan hỷ khép lại chuyện cũ, hướng tới những điều khởi sắc hơn vào năm mới.

Tránh phóng sinh cá chép sai cách

Cá chép cúng ngày 23 tháng Chạp được quan niệm như phương tiện giúp các vị Táo quân về trời. Điều này cũng mang tính tâm linh, chúng ta tránh tùy tiện khi phóng sinh gây ra những hệ lụy không hay.

Khi phóng sinh thả cá, ta cần chọn nơi nước sạch, nơi cá có thể tiếp tục sinh tồn, tránh xa nơi xú uế, ô nhiễm, tù túng. Ngoài ra, cũng cần lựa nơi gần mặt nước, tránh thả cá từ trên cao, khiến cá dễ bị chết. Đặc biệt, tránh việc thả cả túi nilon đựng cá, gây hệ quả xấu về môi trường.

Hóa vàng mã cúng ông Công ông Táo cho đúng cũng là điều các gia đình cần phải lưu ý. Sau khi bày lễ, thắp hương và khấn vái xong, đợi hương tàn 2/3 là có thể xin phép hạ lễ hoá vàng, thả cá chép ra ao, sông… để ông Táo lên chầu Trời.

Theo Sức Khỏe Đời Sống

Xem link gốc Ẩn link gốc https://giadinh.suckhoedoisong.vn/nam-nao-cung-cung-tao-quan-nhung-co-3-dieu-khong-nen-khi-cung-tao-quan-khong-phai-nha-nao-cung-biet-172240130113900931.htm?fbclid=IwAR3M1fGAjWNviX2wN3gQ3BU-iC-Ehn1yTigG1dOptt4ny3y2oBJDhW7EkkY

mâm cúng Táo quân Kiêng Kỵ

Tin tức mới nhất