Cung Dân xuất thân trong gia đình nông thôn ở Hồ Bắc (Trung Quốc) năm 1997. Chưa đầy 1 tuổi, bố mẹ ly hôn nên anh sống cùng ông bà ngoại. Có ông là giảng viên Vật lý, bà là giáo viên Toán trung học, nên anh được tiếp xúc với học hành sớm hơn bạn bè đồng trang lứa.
Lên 1 tuổi, ông bà bắt đầu dạy anh đếm số và đọc chữ. 2 tuổi, Cung Dân biết đọc hơn 3.000 chữ Hán, nói được tiếng Anh và thuộc lòng nhiều bài thơ cổ. Ở tuổi lên 3, nhận thức của cậu bé vượt học sinh tiểu học. Cung Dân 4 tuổi được ông bà mua cho sách giáo khoa tiểu học và dạy kèm cẩn thận.
Quá trình học tập của Cung Dân không giống bạn bè đồng trang lứa, 6 tuổi vào thẳng cấp 2. Nhớ lại hành trình học vượt cấp chàng trai cho rằng, đó là bước ngoặt lớn. "Tôi thấy kiến thức tiểu học tương đối đơn giản, nên ông bà quyết định để tôi học thẳng lên cấp 2", anh nhớ lại.
Trong mắt thầy cô, Cung Dân trưởng thành hơn bạn bè cùng tuổi: "Em trầm tính và nghiêm túc trong lớp, thường chủ động xin lời khuyên của giáo viên sau giờ học. Cung Dân không giống với đứa trẻ 11 tuổi".
Năm 2009, ở 12 tuổi, Cung Dân tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học đạt 639/750 điểm. Trong đó, tiếng Trung (Văn) 112/150 điểm, Toán 133/150 điểm, tiếng Anh 132/150 điểm, Vật lý 124/150 điểm và tổ hợp Khoa học 138/150 điểm.
Khi nói về kết quả này, Cung Dân hài lòng nhưng tiếc nuối vì điểm Toán không như mong đợi.
Chia sẻ phương pháp học, Cung Dân cho hay: "Tôi chưa bao giờ thức khuya để ôn thi. Tôi ngủ lúc 22h30 và bắt đầu học từ 8h hôm sau". Theo Cung Dân việc không áp lực là lý do giúp anh đạt kết quả cao.
Với số điểm này, anh đỗ vào lớp tài năng trẻ của Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc. Bước chân vào cổng trường đại học ở tuổi 12, anh gặp nhiều khó khăn.
"Trong những năm tháng đại học, tôi đã biến những áp lực của bản thân thành động lực để không bị bỏ lại phía sau", Cung Dân cho hay.
Trong hồi ức của Cung Dân, chương trình giảng dạy của lớp tài năng trẻ linh hoạt nhưng rất áp lực: "Không phải sinh viên nào cũng hoàn thành các môn học một cách suôn sẻ để tốt nghiệp".
Đam mê với Toán học, ở tuổi 16, Cung Dân thi đỗ chứng chỉ chuyên viên tính toán quốc tế. Năm 2013, sau khi tốt nghiệp đại học, Cung Dân tiếp tục học lên cao tại Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc.
Cung Dân - giảng viên khoa Toán của Đại học Tế Nam (Trung Quốc). Ảnh: Baidu
Trong thời gian học nghiên cứu sinh, Cung Dân nhiều lần thay giảng viên hướng dẫn luận án của mình đứng lớp dạy sinh viên. Dần dần anh cảm thấy hứng thú với công việc này. Quá trình giảng dạy giúp anh nhận ra bản chất của vấn đề nằm ở cách tư duy.
"Việc sinh viên không hiểu bài là do không hiểu nguyên nhân và kết quả. Vì vậy, khi soạn bài tôi luôn tìm cách giúp sinh viên phát triển tư duy Toán học chuẩn", Cung Dân cho hay.
Theo anh để làm được điều này rất khó khăn. Ngoài việc truyền tải kiến thức cho sinh viên, Cung Dân còn học được nhiều điều từ học trò.
Quyết định theo đuổi nghề dạy học của Cung Dân còn được lấy cảm hứng từ thầy dạy Toán trung học.
"Tôi đã nhận được sự chỉ bảo tận tình của thầy nên tôi sẽ truyền đạt kiến thức này cho thế hệ tiếp theo. Tôi muốn xây dựng môi trường học đường tích cực có sự trao đổi giữa giáo viên và học sinh". Đây cũng là mục tiêu giảng dạy Cung Dân mong muốn hướng đến.
Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, ở tuổi 24, anh quyết định giảng dạy tại khoa Toán của Đại học Tế Nam (Trung Quốc) cho đến nay. Chia sẻ về việc này, thầy giáo trẻ cho biết, thích môi trường ở đây và coi đó là khởi đầu mới.
"Tôi sẽ kiên trì đi theo con đường bản thân lựa chọn và tiếp tục nghiên cứu. Với tư cách là giảng viên trẻ tôi cần phải chăm chỉ hơn và thực hiện tốt công việc dạy học", Cung Dân cho hay.
Thầy giáo Cung Dân trở thành giảng viên đại học ở tuổi 24. Ảnh: Baidu
Trong mắt sinh viên, các bài dạy của thầy Dân rất đặc biệt: "Nội dung bài giảng gần gũi, cách lý giải chi tiết, đúng chỗ".
Nói về điều tuyệt vời nhất trong hành trình 3 năm đứng bục giảng, thầy giáo 9x cho hay: "Cuối cùng tôi đã có thể hòa hợp với các lớp nghiên cứu sinh". Bởi hầu hết đối tượng của lớp này đều bằng trạc tuổi anh.
Khi nhắc đến danh hiệu thiên tài từng được người đời gọi, Cung Dân khá xúc động. Tuy nhiên, thầy giáo trẻ cho biết, thành tựu này nhờ vào sự nỗ lực của bản thân: "Tôi không phải là người có chỉ số IQ cao.
Thực tế, tôi không thông minh như mọi người nghĩ. Nếu để so sánh với các nghiên cứu sinh tôi đang dạy, có lẽ tôi chỉ là người bình thường không có điểm gì đặc biệt".
Theo Vietnamnet