Theo chia sẻ của ThS.Bs Calvin Q Trịnh, Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng và hình thể HMR, nam bệnh nhân mới 19 tuổi, đã tập gym hơn 2 năm. Trong khoảng thời gian này, anh liên tục nâng tạ tới 200kg.
Thời gian gần đây, nam sinh viên phát hiện thân trên lệch rõ nên đến bệnh viện kiểm tra. Anh được chẩn đoán bị vẹo cột sống 50 độ. Sau 4 buổi điều trị cân chỉnh cơ xương khớp, cột sống người bệnh đã có cải thiện.
Cột sống cong hình chữ S của nam thanh niên trước khi trị liệu. Ảnh: bác sĩ cung cấp.
Theo bác sĩ, nam bệnh nhân bị chấn thương cột sống thắt lưng thường gặp ở người tập nâng tạ. Mức tạ càng nặng, rủi ro chấn thương càng cao. Trong một số trường hợp, nâng tạ nặng sai cách có thể dẫn đến những tác hại nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến cuộc sống người tập sau này.
Nâng tạ là hình thức tập thể dục an toàn, mang lại nhiều lợi ích về xương khớp nếu được thực hiện đúng cách. Tuy nhiên, nếu nâng tạ sai tư thế, không gồng chặt cơ trung tâm, người tập sẽ vô tình tạo áp lực lớn lên đốt sống thắt lưng.
“Về lâu dài, điều này dễ dẫn đến đau lưng, cong vẹo, chấn thương đột ngột cột sống thắt lưng hoặc làm nặng thêm thoái hóa đĩa đệm thắt lưng”, bác sĩ Calvin nhận định.
Do đó, để hạn chế đau lưng, chấn thương khi nâng tạ, mọi người nên khởi động đầy đủ và chọn mức tạ phù hợp với khả năng, tập từ trọng lượng thấp. Song song đó, người tập cũng cần xây dựng hệ cơ nền tảng đủ mạnh mới nâng dần mức tạ.
Ngoài ra, người mới bắt đầu nên tập nâng tạ cùng huấn luyện viên hoặc người hướng dẫn để đảm bảo đúng kỹ thuật, hạn chế chấn thương.
Theo Vietnamnet