Kì nghỉ đông năm 2003-2004, Mã Gia Tước, sinh viên năm 4 Đại học Vân Nam, TP Côn Minh, Trung Quốc không về quê như chúng bạn mà ở lại để tìm việc. Mã có thành tích học tập xuất sắc, từng đạt giải bạc Olympic môn Sinh học. Những năm theo học, nam sinh này hầu như năm nào cũng đạt học bổng.
Trong mắt thầy cô, bạn bè thì Mã là người thông minh, nhiệt tình nhưng có chút gì đó cố chấp ngạo mạn. Trong một buổi chơi bài với Thiệu Thụy Kiệt và hai sinh viên khác, Mã nổi giận bỏ về. Thiệu cho rằng Mã chơi ăn gian.
"Đến chơi bài còn ăn gian, mày quá xấu tính. Chẳng trách Cung Bá làm tiệc sinh nhật cũng không mời mày”, Thiệu nói. Cũng chỉ vì câu nói trên, Mã đã lên kế hoạch giết người.
4 thi thể trong tủ quần áo
Để thực hiện kế hoạch, Mã ra phố mua một chiếc búa đập đá, túi nylon đen, băng keo chống thấm. Nam sinh này cũng lên mạng tìm kiếm dịch vụ làm giả giấy chứng minh để chuẩn bị cho cuộc trốn chạy sau đó.
Mã cùng các bạn học trong kí túc, Thiệu Tụy Kiệt (giữa). Ảnh: Sohu.
Đường Học Lý, sinh viên đến từ tỉnh Vân Nam có gia cảnh rất khó khăn. Bình thường Đường trọ bên ngoài trường nhưng trước kì nghỉ anh ta trả phòng và chuyển vào kí túc ở cùng bạn miễn phí để tiết kiệm tiền.
Dù không có bất cứ khúc mắc gì nhưng Mã cho rằng sự xuất hiện của Đường trong căn phòng vô tình làm cản trở kế hoạch giết người của hắn. Vô hình trung Đường trở thành nạn nhân đầu tiên.
Tối 13/2/2004, khi Thiệu ở phòng bên cạnh đánh bài chưa về, Đường lúi húi rửa tay trong nhà vệ sinh thì Mã xuất hiện. Từ phía sau, Mã dùng búa đập thẳng xuống đầu Đường khiến nạn nhân tử vong.
Sau khi gây án, hung thủ cuốn nylon quanh thi thể và giấu xác trong tủ quần áo. Xong việc Mã vào nhà vệ sinh tỉ mỉ rửa sạch mọi dấu vết và đợi Thiệu trở về.
Tối 14/2, Thiệu trở về phòng khi đã muộn. Lúc rửa chân để chuẩn bị lên giường đi ngủ, Thiệu cũng bị Mã giết như trường hợp đầu tiên.
Trưa 15/2, khi Mã đang xử lý dấu vết để lại tại phòng tắm và cố định hai thi thể trong tủ áo thì Dương Khai Hồng đến chơi. Sợ bị lộ cộng thêm suy nghĩ đã giết 2 mạng thì thêm một người nữa cũng như nhau khiến Mã tiếp tục gây án.
Lần thứ 3, nam sinh từng đạt giải bạc Olympic môn Sinh học vẫn dùng thủ đoạn cũ tước đi tính mạng của người bạn học không hề có bất cứ ân oán gì với mình.
Sau khi xử lý xong thi thể Dương, Mã đi tìm Cung Bá và rủ sang phòng chơi bài. Do không nghi ngờ, Cung Bá cũng mất đi tính mạng dưới tay gã bạn học ưu tú.
Gây án xong, Mã Gia Tước bắt đầu con đường chạy trốn. Hắn đến cây ATM trước cổng trường rút tiền rồi ra nhà ga TP Côn Minh bắt tàu theo hướng Quảng Đông.
Trên chuyến tàu ngày 17/2/2004, Mã bị cảnh sát đường sắt kiểm tra. Tuy nhiên, thời điểm đó 4 thi thể chưa bị lộ nên tên này thoát thân.
Ngày 23/2/2004, 9 ngày sau khi nạn nhân đầu tiên bị giết, một số sinh viên nhận thấy mùi hôi thối phát ra từ phòng kí túc của Mã và Thiệu. Khi cửa phòng bị cắt và chiếc tủ áo được mở, nhiều người bàng hoàng thấy 4 thi thể được bọc trong lớp nylon đen và cuốn trong những chiếc chăn. Án mạng làm xôn xao Đại Học Vân Nam, chấn động dư luận Trung Quốc.
Cảnh sát vào cuộc và xác định sự việc liên quan mật thiết giữa Mã và các nạn nhân.
Theo điều tra, từ 12/2/2004 đến 15/2/2004 Mã nhiều lần lên mạng tìm hiểu mạng lưới đường sắt từ Vân Nam đến các tỉnh lân cận. Hắn còn tìm hiểu đặc điểm địa lý và trình độ phát triển từng vùng để lựa chọn nơi dừng chân khi trốn chạy.
Ngày 1/3/2004, lệnh truy nã Mã Gia Tước được phát đi với ghi chú tội phạm đặc biệt nguy hiểm cấp độ đỏ. Số tiền thưởng cho những ai cung cấp thông tin liên quan đến hắn lên đến 165 triệu đồng.
Gã ăn mày ngoài quán ăn
19h ngày 15/3/2004, tại TP Tam Á, tỉnh Hải Nam, cảnh sát nhận được thông tin Mã Gia Tước xuất hiện tại một quán ăn ven đường.
Lo ngại kẻ mang lệnh truy nã mang theo súng hoặc hung khí có thể làm bị thương người dân xung quanh, viên cảnh sát vờ vào quán mua thức ăn nhằm mục đích nhận dạng Mã.
Lúc đó, Mã Gia Tước trong bộ dạng đen đúa bẩn thỉu, mặt lấm lem ngồi trên nền đất đang gặm một chiếc bánh bao. Hắn cúi đầu bới túi rác của chủ quán rồi lấy ra một củ khoai lang đưa lên miệng ăn ngon lành. Nhìn từ phía sau anh ta như một gã điên lang thang, khốn khổ.
Gặp phải ánh mắt của viên cảnh sát, Mã lập tức lảng tránh. Khi cảnh sát hỏi đến từ đâu, Mã ú ớ nói không ra lời.
Mã khi bị bắt. Ảnh: Sohu.
Khi yêu cầu người này xuất trình chứng minh thư, anh ta vơ chiếc túi rồi đứng lên quay người rời đi. Tên này nhanh chóng bị cảnh sát khống chế.
Với giọng nói mạch lạc, ánh mắt bình tĩnh, gã ăn mày nói: "Tôi là Mã Gia Tước". Ngay sau đó hơn chục kênh truyền thông có mặt để đưa tin sát thủ Mã Gia Tước bị bắt.
Ngày 24/4/2004, Mã bị tuyên án tử hình. Đến trung tuần tháng 6/2004, kẻ giết 4 mạng người ra pháp trường và trả giá cho hành vi độc ác bằng chính tính mạng mình.
Bức thư trong nhà ngục
Trước khi ra pháp trường, Mã viết thư thể hiện sự hối hận. Hắn cũng lý giải nguyên nhân cũng như toàn bộ quá trình gây án.
Trong đó có đoạn: "Chỉ còn vài tháng nữa là tốt nghiệp, được cống hiến cho xã hội, cho đất nước và thể hiện giá trị bản thân. Tôi cũng như những bạn học kia không chỉ ôm bầu nhiệt tình mà cả sự háo hức mong đợi. Trong khi các bạn khác có áp lực về việc làm thì tôi chưa từng lo lắng bởi bản thân tôi quá xuất sắc. Với tôi mọi thứ quá đơn giản...".
Bức thư còn thể hiện: "Thế nên hôm nay tôi ngồi đây để viết về những gì đã làm chỉ là sự ngẫu nhiên. Nó đột ngột xảy ra trong tâm trí làm tôi mất đi phương hướng. Tôi giận dữ, thất vọng, rồi không còn ý thức được những thứ khác. Trong phút nóng giận tôi hủy hoại bản thân, hủy hoại cả những người bạn của tôi và gia đình họ. Hối hận quá. Tôi xin lỗi xã hội, xin lỗi gia đình các nạn nhân, xin lỗi bố mẹ. Tôi biết với một kẻ tàn ác như vậy khó có thể chấp nhận".
Qua đi 15 năm nhưng những gì Mã Gia Tước gây ra mãi là một trong những vụ án rùng rợn nhất trong lịch sử hình sự Trung Quốc.
Theo Zing