Người đi vào lịch sử SEA Games
Một ngày sau khi cùng các đồng đội giành huy chương vàng toàn năng, chiều 9/5 "hoàng tử" thể dục dụng cụ Đinh Phương Thành (28 tuổi) tranh tài ở nội dung cá nhân tại nhà thi đấu Olympic (Campuchia).
Ở nội dung sở trường xà kép, đối thủ của anh là Carlos Yulo - huyền thoại TDDC Philippines từng 6 lần vô địch thế giới. Anh không đặt nặng mục tiêu đánh bại Carlos Yulo, mà đơn giản hoàn thành bài thi, chiến thắng chính bản thân mình.
Khi thần đồng Philippines phô diễn tài năng, Thành không dõi theo bài thi của đối thủ, mà chọn nhìn xuống đất, tập trung vào cảm xúc của bản thân. Đây là cách nam vận động viên ổn định tâm lý để không bị chi phối bởi đối thủ quá mạnh.
Dù đã nỗ lực, anh không thể bảo vệ huy chương vàng, về nhì với 14.4000 điểm, sau Carlos Yulo.
Là người thi cuối cùng ở nội dung xà kép, nhưng vị trí thi thứ hai nội dung xà đơn ngay sau đó, Đinh Phương Thành chỉ có 10 phút chuẩn bị, so với thời gian bình thường 20 - 25 phút.
Đinh Phương Thành (ngoài cùng bên phải hàng trên) cùng đội tuyển TDDC nam Việt Nam tại SEA Games 32 (Ảnh: Tiến Tuấn).
Ngồi dưới hàng ghế ban huấn luyện, trông thấy hai bắp tay học trò căng cứng, ông Trương Tuấn Hiền, HLV trưởng đội tuyển quốc gia TDDC nam rất lo lắng.
Ông yêu cầu các đồng nghiệp cùng bác sĩ thả lỏng tay giúp Thành, trước khi học trò bước vào nội dung xà đơn.
"Thành đã bỏ toàn bộ sức lực vào môn xà kép, chưa đầy 10 phút lại thi xà đơn đòi hỏi sức nắm, sức treo lớn, khiến tôi rất lo lắng. Nhưng tôi tin Thành sẽ làm được", ông Hiền khẳng định.
Niềm tin của ông đối với Đinh Phương Thành được hun đúc từ hành trình 20 năm phát hiện, dẫn dắt và đồng hành giữa hai thầy trò. Và quả thực, Thành đã không phụ lòng tin của ông.
Dù thừa nhận còn mắc một số lỗi nhỏ, anh vẫn đạt 13.500 điểm, đứng trên Riau Abiyurafi (Indonesia, 13.000 điểm) và Luqman Zulfa (Malaysia, 12.250 điểm), xuất sắc giành huy chương vàng.
Chiến thắng này xác lập kỷ lục cho Đinh Phương Thành trở thành vận động viên đầu tiên của TDDC Việt Nam giành huy chương vàng cá nhân năm kỳ SEA Games liên tiếp (2015 - 2023). Tổng cộng, qua năm kỳ đại hội, anh đã giành 13 HCV, 3 HCB và 3 HCĐ.
Đây là điều Thành chưa bao giờ nghĩ đến, nhưng là chiến tích xứng đáng với chàng trai Hà Nội sau hơn 20 năm tập luyện và thi đấu TDDC.
"Tôi tự hào về chính mình", Đinh Phương Thành trút bỏ hết gánh nặng. Tối 10/5, anh cùng đoàn trở về Việt Nam, bước vào giai đoạn nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng.
Đinh Phương Thành là vận động viên đầu tiên của TDDC Việt Nam giành huy chương vàng cá nhân năm kỳ SEA Games liên tiếp (Ảnh: Tiến Tuấn).
Trước đó, từ đầu năm 2023, bộ môn TDDC đã đưa ra phương hướng, kế hoạch tập luyện cũng như tập huấn để vận động viên đạt điểm rơi phong độ tốt nhất cho từng giải đấu, trong đó lấy bước đệm từ chính SEA Games 32.
Ngày 5/5, toàn đội sang Campuchia, chỉ có 2 ngày tập luyện trước nội dung thi đấu đầu tiên vào ngày 8/5. Thành nói anh đã cùng đồng đội để dành sức lực "chiến đấu" nên không dám tập luyện nhiều. Các vận động viên chủ yếu cảm nhận không gian và làm quen dụng cụ.
"Thời gian quá ngắn chính là áp lực lớn nhất với chúng tôi", anh chia sẻ.
Lần đầu tập thử tại phòng tập của Campuchia, anh khá bỡ ngỡ và thiếu tự tin, khó phát huy các động tác sở trường.
Để khắc phục, anh chỉnh sửa một số động tác, giảm độ khó so với khi tập luyện tại Việt Nam. Chấn thương lưng và chân trước SEA Games 32 cũng khiến anh không thể thể hiện hết khả năng của bản thân.
Tuy nhiên, vượt lên tất cả khó khăn, Đinh Phương Thành đã cùng đồng đội xác lập thành tích bộ môn vượt chỉ tiêu huy chương vàng của đoàn Việt Nam tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á.
Tối 10/5, Đinh Phương Thành cùng đội về Việt Nam, bước vào giai đoạn nghỉ ngơi (Ảnh: Minh Nhân).
Cậu bé suy nhược lọt vào mắt xanh của huấn luyện viên
Thuở nhỏ, do cơ thể suy nhược và thường xuyên đau ốm, bố mẹ cho Thành theo học ở Trung tâm Thể dục Dụng cụ tại Cung thể thao Quần Ngựa để tăng cường sức khỏe.
Mới 5 tuổi, Thành không hiểu thể dục dụng cụ là bộ môn như thế nào, tập luyện làm sao. Đứa trẻ ngày đó xem trung tâm như một chỗ vui chơi, giải trí.
Lên 7 tuổi, anh được HLV Trương Tuấn Hiền phát hiện tài năng, rồi được đưa sang Trung Quốc tập huấn.
"Khi đó, Thành là cậu bé nhanh nhẹn, hoạt bát và thông minh. Chúng tôi đã kiểm tra chỉ số cơ thể, nhận thấy cậu ấy có tố chất đáp ứng môn thể dục dụng cụ nên tiếp nhận", ông Hiền nhớ lại, không ngờ tài năng năm xưa được ươm mầm, đã thực sự tỏa sáng sau 20 năm.
Trước khi chuyến tàu lăn bánh đưa đoàn sang Trung Quốc, Đinh Phương Thành bật khóc nức nở.
Đứa trẻ 7 tuổi lần đầu xuất ngoại, chỉ nghĩ đi chơi vài ngày rồi về, nhưng không biết trước mắt là 8 năm tập huấn gian khổ. Thành khóc, đòi về nhà, được các thầy và đồng đội cổ vũ, động viên.
Tại Trung Quốc, anh tập luyện buổi ngày, tối học văn hóa do giáo viên từ Việt Nam sang giảng dạy. Khi đã bắt đầu quen với bộ môn, cường độ tập luyện của anh tăng lên.
Tuy nhiên, ảnh hưởng thời tiết khiến anh ốm nhiều (dị ứng, đau mắt đỏ), không thể tập luyện liền mạch. Có lần anh được ban huấn luyện đưa về Việt Nam để chữa trị rồi mới tiếp tục sang tập luyện.
Những lúc có cơ hội viết thư tay gửi về nhà, Thành đều tận dụng nhắn gia đình gửi đồ ăn, kết thúc thư luôn là câu: "Con nhớ bố mẹ nhiều lắm".
Đinh Phương Thành cùng đồng đội tại Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia Hà Nội, chiều 12/5 (Ảnh: Minh Nhân).
Theo năm tháng, Thành vơi bớt cảm giác nhớ nhà, trưởng thành hơn và nghiêm túc với TDDC. Trong số 5 người được đưa sang tập huấn cùng đợt với anh, 2 người bỏ cuộc hoặc được đánh giá không có năng khiếu, đã trở về Việt Nam.
Sau tám năm, vượt qua những thách thức về sức khỏe, môi trường rèn luyện, anh trở về và được tập luyện ở Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia Hà Nội, bắt đầu đánh dấu con đường thể thao chuyên nghiệp.
"Đến giờ tôi vẫn không biết sao mình có thể kiên trì 8 năm đằng đẵng như vậy", anh nói.
HLV Trương Tuấn Hiền nhận định thời gian tập huấn tại Trung Quốc đã tạo nền móng, cơ sở để sau này ông cùng đồng nghiệp huấn luyện Đinh Phương Thành trở thành một vận động viên tiềm năng.
Năm 2009, lần đầu đứng trên sàn đấu, tại giải Thể dục dụng cụ vô địch trẻ, Thành không hề tự tin. Anh hồi hộp, luôn trong tình trạng "chưa thi đã sợ".
Năm 2014, anh tham dự giải quốc tế đầu tiên - ASIAD diễn ra tại Incheon (Hàn Quốc) và lập tức gây tiếng vang với tấm huy chương đồng. Một năm sau, anh bắt đầu đặt dấu mốc ở SEA Games khi vừa tròn 20 tuổi.
Thi đấu với tinh thần "trong khả năng của mình", Thành xuất sắc giành 4 huy chương vàng, gồm 3 HCV cá nhân nội dung xà đơn, xà kép, toàn năng và 1 HCV nội dung đồng đội.
"Đây là kỳ SEA Games đầu tiên, nhiều huy chương nhất, thành công nhất và cũng đáng nhớ nhất của tôi", anh nói. Cái tên Đinh Phương Thành cũng từ đó trở thành "tâm điểm truyền thông", song anh khiêm tốn: "không biết có xứng đáng nhận được những sự quan tâm này hay không?".
Sau 8 năm thi đấu bền bỉ ở đấu trường khu vực, Đinh Phương Thành đã trở thành vận động viên TDDC đầu tiên giành HCV ở 5 kỳ SEA Games liên tiếp với tổng số 12 HCV, 2 HCB và 3 HCĐ.
Ở độ tuổi 28, "hoàng tử" TDDC Việt Nam được nhận định còn nhiều cơ hội để nâng cao thành tích cá nhân ở những kỳ SEA Games tiếp theo.
HLV trưởng đội tuyển quốc gia TDDC nam đánh giá đây là kỳ SEA Games khó khăn với Đinh Phương Thành, bên cạnh một bước tiến tâm lý rất tốt.
"Thành quyết tâm, năng nổ, biết cách vượt qua khó khăn để đạt được thành tích như bây giờ. Bạn ấy thực sự là một tài năng, rực sáng trên các đấu trường", ông Hiền nói.
Kỳ SEA Games thứ 5 liên tiếp, "hoàng tử" Đinh Phương Thành đã trở thành lớp đàn anh, cùng Lê Thanh Tùng dẫn dắt các vận động viên trẻ hơn, như Khánh Phong, Xuân Thiện, Vĩ Lương, Hải Khang. Ông Hiền hy vọng hành trình nỗ lực không ngừng của Thành sẽ truyền cảm hứng đến thế hệ trẻ.
"Tôi khâm phục, tự hào về Thành. Với TDDC, nếu không đủ sức khỏe, không đủ tự tin, bạn có thể xảy ra nguy hiểm, thậm chí phải trả giá bằng tính mạng", ông Hiền cho hay.
Điều ông lo lắng nhất là không truyền được niềm tin của một huấn luyện viên cho vận động viên của mình. "Nếu bạn trao và khơi dậy được niềm tin đó, thì bạn sẽ chiến thắng".
Đinh Phương Thành chia sẻ kinh nghiệm cùng đồng đội sau SEA Games 32 (Ảnh: Minh Nhân).
Cưới vội 2 tháng trước SEA Games
2 tháng trước SEA Games 32, Đinh Phương Thành tổ chức đám cưới. Vợ anh tên Hằng, 26 tuổi, là người lo toan toàn bộ từ phông rạp, đặt cỗ cưới,… để chồng yên tâm tập luyện.
Đôi khi thấy cô dâu một mình chuẩn bị đám cưới, có người hỏi: "Chú rể đâu rồi?". Dù không biết vợ trả lời thế nào, nhưng Thành biết cô ấy tủi thân.
Sau đám cưới, Thành quay lại tập luyện nước rút trước thềm sang Campuchia. Một lần nữa, anh… "bỏ bê" gia đình, may mắn được vợ cảm thông do cô xuất phát điểm cũng là một vận động viên thể thao.
Thành biết đến vợ khi cả hai học chung tại trường Phổ thông năng khiếu TDTT Hà Nội. "Tôi thích cô ấy trước, nhưng không dám thổ lộ", anh nói.
Hằng theo đuổi bộ môn aerobic, nhưng năm 2012 đã giải nghệ và chuyển học Đại học Sư phạm Hà Nội. Từ đó, cả hai mất liên lạc. Về sau, Hằng ra trường, trở thành giáo viên dạy công nghệ thông tin.
Đinh Phương Thành tổ chức đám cưới chỉ 2 tháng trước khi lên đường chiến đấu tại SEA Games 32 (Ảnh: FBNV).
Năm 2018, Thành vô tình biết nhà của Hằng bên cạnh nhà một người em cùng đội tuyển TDCC. Anh quyết tâm không bỏ lỡ cơ hội này, vội kết bạn Facebook và nhắn tin "làm quen ngớ ngẩn": "Chào em, anh có thể làm quen với em được không?".
Thấy Hằng mãi chưa trả lời, Thành sốt ruột, đột ngột tỏ tình: "Em làm người yêu anh nhé!".
Đối phương tỏ ra bất ngờ, còn nghĩ "bị lừa đảo", nhưng Thành biết rằng mình phải nắm chắc mối nhân duyên này. Từ đó, anh liên tục nhắn tin, dần chinh phục người yêu.
Tháng 6/2018, cả hai chính thức là một đôi. Chuyện tình đẹp kết thúc bằng một đám cưới ngọt ngào và viên mãn đầu năm 2023.
"Tôi luôn cố gắng dành cuối tuần để bù đắp thời gian cho người yêu. 4 năm yêu nhau gần như đều như thế. Khi nào thi đấu xong, có thời gian nghỉ, chúng tôi sẽ gặp nhau nhiều hơn", chàng trai kể.
Từ ngày anh sang Campuchia, hai vợ chồng duy trì nhắn tin mỗi ngày để biết thông tin của nhau. Kỳ Sea Games năm nay thật đặc biệt, vì ngoài chia sẻ niềm vui chiến thắng với bố mẹ, Thành còn một "người đặc biệt" nữa để tâm sự.
Món quà lớn nhất dành tặng bố mẹ
Đinh Phương Thành sinh trưởng trong gia đình hoàn cảnh tại quận Cầu Giấy (Hà Nội). Bố anh từng chạy xe ôm, mẹ bán hàng tự do để nuôi sống cả gia đình. Dù hiện đã 58 và 64 tuổi, hai ông bà vẫn làm công việc tự do để kiếm thêm thu nhập.
Để tiện công việc của Thành, gia đình quyết định cho thuê căn nhà nhỏ ở quận Cầu Giấy, chuyển đến thuê trọ tại phường Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm).
Gia đình khó khăn, nên với Thành, việc theo đuổi thể thao cũng là cách cải thiện cuộc sống. Với anh, thành công chính là con đường duy nhất và nhanh nhất để giúp đỡ gia đình, cho bố mẹ một cuộc sống đủ đầy.
Món quà lớn nhất Đinh Phương Thành dành tặng bố mẹ sau hơn 20 năm theo đuổi thể thao, chính là vinh quang và sự tự hào (Ảnh: Minh Nhân).
Sau tất cả, Đinh Phương Thành nói mình đến với thể dục dụng cụ là một cái duyên, hơn là đam mê. Từ nhỏ, anh đã được bố mẹ và HLV Trương Tuấn Hiền định hướng, lớn lên anh biết ơn bộ môn này đã giúp bản thân trưởng thành trong môi trường tốt và được gặp gỡ nhiều người.
Thành công với thể dục dụng cụ, Thành chưa bao giờ có ý định từ bỏ, dù từng trải qua nhiều giai đoạn khó khăn và chán nản.
Trong tương lai, anh mong muốn đi từng bước tuy chậm nhưng chắc chắn, dần hoàn thiện bản thân, xứng đáng với sự kỳ vọng của gia đình và người hâm mộ.
"Dù tạm gọi là thành công và được nhiều người biết đến, nhưng tôi chưa giúp ích được gì cho gia đình", Đinh Phương Thành tâm sự, nói món quà lớn nhất anh dành tặng bố mẹ sau hơn 20 năm theo đuổi thể thao, chính là vinh quang và sự tự hào.
Theo Dân Trí