Nỗi ám ảnh kinh hoàng
Hàng loạt vụ quay lén gần đây được phát hiện kịp thời trước khi những hình ảnh, video đó bị đăng tải lên mạng xã hội hoặc rao bán trên các web đen.
Những năm vừa qua không ít nghệ sĩ bị phát tán hình ảnh cá nhân, thậm chí nhiều hình ảnh riêng tư có phần hớ hênh, nhạy cảm khiến họ suy sụp, phải ở ẩn suốt một thời gian dài.
Không chỉ nghệ sĩ, người nổi tiếng mà bất cứ ai cũng có thể lọt vào tầm ngắm của những kẻ có ý đồ xấu. Từ lâu các hành vi quay lén hoặc làm rò rỉ hình ảnh cá nhân của người khác trên các trang mạng xã hội bị lên án nghiêm trọng bởi những di chứng tâm lý để lại cho các nạn nhân vô cùng lớn.
Người mẫu Châu Bùi rất sốc khi phát hiện mình là nạn nhân của hành vi quay lén tại một studio chụp ảnh.
Chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà - Viện nghiên cứu đào tạo và can thiệp tâm lý Việt Nam - khẳng định những ảnh hưởng đến tâm lý nạn nhân bị quay lén là rất sâu sắc và kéo dài cả đời. Khi bị phơi bày những hình ảnh liên quan đến cơ thể, bất kỳ ai cũng cảm thấy vô cùng xấu hổ, đau đớn.
"Nạn nhân cảm thấy sợ hãi, luôn có cảm giác ai đó đang nhìn mình dù ở trong môi trường an toàn. Điều này cũng dẫn đến sự khủng hoảng, trầm cảm và gây ảnh hưởng tới công việc, gia đình và tương lai của họ.
Có những người trở nên thu mình, gặp nhiều vấn đề về sức khỏe tinh thần, thường xuyên phải đến bệnh viện, sử dụng thuốc để ổn định tâm lý", chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà nêu.
Thiết bị quay lén ngày càng được ngụy trang tinh vi, khó phát hiện.
Các chuyên gia cho rằng mỗi người cần chuẩn bị các kỹ năng để bảo vệ bản thân trước những kẻ chuyên quay lén. Mỗi người cần phải kiểm tra kỹ càng các phòng thay đồ, phòng trọ, khách sạn... bởi hiện nay các thiết bị quay lén được ngụy trang ngày càng tinh vi.
Việc xử phạt một cách nghiêm khắc, đủ sức răn đe đối với những cá nhân thực hiện hành vi quay lén là cần thiết bởi tác động của hành vi này không chỉ tính tại thời điểm hiện tại. Những ảnh hưởng đó còn kéo dài suốt cuộc đời của nạn nhân
"Qua quá trình làm việc, tôi thấy những ám ảnh hoặc ký ức về việc bị lạm dụng hay quay lén gây ảnh hưởng rất lâu dài đến cuộc sống của một người. Nó hủy hoại, khiến người ta suy nghĩ rất nhiều rồi trở nên đau khổ, thậm chí có người từng có ý nghĩ tự sát", chuyên gia Thu Hà nhận định.
Cần tăng nặng mức xử phạt
Theo khoản 3, Điều 7, Nghị định 144/2021, việc thu thập trái phép thông tin cá nhân, quay phim chụp ảnh người khác mà không có sự cho phép là hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là ghi hình người khác trong những tình thế, tư thế nhạy cảm.
Nếu hành vi quay lén được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, đối tượng sẽ bị xác định là “trêu ghẹo, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác” và bị phạt tới 3 triệu đồng.
Theo quy định tại điểm e, Khoản 3, Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, người có hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng.
Nếu phát tán thông tin cá nhân mà chưa được cá nhân đồng ý thì có thể bị phạt tới 60 triệu đồng và phải bồi thường mọi thiệt hại đã gây ra đối với nạn nhân (nếu có).
Chủ nhà trọ đặt camera quay lén nữ sinh ở Hà Đông (Hà Nội) chỉ bị phạt hành chính 12,5 triệu đồng khiến công chúng bức xúc.
Một số chuyên gia cho rằng hình thức xử phạt hành chính không còn phù hợp với những người thực hiện hành vi quay lén.
Nhiều chuyên gia đề xuất cần có hình thức tăng nặng hình phạt, xử án điểm để tạo sự răn đe với các trường hợp tương tự. Bên cạnh đó, việc xử phạt các trường hợp này cũng cần tính đến hậu quả của tương lai, không chỉ tính sự tác động ở thời điểm hiện tại.
Theo Tiền Phong