Trong dòng lịch sử phát triển và suy tàn của những hoàng tộc Trung Hoa phong kiến, hoàng đế luôn là người nắm quyền cao nhất và được phép sinh sát bất kỳ khi nào mình muốn, vì thế, ngay cả những người thân cận hoàng đế nhất như hoàng hậu, phi tần vẫn luôn một mực phục tùng.
Tuy nhiên, chuyện gì cũng có ngoại lệ, lịch sử Trung Quốc đã từng ghi nhận một trường hợp vô cùng hy hữu của một vị hoàng phi mà nhiều người ngày nay vẫn hay quen miệng gọi là "hoàng phi cách mạng", vì người này không những đi ngược lý tưởng trên, mà còn "bạo gan" ly hôn hoàng đế, khiến cả Trung Hoa dân quốc lúc bấy giờ chấn động không ít.
Chân dung Thục phi Văn Tú (Ảnh: Internet)
Quá khứ cực khổ của vị hoàng phi cả gan ly hôn hoàng đế
Vị hoàng phi này chính là Thục phi Văn Tú, phi tần của vua Phổ Nghi - hoàng đế cuối cùng của triều đại nhà Thanh cũng như chế độ quân chủ trong lịch sử Trung Quốc. Văn Tú có tên thật là Ngạch Nhĩ Đức Đặc Văn Tú, và một cái tên khác là Phó Ngọc Phương, sinh ra trong một gia đình quý tộc quan lại giàu có thuộc Tương Hoàng Kỳ của Mãn Châu. Tuy nhiên, đến đời cha Văn Tú thì cơ nghiệp gia đình bất đầu sa sút dần.
Cha Văn Tú là Đoan Cung, vốn là hậu duệ của gia tộc Ngạch Nhĩ Đức Đặc có tiếng mấy đời làm quan. Ông có hai đời vợ, vợ cả sinh cho ông một đứa con gái nhưng không may lại qua đời sau đó không lâu. Vợ sau sinh cho ông thêm hai cô con gái nữa, trong đó có Văn Tú. Chính vì mắc tâm bệnh, lo nghĩ gia tộc không có con trai để nối dõi, sau đó ông qua đời khi Văn Tú vừa tròn 8 tuổi. Lúc này, mẹ Văn Tú, tức là bà Tưởng Thị phải một mình nuôi Văn Tú cùng em gái, cộng thêm cả người con gái của vợ cả, tính ra là 3 người.
Thục phi Văn Tú và Hoàng hậu Uyển Dung khi còn trong cung. (Ảnh:Internet)
Tưởng Thị một mình nuôi ba đứa con vất vả, phải làm tất cả các nghề kiếm sống, nuôi 4 miệng ăn và nuôi 3 con gái ăn học. Đầu tháng 9 năm 1916, Tưởng Thị gửi đứa con gái 8 tuổi Văn Tú của mình tới trường tiểu học Hoa Thị để theo học. Kể từ khi bắt đầu đi học, Văn Tú đổi tên thành Phó Ngọc Phương. Ngọc Phương tỏ ra là một cô bé có tư chất. Học giỏi, tính tình điềm đạm, lại còn rất chăm ngoan và siêng năng giúp đỡ mẹ mình.
Chưa kể, Ngọc Phương càng lớn càng xinh đẹp, mới là con bé 8 tuổi thô kệch dạo nào, Ngọc Phương như thoát xác ở tuổi 13 với da dẻ trắng hồng, mắt to, tóc đen, có thể nói là bậc giai nhân lúc bấy giờ. Cũng chính nét xinh xắn chớm nở như vậy đã báo hiệu cho Văn Tú một cuộc đời đầy bão giông đợi ở tương lai, phía sau hậu cung nơi cung cấm triều đình.
Những tháng ngày nhập cung buồn bã
Năm 1921, hoàng đế Phổ Nghi tròn 16 tuổi và bắt đầu việc tuyển vợ. Trong vô số những bức ảnh các cô gái danh giá được gửi về cho hoàng đế lựa chọn thì có hai cô lọt vào mắt xanh của ngài, trong đó có Ngọc Phương. Kết quả, Uyển Dung khi đó 17 tuổi được lựa chọn làm hoàng hậu còn Ngọc Phương mới chỉ 14 tuổi được lựa chọn làm hoàng phi.
Hình tượng Thục phi Văn Tú ngoài đời và trong phim về sự việc ly hôn hy hữu. (Ảnh: Internet)
Sau khi tiến cung, Ngọc Phương được đổi lại tên là Văn Tú, lấy hiệu là Thục phi Văn Tú, được hoàng đế cho phép chuyển vào sống trong một căn nhà lớn gần hoàng cung, cùng với mẹ và chị em gái của mình. Tuy nhiên, không biết vì lý do gì, mang tiếng là phi tần của Phổ Nghi nhưng Văn Tú chưa một lần được lâm hạnh với ông. Điều này làm Văn Tú chớm buồn trong lòng.
Chưa kể, thời nào cũng vậy, các phi tần hoàng đế luôn luôn ganh đua ghen ghét lẫn nhau, tranh sủng tranh quyền. Uyển Dung vốn là hoàng mạo, lại có dung mạo xinh hơn Văn Tú rất nhiều. Không ít lần bà đã tỏ thái độ khinh khi Văn Tú ra mặt, thậm chí Uyển Dung nhiều lần còn chủ trương nói hôn nhân chỉ có một vợ một chồng, do vậy cực lực phản đối chuyện hoàng đế lấy vợ bé. Đó cũng chính là lý do khiến "vợ bé" Văn Tú phải chịu cảnh bị lấn lướt, ăn hiếp.
Vua Phổ Nghi và Hoàng hậu Uyển Dung. (Ảnh: Internet)
Tiếng là vợ chồng nhưng Văn Tú chưa một lần được yêu, cô quạnh sống trong cung như chiếc bóng. Sau đó, Phổ Nghi cũng động lòng với hoàn cảnh của Văn Tú vì vậy đã mời một giáo viên nước ngoài tới dạy tiếng Anh cho cô. Văn Tú học rất chăm, tiến bộ rất nhanh, tư tưởng cũng theo thời gian cô học tiếng Anh mà bắt đầu trở nên cởi mở hơn. Văn Tú cũng bắt đầu yêu thích văn học, các loại sách văn học trở thành người bạn của cô trong những tháng ngày phải cô độc trong hoàng cung nhà Thanh.
Sóng gió nổi lên và quyết định ly hôn táo bạo của Thục phi Văn Tú
Nhưng mọi sóng gió bắt đầu vào ngày 5/11/1924, Phổ Nghi bị lật đổ. Văn Tú cũng như hoàng thất nhà Thanh bị quân phiệt Phùng Ngọc Tường ép phải rời khỏi hoàng cung. Rời khỏi cung, Văn Tú cùng hoàng thất chuyển sang đến sống tại phủ Thuần Thân, Bắc Kinh.
Rời khỏi cung, biết hoàn cảnh của mình điêu đứng, Phổ Nghi đã không ít lần kêu gọi sự giúp đỡ của Nhật Bản để giúp mình đòi lại vương vị. Tuy nhiên, bằng kiến thức cũng như là sự uyên bác của mình, Văn Tú đã không ít lần khuyên nhủ Phổ Nghi, bà cho rằng quân Nhật chưa chắc đã tốt, muốn có lại quyền lực thì phải chịu đi đường dài, không ai giúp đỡ không công bất cứ thứ gì.
Tuy nhiên, Phổ Nghi một mực đối đầu với Văn Tú trong tư tưởng, ông cho rằng Văn Tú không biết gì mà lại xen vào chuyện chính trị. Lúc này, ông dần dần lạnh lùng, thậm chí là ngược đãi với Văn Tú. Văn Tú buồn lòng, nhưng vì phận gái xuất giá theo chồng nên bà đành cắn răng chịu đựng.
"Lúc này, ông dần dần lạnh lùng, thậm chí là ngược đãi với Văn Tú". (Ảnh minh họa)
Cho đến khi mọi chuyện lên đến đỉnh điểm khi Văn Tú cảm thấy mình không thể nào chịu đựng thêm sự ghẻ lạnh và một cuộc sống tù túng phiền não như vậy nữa, bà đã tìm hiểu luật và biết rằng khi Phổ Nghi rời khỏi cung thì ông cũng như một công dân bình thường của Trung Hoa dân quốc, chưa kể thời điểm bấy giờ chế độ bình quyền và bài trừ phân biệt đối xử cũng được chính phủ nêu cao. Đánh liều một phen, Văn Tú trốn ra ngoài và đệ đơn lên tòa án yêu cầu ly hôn với Phổ Nghi với lý do:
"Kiện Phổ Nghi ngược đãi Văn Tú, không thể chịu đựng hơn được nữa. Phổ Nghi mắc bệnh yếu sinh lý, ở cùng nhau 9 năm mà chưa từng sủng hạnh Văn Tú lần nào. Vì thế, Văn Tú quyết định ly hôn và yêu cầu mỗi tháng Phổ Nghi cung cấp 500 ngàn tiền sinh hoạt phí".
Sự việc ly hôn này, đã gây nên một cuộc chấn động không ít lúc bấy giờ, báo chí đưa tin rầm rộ và theo sát "vụ án", cũng chính thời điểm này Văn Tú được những người ủng hộ gọi là "hoàng phi cách mạng". Sự việc ly hôn ngoài sự lường trước của Phổ Nghi, đã vậy lý do mà Văn Tú ép Phổ Nghi ly hôn được đưa lên tòa là "chồng yếu sinh lý", đã làm Phổ Nghi bẽ mặt, đành ngậm đắng thuê hai luật sư tiếp kiện và nhanh chóng ly hôn.
Những năm tháng cuối đời
Thục phi Văn Tú.(Ảnh: Internet)
Cuối cùng, Văn Tú quay trở lại cuộc sống thường dân tại Bắc Kinh, và kết hôn lần nữa với Lưu Chấn Đông, phụ tá của Lý Tông Nhân, quyền tổng thống Trung Hoa Dân Quốc sau khi Tưởng Giới Thạch từ chức năm 1947. Bà cùng chồng sau sống cuộc sống bình lặng, chồng đi làm, bà thì ở nhà quán xuyến nội trợ, hai người không có với nhau một người con nào. Đến năm 1953, Văn Tú qua đời khi chỉ mới 45 tuổi.
Việc ly hôn tưởng như không có gì và rất bình thường ở thời đại ngày nay, nhưng vụ việc Thục phi Văn Tú dám ly hôn với Hoàng đế Phổ Nghi khi đó, đã tạo nên một cuộc chấn động không nhỏ. Và chính Văn Tú là người đầu tiên, cũng là người duy nhất trong lịch sử Trung Hoa phong kiến làm điều này. Vì vậy đến tận ngày nay, khi nhớ đến bà, người ta lại gọi bà bằng cái tên "hoàng phi cách mạng", cũng như sự việc ly hôn hy hữu trên.
Theo Trí Thức Trẻ