Người ta nói, đàn ông như biển lớn, rộng rãi và bao dung. Đàn bà như con suối, lặng lẽ qua từng ngõ ngách bé nhỏ để ra sông, ra biển. Nghĩa là đàn ông thì hào sảng, phóng khoáng hơn đàn bà. Đàn bà thì cần mẫn, chịu thương chịu khó, chi li nhỏ nhặt nhưng tất cả những thứ đó của đàn bà cũng chỉ vì gia đình.

Thế nên, đàn ông mới cần có bên mình một người phụ nữ để có thể cân bằng chính cuộc sống của mình. Thế nhưng, chuyện gì sẽ xảy ra nếu trong nhà có tới hai người đàn bà, cùng đo nước mắm, cùng đếm củ hành? Hẳn nó sẽ ngột ngạt lắm.

Chị vốn là con gái thành phố, không quá xinh đẹp nhưng ngoan ngoãn, dịu dàng. Anh sinh ra ở quê, nhưng học hành giỏi giang. Anh lập nghiệp ở cái thành phố nhỏ này và gặp chị. Hai người yêu rồi cưới nhau trong sự chúc phúc của bạn bè và gia đình hai bên. Chị cứ nghĩ, mình đã tìm được người đàn ông của mình. Thế nhưng hôn nhân không phải là một giấc mơ, và anh không phải là Bạch Mã Hoàng tử.

Lấy nhau về rồi, mới thấy, hoàng tử giờ mặc quần đùi ngác chân lên ghế xỉa rau mắc ở răng, với cốc nước ngửa cổ súc miệng nước sùng sục rồi nhổ toẹt ra cửa. Hoàng tử có thể lười tắm vào mùa đông chỉ vì trời lạnh. Hoàng tử có thể cằn nhằn, càu nhàu chỉ vì dạo này nhìn vợ cũ người. hoàng tử cũng có thể để con ngồi vầy nước tiểu mà nó vừa tiểu ra và vẫn say mê chơi điện tử. Hoàng tử cũng có thể mặc vợ thất thểu hết chăm con, lại chạy xuống bếp nấu cơm, quay ra nhặt rau, tắm rửa cho con… để mình thoải mái đi nhậu cùng đám bạn khi những chiều tan sở.

Ngán ngẩm khi chồng 'vắt cổ chày ra nước' - 1
Khi lấy nhau rồi. Dần dần chị nhận ra anh không như chị nghĩ. (Ảnh minh họa)

Và hoàng tử kể từ ngày cưới được công chúa, lập tức coi Công chúa như ôsin và chưa khi nào hạ mình mà nói lời ngon ngọt yêu thương hay nịnh nọt bao giờ. Hoàn toàn anh hoàng tử ấy khi bước vào một cuộc hôn nhân đều khiến đa phần phụ nữ tan giấc mơ hoa.

Thế đấy, hình như hôn nhân chính là thứ có thể thức tỉnh những người vẫn chưa kịp thoát ra cái cảm giác thời yêu đương thì phải. Nó thức tỉnh người ta dậy trong cảm giác bàng hoàng, hụt hẫng vô cùng.

Nhưng hôn nhân là thế. Có một nhà diễn thuyết đã từng nói rằng: Các chị em đừng khen tôi nói hay, nói khéo, đẹp trai, dễ gần, đáng yêu… Mà hãy hỏi vợ tôi xem khi ở nhà tôi là người như thế nào? Đấy mới là người cho chúng ta câu trả lời chính xác nhất về một người đàn ông.

Lại nói chuyện của chị, ngày còn yêu nhau, cái sự chi ly tiết kiệm của anh lại là ưu điểm. Anh ít khi đưa chị tới những nơi đắt tiền, hai người thường đi ăn quán vỉa hè, ngồi những quán chè nước bên đường nhưng cũng rất lãng mạn. Sinh nhật hay những ngày đặc biệt anh cũng chỉ tặng chị những món quà nho nhỏ nhưng chị lại thấy thế thật ý nghĩa… Anh cũng ăn mặc giản dị, không vung tay quá trán bao giờ. Chị nghĩ một người đàn ông như thế chắc chắn biết vun vén cho gia đình, sẽ làm một người chồng tốt.

Nhưng khi lấy nhau rồi. Dần dần chị nhận ra anh không như chị nghĩ. Bắt đầu là từ chuyện bữa ăn. Chị thường làm vài món mỗi khi nấu cơm. Anh bảo: Chỉ cần rau và một món mặn là được. Em bày vẽ làm nhiều mà làm gì. Tốn tiền, ăn lại không hết. Chị cứ tưởng là anh nói vậy chỉ là để chị đỡ vất vả mà thôi. Nhưng sau vài lần anh khó chịu, bảo anh nói thế mà chị không nghe. Rồi chưa cuối tháng lại kêu hết tiền. Mà có phải là chị ăn nhiều đâu. Chỉ là chị muốn làm cho anh ăn, sợ anh vất vả lại gầy đi. Người ta bảo lấy vợ mà không biết chăm chồng.

Rồi thỉnh thoảng, chị có bảo anh đưa chị đi chợ. Chị thì ít khi mặc cả những mớ rau, con cá nhỏ, những cái đó người ta có lãi được bao nhiêu đâu? Nên người bán cứ bảo sao chị trả vậy. Đến khi về anh mới nói chị: Em đi chợ mà không mặc cả à? Cái bọn buôn bán tin làm sao được mồm nó. Buôn năm bán mười đấy! Chị ngượng cười: Mớ rau, củ hành thì đáng bao nhiêu đâu mà mặc cả hả anh! Anh đốp ngay câu: Đã nghèo lại còn sĩ diện. Đúng là con nhà lính, tính nhà quan! Chị ngớ người ra. Sao anh có thể nặng lời với chị đến vậy chỉ vì mấy chuyện vặt vãnh nhỏ nhoi ấy?

Ngán ngẩm khi chồng 'vắt cổ chày ra nước' - 2
Nhìn lại cuộc hôn nhân của mình, chị thấy ngột ngạt và nản quá rồi. Nhưng biết làm thế nào với người đàn ông chặt như hũ nút, “vắt cổ chày ra nước” ấy đây? (Ảnh minh họa)

Thế rồi những va chạm từ chuyện chi tiêu trong nhà giữa hai vợ chồng ngày càng diễn ra nhiều hơn. Kể từ chuyện ăn rồi tới cả chuyện mặc của hai người. Anh thì khi nào cũng bảo: Mặc kín là được, tử tế là được, chỉ cần có hai bộ tử tế đi làm thay nhau là được. Làm gì mà phải phô trương. Nhưng chị nào có phô trương gì đâu. Là phụ nữ thì ai chả thích làm đẹp, ai chả thích xúng xính váy nọ áo kia. Vậy mà mỗi khi chị mua sắm một cái gì mới cũng bắt gắp cái nhìn khó chịu của anh. Người ta thì mua về được chồng ngắm cho mặc có đẹp không. Còn chị nhiều khi mua đồ về rồi len lén mà giấu đi.

Rồi cái tính đo nước mắm đếm củ hành của anh ngày càng trầm trọng. Nhất là tiền nong. Nó như thể là hơi thở của anh vậy. Anh không muốn bớt cho ai chút nào, càng không muốn sểnh đi đâu dù chỉ là một xu. Lúc đầu anh còn đưa lương cho vợ. Sau rồi anh bảo, tiền lương của chị cũng thoải mái chi tiêu ăn uống. Nên lương của anh anh sẽ gửi ngân hàng hết. Thế là cứ đến tháng, anh lại gói gọn lương của mình gửi vào ngân hàng. Không cho ai một đồng mà cũng chẳng sểnh đi đâu một xu.

Hễ nhà có việc gì là chị lại phải chạy vạy vay chỗ nọ chỗ kia rồi đợi lương thì đập vào. Nhiều khi chị cũng muối mặt. Vì nhà hai vợ chồng làm lương như thế mà lại đi vạy người ít tiền hơn. Chị toàn phải chữa cháy là nhà có việc đột xuất cần nhiều tiền nên mới phải đi vay… Nhưng mọi người đều ngầm hiểu. Vì cái tính ấy của anh khác gì thứ mắm để lâu ngày. Không chỉ trong nhà bốc mùi mà cả hàng xóm cũng nặng mũi.

Nhìn lại cuộc hôn nhân của mình, chị thấy ngột ngạt và nản quá rồi. Nhưng biết làm thế nào với người đàn ông chặt như hũ nút, “vắt cổ chày ra nước” ấy đây? Biết có cách nào chữa được cho anh? Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, chỉ thấy khó mịt mùng, người xưa chả nói, Giang sơn dễ đổi bản tính khó rời là gì? Nhưng nếu sống cả đời với người đàn ông như thế, chị thấy ngán ngẩm và chua xót lắm thay…

Theo Khám Phá