Làm giàu từ nghề... mạo hiểm
Nguyễn Văn Tuấn (sinh năm 1995, quê Yên Bái) gắn với nghề săn ong rừng lấy mật từ nhiều năm nay. Tuy trẻ tuổi nhưng Tuấn vẫn khiến những người sành sỏi trong lĩnh vực này kiêng nể do sự năng nổ, chuyên nghiệp, kèm cả độ liều lĩnh.
Để săn mật ong, Tuấn phải vào rừng, chui rúc những nơi rậm rạp nhất, theo dõi ong để tìm ra tổ của chúng.
“Việc ăn uống qua loa cạnh bờ suối hay tranh thủ chợp mắt ở bụi cỏ nào đó đã quá quen với tôi. Điều đó không có gì đáng sợ, mà đáng sợ hơn cả là bị ong tấn công. Không ít lần tôi phải đi cấp cứu vì nguy hiểm đến tính mạng”, anh kể.
Biết là luôn cận kề nguy hiểm nhưng Tuấn lại có sự say mê đặc biệt với nghề này vì bản tính thích tìm tòi, ưa khám phá. “Còn trẻ mà, cứ nghề gì hợp với mình và kiếm ra tiền hợp pháp là tôi làm. Sau này nhiều tuổi rồi, sức khỏe hạn chế, có muốn chọn nghề mạo hiểm cũng không được”, Tuấn giải thích.
Hiện trong đầu Tuấn lưu trữ vị trí của khoảng hơn 100 tổ ong vò vẽ. Hàng năm, cứ đến kỳ thu hoạch, có khách đặt hàng là Tuấn đi bắt về.
Nhộng ong rừng đã tách khỏi tổ và làm sạch được Tuấn bán khoảng 300.000 - 400.000 đồng/kg. Còn loại nhộng vẫn đang nằm trong tổ, Tuấn bán với giá khoảng 200.000 - 250.000 đồng/kg. “Mỗi ngày kiếm vài triệu là chuyện bình thường”, Tuấn vui vẻ khoe.
Ngoài việc săn ong rừng bán luôn cho khách, Tuấn còn săn ong rừng về nuôi. Đến cuối vụ, Tuấn bán cả tổ cho những thợ buôn ong chuyên nghiệp, mỗi tổ có khi bán được 2 - 3 triệu đồng.
Mạo hiểm trèo cây cao lấy mật ong rừng. (Ảnh: Trịnh Hoài Nam)
Theo chân Tuấn đi săn ong, tôi chứng kiến anh phải trèo lên thân cây cổ thụ cao cả trăm mét.
“Tôi phải mặc quần áo bảo hộ kín toàn thân, rất nặng và sử dụng thêm thiết bị để treo lên thân cây cao. Khi tiếp cận tổ ong rồi, muốn cướp nhộng thì phải trực tiếp phá tổ. Dù có quần áo bảo hộ, không bị ong đốt nhưng số lượng ong nhiều quá, nọc ong tiết ra cũng khiến tôi khó thở, choáng váng. Không cẩn thận mà rơi từ trên cao xuống là mất mạng”, Tuấn nói.
Cũng mạo hiểm chọn nghề săn ong như Tuấn, Trịnh Hoài Nam (sinh năm 1997 ở Hạ Hòa, Phú Thọ) tổ chức nhóm thợ khai thác hàng trăm tổ ong mật trên một cây đa cổ thụ ở bản Huổi Lướng (xã Nặm Lịch, Mường Ảng, Điện Biên). Ước tính, những tổ ong này có thể cho gần 2 tấn mật ong rừng.
Anh cho biết: “Năm ngoái trên cây có tất cả 90 tổ ong mật. Còn năm nay, vì chưa hoàn tất công việc khai thác nên chưa biết số lượng chính xác, nhưng áng chừng phải trên 130 tổ. Chúng tôi không thể đếm xuể”.
Theo anh Nam, làm tổ tại cây này là ong khoái quan, một loài ong mật mà con người chưa thể thuần phục, bắt về nuôi lấy mật giống như ong khoái thông thường. Do đó, đây là loại mật thuần tự nhiên, thơm ngon thượng hạng và tất nhiên giá cũng đắt đỏ.
Năm nay, Nam phải bỏ ra một số tiền lớn để mua toàn bộ mật tại cây này. Sản lượng thu về có thể đạt khoảng hơn 1.100 lít. Hiện, loại mật này đang được anh Nam bán lẻ trên thị trường với giá 550.000 đồng/lít.
Đeo trang sức cho... răng
Nguyễn Ngọc Anh (sinh năm 1992, ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) bắt đầu tham gia vào công việc kinh doanh kim hoàn của gia đình từ 10 năm trước, khi vẫn còn là sinh viên năm cuối trường đại học RMIT. Công việc của anh là đi giao sản phẩm trang sức cho các tiệm vàng nhỏ và làm việc với khách hàng.
Sau khoảng 5 năm gắn liền với công việc “sẵn nong sẵn né”, Ngọc Anh thấy nhàm chán, không hợp với người trẻ năng động như anh. Qua thời gian tìm tòi, nghiên cứu xu thế thị trường, anh chọn nghề chế tạo trang sức (grillz) dành cho răng, đang được giới nghệ sĩ ưa chuộng.
“Tôi bắt đầu tìm tòi, tham khảo tài liệu nước ngoài, tìm cách làm một bộ grillz hoàn chỉnh, phù hợp với khuôn răng của người châu Á. Tôi dành một năm đầu làm đi làm lại cho bạn bè, nghe góp ý của họ. Sau rất nhiều năm nghiên cứu, chỉnh sửa, tôi đã làm nên những sản phẩm hoàn hảo nhất”, Ngọc Anh kể.
Ngọc Anh tự tay gia công những chiếc grillz cho khách hàng. (Ảnh: NVCC)
Không giống như các thương hiệu ở nước ngoài chế tác những bộ grillz từ vàng và đá quý, để phù hợp với túi tiền của khách hàng Việt Nam, Ngọc Anh chế tác thêm trang sức răng bằng bạc.
Hiện, mỗi bộ trang sức răng bằng bạc có giá 4 triệu đồng, sản phẩm bằng vàng hoặc kim cương tự nhiên có giá trung bình khoảng 100 triệu đồng cho 8 chiếc hàm dưới hoặc hàm trên.
“Bộ grillz đắt nhất tôi từng làm rơi vào khoảng 200 triệu đồng cho một hàm dưới. Với cả hàm trên xung quanh, mức giá có thể lên tới 400 triệu đồng cho 16 chiếc”, anh cho biết. Thu nhập ngày càng tăng giúp Ngọc Anh đủ lực để xây dựng thương hiệu cho riêng mình và thành công trong lĩnh vực không “đụng hàng” này.
Những chiếc Grillz (trang sức răng) được làm thủ công tỉ mỉ với từng chi tiết tinh xảo. (Ảnh: NVCC)
Thiết kế thời trang cho...nhân vật siêu nhân
Đỗ Đức Mười (sinh năm 1997, quê Lào Cai) là đồng sáng lập Công ty TNHH Transform Studio, chuyên về kỹ xảo vật lý hóa trang với các hiệu ứng đặc biệt và thiết kế phục trang tại Hà Nội. Các sản phẩm của công ty chuyên phục vụ những nhân vật siêu nhân, người máy, người nhện, người sắt, khủng long trong phim hoạt hình.
Mười cho biết, ngay từ nhỏ anh đã tự chế tác những trang phục, đồ chơi và kiếm được tiền từ năm lớp 11, khi bắt đầu có đơn đặt hàng. Đến tận bây giờ, ngành này vẫn còn quá mới lạ, không phải ai cũng biết đến và càng không dám làm giàu từ đó.
“Tại Việt Nam mới chỉ du nhập văn hóa cosplay (hóa trang), còn về sản xuất đạo cụ, trang phục thì chưa hề có. Những ngày đầu, tôi phải tự tìm hiểu, mày mò, nhiều lúc khó quá muốn bỏ cuộc. Nhưng có lẽ sức trẻ, sự háo thắng của tuổi trẻ đã giúp tôi quyết tâm vượt qua”, Mười kể.
Anh Đỗ Đức Mười cùng những sản phẩm trang phục siêu nhân được Công ty Transform Studio sản xuất. (Ảnh: NVCC)
Các sản phẩm hóa trang rất kén người làm, vì mỗi trang phục được chế tác đòi hỏi sự tỉ mỉ, thủ công và cả sáng tạo, bao gồm rất nhiều chi tiết, phụ kiện, mảng màu.
Cái khó của làm đồ hóa trang cho nhân vật hoạt hình là trang phục không chỉ giống thật mà còn phải thể hiện được cái hồn, thần thái, khiến ai nhìn vào cũng biết đó là nhân vật nào.
Ngay khi là sinh viên năm thứ hai Đại học Kiến trúc, Mười đã tìm cách xoay vòng vốn, nhận trước tiền cọc của khách rồi làm gối đầu, đảm bảo sản xuất, trả lương cho nhân công cũng như mọi chi phí khác.
“Nhiều thời điểm bí tiền, tôi phải thuyết phục gia đình thế chấp nhà vay vốn khởi nghiệp. Tôi muốn chứng minh rằng, đây là ngành nghề khó nhưng vẫn có khả năng phát triển ở Việt Nam, và những người trẻ như chúng tôi hoàn toàn có thể làm được”, anh nói.
Hiện tại, mỗi bộ trang phục hóa trang có giá trung bình từ 700 đến 2.000 USD. Công ty TNHH Transform Studio ngày càng vững mạnh về tài chính. Cá nhân anh không còn phải “xoay” từng đồng vốn như trước nữa.
Với anh, cái được lớn nhất là trở thành người “có số, có má” trong lĩnh vực vô cùng “khó nhằn” này.
Theo VTCnews