Mới đây, hình ảnh về cách dạy học trò của nghệ nhân đàn tranh tên V.T, (Phước Thái, Long Thành, Đồng Nai) nhận về sự quan tâm cực lớn của dư luận. Trong ảnh, ngoài việc học trò ăn mặc gợi cảm quá đà khi thực hiện "nghi thức" tắm bùn, khoảnh khắc họ cùng thầy "ăn kem kiểu Ý" bị nhận xét gần gũi quá mức.
Đứng trước loạt ý kiến trái chiều, nghệ nhân T. khẳng định việc làm của mình hoàn toàn bình thường. Ông nói: "Nếu nhìn những hình ảnh đó mà không thấy tục, tức là 'tiên'. Và cách dạy nhạc của tôi không dành cho người 'phàm phu', chỉ hướng đến những người đã đạt đến 'cõi ngộ'. Học viên có học vị và tử tế, không màng tới thị phi".
Đặc biệt, khi vào trang Facebook có tên D.T.T. được cho là nơi phát ngôn của thầy giáo này, rất nhiều hình ảnh tương tự được để ở chế độ công khai. Trong ảnh, thầy T. và một học trò khác tiếp tục thực hiện nghi thức tắm bùn.
Theo như chia sẻ của người trong cuộc, ngoài được học về đàn, học viên sẽ trải nghiệm thêm cảm giác hòa mình vào thiên nhiên đất trời, tìm sự bình yên tâm hồn.
Vì nhận được nhiều phản hồi, hiện trang Facebook có tên D.T.T đã tạm khóa chức năng bình luận công khai.
Thầy T. cho hay, đa số các hình ảnh ông đưa lên mạng xã hội mọi người đều nhìn thấy 3 thứ: Thứ nhất là tửu (rượu), thứ hai là sắc (phụ nữ), thứ ba là cảnh nghèo khổ (hay còn gọi là "cái bang").
Ông khẳng định nếu làm điều gì "mờ ám", chắc chắn chẳng dám đưa lên mạng để bị thiên hạ bàn tán.
Nghệ nhân tiết lộ thêm, với phương pháp dạy âm nhạc này, không chỉ cá nhân ông mà cả vợ, con cũng hỗ trợ học viên rất nhiều.
Một hình ảnh được tài khoản D.T.T đăng tải công khai kèm theo dòng chú thích: "Tín vật hộ mạng. Hãy đeo sâu vào ngực với dây chỉ đen".
Trong giới đàn tranh, nghệ nhân V.T không còn là cái tên xa lạ. Những năm 1970, ông là người tổ chức ghi âm nhã nhạc cung đình Huế. Băng nhạc này, mấy chục năm sau là cơ sở để giáo sư Trần Văn Khê và các nhà nghiên cứu đệ trình lên UNESCO xin công nhận Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cho Nhã nhạc.
Bảo Anh
Theo Vietnamnet