Kịch bản ngổn ngang lẫn lộn, một số bị thất lạc. Ảnh do nghệ sĩ Hãng phim truyện cung cấp.
Mọi cam kết chỉ là trò đùa
Sáng 18/9, Ban chấp hành Hội điện ảnh Việt Nam họp để xem xét và kiến nghị lên trên về lá đơn kêu cứu của 9 nghệ sĩ thuộc Chi hội điện ảnh Hãng phim truyện Việt Nam.
Lá đơn 6 trang đề ngày 9.9 nêu rõ những bất hợp lý trong quá trình cổ phần hóa từ việc định giá trị thương hiệu của hãng bằng 0, từ việc tìm cổ đông chiến lược vẻn vẹn 10 ngày khi quảng cáo 3 kỳ lấy lệ trên một báo địa phương nên Vivaso chỉ với 32,5 tỉ đồng đã chiếm 65% tổng giá trị doanh nghiệp trở thành cổ đông chính. Trong khi ước tính giá trị đất đai và lợi thế vị thế đất đai của Hãng theo giá thị trường vào khoảng 2.000 tỉ đồng, chưa kể giá trị thương hiệu với trên 400 phim truyện từ gần 60 năm thành lập.
Khi các nghệ sĩ kiến nghị lên trên thì ngày 28.12.2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị rà soát lại quá trình cổ phần hóa hãng, đưa giá trị thương hiệu tương xứng với giá trị lịch sử truyền thống vào giá trị doanh nghiệp… Và Bộ tài chính ngày 16.3.2017 ra văn bản Dự thảo mới tuyên bố sẽ thay thế nghị định 59 có nhiều thiếu sót. Dự thảo nghị định mới sẽ tính đến giá trị đất và ưu thế sử dụng vị trí đất vào giá trị doanh nghiệp.
Lo ngại dự thảo mới có hiệu lực, Ban cổ phần Bộ VHTT&DL do Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái làm Trưởng ban đã cho phép Ban giúp việc do Giám đốc Vương Đức đứng đầu làm Đại hội cổ đông lần 1 vào 20.5.2017. Ngày 23.6.2017, Bộ ra quyết định thành lập Công ty cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam thay thế cho Công ty TNHH một thành viên Hãng phim truyện Việt Nam mà giá trị thương hiệu hãng vẫn bằng 0.
Cam kết của Vivaso có đảm bảo việc làm, tôn trọng nghề nghiệp… và đảm bảo mức lương theo quy định của nhà nước với 85 thành viên còn lại của hãng với mức lương bình quân là 4,8 triệu đồng/người/tháng cho năm 2017. Nhưng tháng đầu sau cổ phần (7.2017), lương cán bộ giữ nguyên như trước cổ phần, thấp nhất có 540 ngàn đồng. Tháng 8.2017 thì phải tuần đầu tháng 9 chỉ một số được tạm ứng lương 1 triệu, còn lại một số hoàn toàn không có lương mà không có lời giải thích nào.
Ban giám đốc của Vivaso còn sát nhập 4 phòng (biên kịch, đạo diễn, quay phim, thiết kế mỹ thuật) vào một phòng bé để dãy nhà trước đây của 4 phòng cho thuê kinh doanh. Toàn bộ số kịch bản quý giá từ khi hãng thành lập cho đến nay bị đem đi gửi ở Viện phim, kho đạo cụ và phục trang bị di dời chuyển đến kho của Vivaso. Ban lãnh đạo công ty không cho cán bộ, nhân viên bất cứ công việc mới nào mà yêu cầu anh em nghệ sĩ tự đi kiếm việc, tự trả lương còn nếu muốn họ trả lương phải đi làm đủ 8 giờ hành chính, sau khi bị phản đối họ mới bỏ quy định này với khối nghệ thuật.
Phải giữ lấy di sản điện ảnh!
“Tất cả mọi cam kết của Vivaso là dối trá và mục đích của họ chỉ là chiếm đất, nên tìm cách gây ức chế cho anh em nghệ sĩ, để anh em bỏ đi”. Đạo diễn Nguyễn Quốc Tuấn phát biểu và ông chia sẻ: “Vivaso không có tiềm lực tài chính và nhìn cách hành xử của họ với nhiều đơn vị trong Tổng công ty mà tiêu biểu như Cảng Hà Nội từ chỗ hùng mạnh với hàng trăm cán bộ, nhân viên sau cổ phần chỉ còn vẻn vẹn 5 người cho thấy điều đó”.
Nghệ sĩ Quốc Tuấn nói thêm rằng, chính lãnh đạo Vivaso nói họ chẳng hiểu gì về điện ảnh và nói anh em cứ thành lập Hội đồng thẩm định và tư vấn làm phim đi nhưng lập xong thì họ lại bác bỏ, nói mọi chuyện không được vượt quyền?!
Đạo diễn, NSƯT Vũ Xuân Hưng, chi hội phó của hãng cho rằng: Đối tác chiến lược không thực hiện đúng cam kết ký văn bản về sử dụng lao động và trả lương lao động. Tận dụng tối đa quỹ đất đai của hãng để cho thuê làm dịch vụ ăn uống, từng bước vô hiệu hóa nghệ sĩ, gợi ý chuyển nghề làm xe ôm hay bán phở.
Nhà quay phim, NSƯT Vũ Quốc Tuấn thì cho biết, anh em đã đề nghị với Ban giám đốc cho thành lập một công ty con đứng sau công ty mẹ và có một quỹ lương 6 tháng để làm phim nhưng Vivaso gạt đi, kể cả việc cho ứng tiền đặt cọc để hợp tác với các kênh truyền hình làm phim cũng bị từ chối.
Nhiều nghệ sĩ khác như đạo diễn, NSƯT Long Vân, diễn viên, NSND Minh Châu, nhà biên kịch Lê Phương, Trịnh Thanh Nhã… đều bày tỏ sự bức xúc với sự coi thường, chà đạp lên lòng tự trọng của nghệ sĩ và tìm cách xóa đi trong ký ức người dân về một Hãng phim truyện Việt Nam với bề dày truyền thống gần 60 năm.
Các nghệ sĩ điện ảnh không mong muốn gì hơn là Chính phủ và các cơ quan chức năng, rà soát lại việc cổ phần hóa của Hãng theo chỉ đạo của Thủ tướng, kịp thời thay đổi, đưa giá trị thương hiệu và giá trị đất đai vào giá trị doanh nghiệp, để tài sản Nhà nước không bị thất thoát và để nghệ sĩ được tiếp tục cống hiến, được làm phim.
Như một trò đùa
Nếu xem lại lá thư ngỏ của ông Thủy Nguyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị gửi anh em nghệ sĩ Hãng tháng 5.2016 với những lời lẽ ca ngợi, tôn vinh Hãng và các tác phẩm điện ảnh là một di sản văn hóa quý giá, rất đáng trân trọng, muốn giữ gìn truyền thống, uy tín thương hiệu của hãng và cam kết cho hãng vay vốn, tìm đối tác, nâng cấp, cải tạo nhà xưởng… rồi đối chiếu với thực tế đang diễn ra tại Hãng thì tất cả chỉ là một trò đùa!
Nhà thơ, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó chủ tịch Hội điện ảnh Việt Nam cho rằng: Nguyên nhân sâu xa nằm ở khâu cổ phần hóa không minh bạch khi ban chỉ đạo cổ phần hóa không có lãnh đạo Cục điện ảnh ngồi vào, đại diện Hãng chỉ có một mình Giám đốc Vương Đức mà bỏ qua 2 NSND, 2 Phó giám đốc giỏi nghề và tâm huyết là Thanh Vân và Lý Thái Dũng… Bà Ngát cũng cho rằng Vivaso đã không quan tâm tới điện ảnh, không biết phát huy nguồn thu của hãng từ việc cho thuê máy quay, trang bị kỹ thuật, đạo cụ, phục trang và xưởng dựng phim, hòa âm...
Theo Lao động