Sự phát triển của internet và các trang nghe nhạc đã thay đổi cách đo lường sự hiệu quả của một ca khúc. Trước đây, lượng album, CD bán ra được dùng để kết luận thành công của một sản phẩm, thì nay, dư luận chú trọng hơn tới số liệu trên các trang nghe nhạc trực tuyến, mạng xã hội.
Đó là một kỷ nguyên mới và rất khác biệt, với sự ra đời của hàng loạt hệ thống bảng xếp hạng như Melon, Bugs, Mnet, Genie Music…
Hệ lụy là những nghi án gian lận
Sự phát triển của các trang nghe nhạc đã thay đổi thói quen của người tiêu dùng cũng như cách họ lắng nghe và bày tỏ sự ủng hộ một cách đáng kể. Lượt nghe trực tuyến, tải xuống càng lớn càng chứng tỏ sự yêu thích của dư luận với một nghệ sĩ, bài hát.
Bởi thế, nhiều cộng đồng fan đã tranh thủ thời gian ban đêm, khi công chúng nghỉ ngơi để “tấn công” các trang nghe nhạc nhằm cố giữ thần tượng của họ ở thứ hạng cao.
Hình thức này cũng dẫn tới một hệ lụy, chính là nghệ sĩ bị cuốn vào vòng xoáy "sajaegi" - một thuật ngữ phổ biến tại Hàn Quốc mô tả việc "gian lận" trong lĩnh vực âm nhạc. Đôi khi, các công ty, hoặc thậm chí chính ca sĩ tự mua album của mình để tăng doanh số. Đây là hành động bất hợp pháp, có thể bị điều tra nhưng có dấu hiệu ngày càng tăng ở Hàn Quốc.
Laboum từng bị nghi ngờ gian lận khi bán ra 28.000 album chỉ trong 1 ngày - ngang ngửa những nhóm nhạc hàng đầu.
Năm 2017, album Miss This Kiss của nhóm nhạc nữ Laboum giành vị trí số 1 trên Hanteo - một bảng xếp hạng theo dõi doanh số album - ngay sau khi phát hành. Tổng cộng có 28.000 bản được bán ra chỉ một ngày. Đó không phải con số không thể xảy ra ở Kpop, nhưng nó gây ngạc nhiên với trường hợp ít danh tiếng như Laboum.
Album trước đó của họ, phát hành vào 2016 chỉ bán được 3.000 bản trong một ngày. Thật khó để tin lượng người hâm mộ đã tăng gần gấp 10 lần trong vòng một năm.
Trước và sau đó, hàng loạt tranh cãi sajaegi đã gây chấn động Kpop, chẳng hạn trường hợp của Brave Girls và Rainbow năm 2011; Teen Top năm 2012; B1A4 năm 2014; Oh My Girl năm 2016; hay gần đây nhất là Momoland năm 2018.
Cuộc chiến trực tuyến
Bây giờ, số lần một bài hát được nghe trực tuyến quan trọng không kém doanh số album, do đó, tranh cãi sajaegi phát sinh không chỉ với album mà cả mảng nhạc số.
Năm 2018, bài hát có tựa đề Pass By của Nilo - một tân binh trong ngành và không được biết đến nhiều - chiếm vị trí số 1 trên nhiều trang nghe nhạc, tranh cãi bắt đầu dấy lên. Dư luận nghi ngờ Nilo gian lận, đặc biệt, trước anh, nghệ sĩ khác cùng công ty Limez Entertainment vướng tranh cãi tương tự.
Shaun bất ngờ trở thành chủ đề bàn tán khi ca khúc của anh vươn lên hạng cao trên BXH.
Trong khi đó, Shaun từ gương mặt ít người biết tới cũng trở nên nổi tiếng sau khi Way Back Home do anh thể hiện đứng đầu Melon. Nam ca sĩ vô danh thậm chí đánh bại Dance The Night Away của Twice và Idol của BTS.
Đứng trước nghi ngờ của dư luận, Shaun khẳng định anh vô tội, thậm chí đâm đơn kiện những ai tung tin đồn sai lệch về việc anh thao túng các bảng xếp hạng. Sau đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc vào cuộc nhưng chưa đưa ra kết luận.
Trò chơi thiếu công bằng?
Vào ngày 18/7/2018, sau những tranh cãi xung quanh Shaun, Park Jin Young, người đứng đầu JYP Entertainment, viết trên Instagram: “Sau khi nói chuyện với các công ty khác trong ngành, chúng tôi quyết định yêu cầu một cuộc điều tra về vấn đề này”.
Một ca sĩ, nhà sản xuất âm nhạc và là người đứng đầu một công ty giải trí cũng đồng ý với JYP. Người này đăng trên Twitter: “Đang có vấn đề tồn tại trên các bảng xếp hạng”.
Mặc dù rất khó để kết luận về độ đáng tin của các bảng xếp hạng âm nhạc trực tuyến nhưng nhiều chuyên gia cho rằng cần một hệ thống mới, cho phép nghệ sĩ cạnh tranh công bằng.
Momoland là một trong những nhóm từng bị tố gian lận.
Nhà phê bình âm nhạc nổi tiếng Mimyo cho biết: “Những gì đang diễn ra trong ngành công nghiệp âm nhạc nên được coi là sự lạm dụng. Người hâm mộ trên mạng đang lạm dụng hệ thống phát trực tuyến và các công ty giải trí cũng như dịch vụ phát trực tuyến khuyến khích điều đó xảy ra”.
“Ngay bây giờ, một người có thể sở hữu và chạy nhiều tài khoản, nghĩa là các dịch vụ phát trực tuyến để mặc, nhìn mọi thứ diễn ra. Tuy nhiên, khi tranh cãi dấy lên, họ chỉ đổ lỗi cho người hâm mộ. Họ để người hâm mộ cạnh tranh với nhau trên bảng xếp hạng, và họ không có ý định ngăn chặn tình hình hiện tại. Nhưng nếu họ để điều này tiếp diễn, thì chỉ có uy tín của họ bị giảm sút trong thời gian dài”
Nhà phê bình âm nhạc Kim Zakka đồng ý: “Các bảng xếp hạng âm nhạc được cho là thể hiện xu hướng chung của cộng đồng, nhưng bây giờ tất cả đều trở nên vô nghĩa”.
Theo Zing