Liên quan đến báo cáo của Phòng Giáo dục Q. Thủ Đức về việc bé bị té ngã không phải “bị xâm hại”, Luật sư Nguyễn Văn Đức cho rằng: "Đây là kết luận quá vội vàng của Phòng giáo dục. Việc bé bị xâm hại hay không, phải có kết quả pháp y, kết luận trả lời của cơ quan công an".

Còn chị Huệ (mẹ của bé) cho hay, ngay khi xảy ra sự việc, tối 14/2 chị đã gọi 2 lần cho cô Hà (chủ nhiệm lớp của bé) nhưng không được. Sau đó chị đã gọi điện báo sự việc cho cô Giang (bảo mẫu của bé). Trong cuộc nói chuyện, cô Giang không hề nói bé bị té.

Trong buổi sáng hôm sau 15/2, khi chị cùng công an đưa con về lại trường, cô bảo mẫu cũng không hề nói bé bị té.

"Hơn 11h cùng ngày, bé nói chú Đông làm bé đau. Trong lúc tôi đang đứng suy nghĩ thì bé lên bục giảng với cô bảo mẫu và các bạn.

Ít phút sau đó, bé nói với công an là bé bị té. Điều tôi nghi vấn là tại sao cô bảo mẫu (Giang) nói không hề té, sáng cũng không hề té và giờ lại nói là bị té”, chị Huệ đặt câu hỏi.

Chị Huệ thông tin thêm, "tại buổi làm việc bữa đó, cô bảo mẫu có nói với tôi, tôi có biết con tôi bị bệnh tâm lý hay không, bị bệnh tự sướng hay không?

Tôi ngã ngửa, bất ngờ. Tại sao cô nói vậy, con tôi không bị vấn đề tâm lý, tôi bận nhưng ngày nào tôi cũng trò ​chuyện cùng con. Nếu bé bị tâm lý thì ít nhất một lần ở nhà tôi cũng phải bắt gặp, trong khi đó việc quan hệ của vợ chồng tôi kín đáo, điện thoại tôi cài mật khẩu và an toàn cho con trẻ. Tôi khẳng định là không".

Còn theo luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư bảo vệ trẻ em TP.HCM: "Đứng ở góc độ luật sư, tôi không đồng tình về kết luận bé bị té. Bé Thanh học lớp 1/8 bán trú.  Việc bé bị vết thương như vậy, máu me ra như vậy, nhà trường phải có trách nhiệm đưa lên phòng y tế, lên bệnh viện".

"Tại sao nhà trường không đưa bé đi khám và chỉ biết sự việc khi được gia đình nạn nhân trình báo”, luật sư Nữ đặt ra câu hỏi.

Về phía LS Đức, ông có thêm ý kiến: "Khi tôi tiếp xúc với mẹ bé Thanh, quá trình tiếp nhận, xử lý thông tin, tụi tôi cũng hết sức cân nhắc. Gia đình đã làm việc với pháp y và chốt lại, pháp y đã có kết quả. Tuy nhiên, gia đình liên lạc cơ quan chức năng (Công an Q. Thủ Đức) nhưng họ nói chưa nhận được kết quả".
Luật sư Nguyễn Văn Đức (áo trắng, bảo vệ quyền lợi của bé Thanh) nói: "Phòng giáo dục Q. Thủ Đức kết luận bé không bị xâm hại là quá vội vàng"

 

Luật sư Nguyễn Văn Đức (áo trắng, bảo vệ quyền lợi của bé Thanh) nói: "Phòng giáo dục Q. Thủ Đức kết luận bé không bị xâm hại là quá vội vàng"


Camera bị mất điện đúng lúc nghi bé bị xâm hại?

Về vấn đề camera bị mất dữ liệu, chị Huệ tường thuật chi tiết 3 lần gặp với Công an. Ngày 15/2/2017 (tức 1 ngày sau khi xảy ra sự việc), chị Huệ đã đi cùng Đội Cảnh sát điều tra trật tự xã hội Công an Q. Thủ Đức và đội Công an phường Bình Thọ cùng vào xem xét lại camera ghi hình vào ngày xảy ra sự việc tại phòng làm việc của thầy hiệu trưởng. Lúc kiểm tra, chị và công an phát hiện camera (số 4) đặt ở vị trí nghi con chị bị xâm hại bị mất dữ liệu đúng vào thời điểm xảy ra vụ việc, từ 11h18’ đến 12h22’ ngày 14/2/2017.

“Đây là một sự trùng hợp ngẫu nhiên hay đã có người cố tình can thiệp, xóa dữ liệu để ém nhẹm sự việc? Mỗi lần con kể là một lần lòng tôi như dao cứa. Gần một tháng qua con tôi bị đau đớn cả tinh thần lẫn thể xác vì cháu phải điều trị vết thương nhiễm trùng vùng kín. Đêm ngủ bé hay giật mình la hét, hoảng sợ", người mẹ nói.

Sau đó, chị Huệ cũng có làm việc với một cán bộ Công an Q. Thủ Đức yêu cầu làm rõ vụ việc camera bị mất dữ liệu và  tại sao bị mất.

Người cán bộ công an này nói, sẽ làm việc với hiệu trưởng rồi thông báo kết quả bằng văn bản cho chị.

Tuy nhiên sau đó, chị Huệ và gia đình đã đợi khá lâu mà không thấy Công an trả lời. Chị đã tiếp tục yêu cầu vị cán bộ Công an Q. Thủ Đức kia trả lời về sự việc. Phía công an vẫn nói sẽ yêu cầu hiệu trưởng trường trả lời bằng văn bản.

"Đến ngày 8/3, tôi lên Công an Q. Thủ Đức hỏi về kết quả camera và kết luận giám định pháp y của con gái tôi. Tại đây, Công an Q. Thủ Đức nói chưa nhận được kết quả giám định pháp y" - chị Huệ cho biết thêm.

Về camera, vị hiệu trường đã trả lời bằng văn bản cho Công an Q. Thủ Đức. Theo lời kể của chị Huệ, Công an Q. Thủ Đức đã nói, hiệu trưởng trường L.T.V khẳng định vụ việc camera số 4 tự dưng mất dữ liệu thời gian mà chị tố cáo là do cô lao công dọn phòng cắt cầu dao tổng. Cầu dao tổng chỉ kết nối camera số 4 nên khoảng thời gian đó mất.

“Đã trả lời bằng văn bản, có ghi văn bản họ tên người lao công đó, anh đó khẳng định có ghi rõ họ tên, anh không đưa tôi coi văn bản đó”, chị Huệ nói.

Luật sư Đức đề nghị Công an Q. Thủ Đức, Công an Tp.HCM sớm điều tra làm rõ sự việc.

Về vấn đề camera, luật sư Đức đề nghị Bộ Công an vào cuộc, thời điểm xảy ra sự việc, có hay không có việc xóa camera.

“Để càng lâu​, dấu vết liên quan đến dấu hiệu phạm tội mờ dần”, vị luật sư trăn trở.

 

Theo Infonet