​Nghi phạm Tẩn Láo Lở bị dẫn giải thực nghiệm tại hiện trường.

Gặp nghi phạm cướp đi sinh mạng của 4 người trong một gia đình tại thôn Phìn Ngan (xã Trịnh Tường, Bát Xát, Lào Cai), trong buổi thực nghiệm hiện trường (6/9), Tẩn Láo Lở đập vào mắt tôi với dáng vẻ gầy đen, rắn chắc như con thú rừng. Tóc Lở rậm hơn so với tấm ảnh cơ quan điều tra phát lệnh thông báo truy bắt. Những chiếc răng của Lở hơi dài. Đối tượng luôn tỏ thái độ bình thản, thậm chí còn cười tươi.

Sau khi bị bắt giữ, thông tin từ Ban chuyên án cho hay, quá trình bỏ trốn trong rừng, Tẩn Láo Lở dường như không quen với cuộc sống tách biệt xã hội con người. Cho dù tâm lý của Lở khá ổn định so với những tên tội phạm khác nhưng Lở thèm được nghe giọng nói của con người. Vì lẽ đó, Lở thường xuyên gọi điện thoại cho cơ quan công an để nói chuyện và những người trong thôn bản ai có số điện thoại mà Lở biết thì anh ta đều gọi điện để nói chuyện.

Theo cán bộ điều tra, “một lần, Lở dùng điện thoại gọi cho trưởng thôn bên cạnh và Lở xưng là Trưởng thôn Phìn Ngan và đề nghị vị Trưởng thôn bên nếu thấy thằng Lở thì ông phải báo ngay cho tôi phối hợp bắt giữ”.

Thẻ sim và điện thoại di động Tẩn Láo Lở thường xuyên gọi điện thoại "tung hoả mù" cho ban chuyên án.

Chưa hết: “Lở gọi điện cho lực lượng 113, xin số điện thoại Trực ban Công an huyện Bát Xát, sau đó Lở lấy được số điện thoại của lãnh đạo Công an huyện, nói rằng mình tên là Kiên, đang ở gần chỗ Lở và đề nghị lực lượng Công an đến bắt giữ. Nhận được tin tức về Lở, các chiến sĩ trinh sát tức tốc lên đến địa điểm theo chỉ dẫn của người xưng tên là Kiên đó, nhưng khi đến nơi không thấy bóng dáng Lở đâu. Các chiến sĩ trinh sát lại tiếp tục vào thôn có người tên Kiên để xác minh thì lúc này “khổ chủ” đang làm ruộng”.

Biết Lở nhiều lần dùng điện thoại gọi điện cho cơ quan điều tra và rất nhiều người khác. Chúng tôi thắc mắc, ở trong rừng sâu sóng điện thoại thì kém, mạng 3G gần như không có, không có điện để sạc pin điện thoại, thì Lở làm cách nào để thường xuyên có điện thoại, thẻ sim...dùng liên lạc?

Một cán bộ trong Ban chuyên án cho biết, tại một số điểm trong rừng vẫn có sóng điện thoại, bắt được mạng 3G, Lở thuộc những vị trí này như trong lòng bàn tay. Ngay sau ngày gây án, Lở lẩn trốn vào rừng và xem báo qua điện thoại thấy mình đang bị phát lệnh bắt giữ. Đối tượng tỏ ra rất bực tức gọi điện thoại đến một lãnh đạo công an huyện Bát Xát và nói giọng đầy thách thức: “Tôi làm gì mà các ông truy bắt tôi?”.

Trở lại việc làm cách nào để Lở sạc pin điện thoại vì thôn Phìn Ngan không có điện lưới, hang Lở ẩn nấp cũng không hề có điện? Câu hỏi của chúng tôi đã được Tẩn Láo Lở giải đáp.

Lởchỉ tay về các con suối nhỏ và nói rằng, rừng núi Bát Xát vô cùng hiểm trở nhưng rất nhiều suối và lúc nào cũng ăm ắp nước. Người Dao chúng em mua máy phát điện loại nhỏ đặt xuống suối để lấy điện thắp sáng.

Dây điện Tẩn Láo Lở tự chế để sạc pin điện thoại tại những máy phát điện của người dân thôn Phìn Ngan.

Biết là điện có ở máy phát, mặc dù chưa học hết lớp 1, nhưng Lở tự chế một thiết bị nạp điện thoại, đêm đến như con thú rừng mò xuống suối uống ánh trăng, Lở quan sát thấy bốn bề yên tĩnh thì anh ta lần xuống suối, đấu hai đầu dây điện của cái sạc tự chế vào dây dẫn điện của máy phát. Chờ hơn tiếng đồng hồ là điện thoại đầy pin.

Khi đi trốn, Lở mang theo rất nhiều sim, thẻ nhớ điện thoại. Anh ta không mấy khi dùng điện thoại của mình mà Lở chuyên dùng điện thoại ăn trộm điện thoại của người trong thôn.

Gần 2 tuần trong hang đá, Lở tự chế cả một đường nước suốt ngày đêm chảy vào hang. Để nấu ăn, Lở dùng ba viên đá xếp thành một cái kiềng. Đối tượng làm một cái giàn bên trên bếp để hong củi, tre phòng ngày mưa không có củi nấu cơm. Dù sống trong rừng nhưng khi bị bắt, quần áo anh ta rất sạch sẽ vì Lở mang theo nhiều nước giặt, dầu gội đầu.

Theo cơ quan điều tra, những ngày trong nhà tạm giam, tinh thần của Lở khá ổn định và khai báo thành khẩn.

Còn nữa!

Theo Dân trí