Những người yêu sử sách chắc đã từng nghe câu "Từ nương bán lão, phong vận do tồn". Câu này dùng để chỉ những người phụ nữ tuy đã có tuổi thế nhưng tư sắc vẫn không sa sút, dáng vóc vẫn yểu điệu thướt tha. Thế nhưng, rất ít người biết rằng, phía sau câu nói này, là cả một câu chuyện dài, mang rất nhiều màu sắc kể về một vương phi hoang dâm vô độ. Nàng là Từ Chiêu Bội, một mỹ nhân phong hoa tuyệt đại nhưng vì bản tính lẳng lơ, không chịu được tịch mịch, cuối cùng lưu lại ô danh.
Theo tìm hiểu, năm 517, Lương Nguyên Đế Tiêu Dịch, vị vua thứ ba của nhà Lương thời Nam Bắc Triều trong lịch sử Trung Quốc đã cưới Từ Chiêu Bội, cháu nội của Từ Hiếu Tự, tể tướng triều đình.
Từ Chiêu Bội trở thành chính thất vương phi của Tương Đông vương Tiêu Dịch vào tết năm 518. Từ lúc đó bà mang tước hiệu Tương Đông vương phi.
Kỳ lạ thay, vào ngày Từ Chiêu Bội bước lên kiệu hoa, đến Tây Châu đột nhiên trời nổi cơn mưa bão lớn. Khắp nơi nhà cửa đổ sập, cây lớn gãy đầy đường. Chỉ trong chốc lát tuyết lớn phủ trắng xóa mặt đất. Từ Chiêu Bội linh cảm đây là điểm gở cho cuộc hôn nhân của mình. Chẳng ngờ, linh cảm này lại ứng nghiệm.
Lại nói về Lương Nguyên Đế Tiêu Dịch, chàng là người thông tuệ tri thức lại am hiểu thi ca, thư pháp, hiềm một nỗi tướng mạo không bằng người, có một bên mắt bị hỏng. Từ Chiêu Bội vốn nổi tiếng là đại mỹ nhân sắc nước hương trời, vẻ đẹp của nàng rực rỡ, chói mắt.
Đêm tân hôn, Từ Chiêu Bội đối mặt với Tiêu Dịch, lòng thầm chán ghét. Sau đó, đại mỹ nhân này lại không hề biết điều, luôn vô lễ với chồng, dẫn đến tình cảm của hai người rất cạn. Kết hôn hai, ba năm, Tiêu Dịch mới chịu đến tẩm cung của Từ Chiêu Bội ngủ lại vài lần. Thế nhưng, mỗi lần Tiêu Dịch đến, Từ Chiêu Bội lại cố ý chỉ trang điểm một nửa mặt để chế nhạo, châm chọc bên mắt hỏng của chồng, khiến Tiêu Dịch vô cùng tức giận.
Bên cạnh việc thường xuyên đùa cợt chồng, Từ Chiêu Bội còn là mỹ nhân nghiện rượu. Thậm chí, nàng có mấy lần uống say đến nỗi nôn mửa lên long bào của Tiêu Dịch, khiến Tiêu Dịch càng ngày càng chán ghét, lạnh nhạt.
Bị chồng ghét bỏ, không đoái hoài, dần dần đại mỹ nhân họ Từ cảm thấy vô cùng trống vắng, muốn tìm tình nhân an ủi. Nghĩ là làm, Từ Chiêu Bội dùng nhan sắc lộng lẫy của mình, dễ dàng quyến rũ một hòa thượng tên Trí Viễn ở hậu đường Kinh Châu. Sau đó, vì không thỏa mãn, Từ Chiêu Bội lại chuyển mục tiêu, lần này là mỹ nam tử thân tín với Tiêu Dịch tên Ký Quý Giang.
Ký Quý Giang lúc đó từng đi khoe khoang: "Từ nương tuy đã có tuổi nhưng vẫn phong lưu, đa tình lắm".
Chưa dừng lại, Từ Chiêu Bội tiếp tục "chấm" thêm một thi nhân tên Hạ Huy. Sử ghi lại, vừa nhìn thấy thi nhân tuấn lãng như ngọc, mỹ nhân họ Từ đã động lòng, tìm cách bố trí gặp mặt. Sau đó hai người dùng một am ni cô làm chốn hẹn hò, Chiêu Bội còn tặng gối thêu chỉ vàng cho tình nhân.
Biết chuyện, Tiêu Dịch vô cùng phẫn nộ, cũng không thể chấp nhận người vợ lăng loàn, hoang dâm. Thế nhưng vì vương phi Từ Chiêu Bội sinh cho Tiêu Dịch một con trai tài giỏi là Tiêu Phương Đẳng, Tiêu Dịch tạm thời nhường nhịn.
Đến khi Tiêu Phương Đẳng chết trận, Tiêu Dịch lập tức ép Từ Chiêu Bội tự sát. Sau khi vương phi qua đời, Tiêu Dịch đem thi thể của nàng trả về Từ Gia, cấm mọi người khóc tang cho nàng. Đến khi đăng cơ lên ngôi đế. Tiêu Dịch vẫn không chịu truy phong thụy hiệu hoàng hậu cho Từ Chiêu Bội. Có thể thấy, trong lòng vị hoàng đế nhà Lương, đại mỹ nhân họ Từ bị chán ghét đến tận xương tủy.
Theo Dân Việt