Nhắc đến một loại thực phẩm rẻ tiền và lành mạnh nhất với các gia đình, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến trứng gà nhưng sự thật là món ăn này lại được xếp trong danh sách những thực phẩm dễ gây ngộ độc nhất do CDC Hoa Kỳ bình chọn.

Vào cuối tháng 7/2020, một gia đình 4 người sống tại Thành Đô, Tứ Xuyên, Trung Quốc cũng từng là nạn nhân của việc ăn trứng gà sai cách.

Chị Pu (một trong những thành viên của gia đình trên) kể lại rằng, ngày hôm đó, cả gia đình chị cùng nhau ăn tối với món trứng bắc thảo. Sau khi ăn, lần lượt các thành viên trong gia đình chị xuất hiện dấu hiệu buồn nôn, tiêu chảy và sốt...

Ngộ độc nặng sau khi ăn trứng gà, cảnh báo cách ăn trứng nguy hiểm-1
Trứng gà tuy bổ dưỡng nhưng có thể gây ngộ độc nếu ăn sai cách

Tình trạng sức khỏe của cả nhà ngày một nghiêm trọng hơn, may mắn là họ được người thân đưa đến một bệnh viện tại Thành Đô để cấp cứu. Bác sĩ chẩn đoán cả gia đình 4 người của chị bị ngộ độc Salmonella do ăn trứng bắc thảo nhiễm khuẩn Salmonella.

Trứng bắc thảo còn được gọi với tên khác là trứng bách thảo. Đây là một món ăn nổi tiếng có nguồn gốc Trung Hoa, người ta thường làm món này từ trứng cút và trứng gà. Còn ở Việt Nam, món trứng này được làm từ trứng vịt, ủ trong một hỗn hợp từ đất sét, tro, muối, vôi, và trấu... trong nhiều tuần lễ, hay nhiều tháng.

Đây là một món ăn có màu sắc đẹp mắt và lạ miệng nên thường được nhiều người yêu thích, tuy nhiên món trứng bắc thảo khi được bảo quản lâu ngày, quá trình chế biến không vệ sinh có thể nhiễm vi khuẩn Salmonella.

Trước đó vào tháng 5/2020, tờ QQ của Trung Quốc cũng từng đăng tải trường hợp của gia đình họ Trương bị nôn mửa, tiêu chảy và hôn mê sâu sau khi ăn trứng. Nhưng các quả trứng của họ mới mua về, làm sao có thể bị hỏng?

Cuối cùng, người vợ trong gia đình tiết lộ cô thường có thói quen rửa trứng sống bằng nước sạch trước khi cho vào tủ lạnh. Điều này đã vô tình làm hỏng lớp màng mỏng trên vỏ trứng, khiến cho vi khuẩn như Salmonella xâm nhập vào bên trong và dễ gây ngộ độc cho người ăn.

Vi khuẩn Salmonella nguy hiểm như thế nào?

Salmonella phân bố rộng rãi trong tự nhiên, nhưng đặc biệt dễ tìm trong trứng, thịt, gia cầm và sữa... Điều đáng sợ hơn nữa là thực phẩm sau khi nhiễm vi khuẩn Salmonella thì không thể phân biệt được bằng mắt thường.

Ngộ độc nặng sau khi ăn trứng gà, cảnh báo cách ăn trứng nguy hiểm-2
Salmonella phân bố rộng rãi trong tự nhiên, nhưng đặc biệt dễ tìm trong trứng, thịt, gia cầm và sữa...

Salmonella có khả năng sinh sản rất mạnh, có thể sinh sản với số lượng lớn ở nhiệt độ trên 20 độ C. Ngay cả khi được bảo quản trong tủ lạnh, chúng vẫn có thể sống được từ 3-4 tháng.

Sau khi vi khuẩn Salmonella nhân lên trong thực phẩm và đạt đến một số lượng nhất định, nó sẽ sinh ra độc tố, lâu dần sẽ dẫn đến ngộ độc thực phẩm.

Theo thống kê, trên thế giới mỗi năm có khoảng 100 triệu người bị nhiễm vi khuẩn Salmonella, mặc dù hầu hết mọi người có thể được chữa khỏi nhưng cũng có khoảng 100.000 người tử vong.

Ăn trứng, cần ghi nhớ những lưu ý này để phòng tránh ngộ độc

1. Rửa vỏ trứng cẩn thận trước khi dùng

Với trứng gà bắc thảo hay trứng gà thông thường, trước khi bóc vỏ, tốt nhất nên rửa bằng nước sạch, hoặc tráng qua nước sôi để không mang theo các chất bẩn bám trên vỏ.

2. Làm chín trứng trước khi ăn

Trứng lòng đào thường mềm mại và béo ngậy, được rất nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, bạn cần hạn chế ăn loại trứng này vì cơ thể khó hấp thụ chất dinh dưỡng từ trứng luộc lòng đào hơn trứng luộc chín hoàn toàn.

Theo CDC Hoa Kỳ: Những quả trứng có bề ngoài bình thường vẫn có thể chứa một loại vi trùng gọi là Salmonella.

Ăn những quả trứng chưa được nấu chín hoàn toàn có thể khiến chúng ta nhiễm vi khuẩn Salmonella, gây nhiễm trùng, khó tiêu, thậm chí gây ngộ độc thực phẩm hoặc đe dọa tính mạng.

Ngộ độc nặng sau khi ăn trứng gà, cảnh báo cách ăn trứng nguy hiểm-3

3. Không ăn trứng để qua đêm

CDC Hoa Kỳ cảnh báo, ngay cả khi vỏ trứng trông sạch sẽ, không bị vỡ thì chúng vẫn có nguy cơ chứa vi khuẩn gây ngộ độc nghiêm trọng - Salmonella.

Tổ chức này khuyến cáo mọi người nên ăn trứng ngay sau khi nấu, không giữ trứng hoặc thực phẩm làm bằng trứng ở nhiệt độ phòng trong hơn 2 giờ hoặc 1 giờ nếu nhiệt độ phòng là 32 độ C hoặc nóng hơn.

4. Không rửa trứng trước khi cho vào tủ lạnh

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), trên vỏ trứng sống có một lớp màng nhỏ bao bọc làm cho trứng bóng bẩy và có cảm giác trơn láng.

Lớp màng này có tác dụng đóng các lỗ thông khí của trứng lại để ngăn ngừa bụi bẩn, vi khuẩn ở môi trường bên ngoài xâm nhập vào lòng trứng, chỉ duy nhất oxy được phép lọt vào.

USDA khuyên mọi người không nên rửa trứng để giữ lại lớp màng giúp bảo quản được lâu hơn. Khi cất trứng, bạn cũng không nên để trứng chung với những thứ chứa nhiều tinh dầu như gừng, hành, ớt…

Các chuyên gia cho biết chỉ nên dùng trứng trong vòng 30 ngày kể từ lúc mua, nếu để lâu sẽ mất chất dinh dưỡng.

Theo Trí thức trẻ