Nhận biết nội tạng có bệnh thông qua vị của nước bọt buổi sáng
Sau một đêm ngủ dài, cơ thể thực hiện rất nhiều các công đoạn bài tiết và trao đổi chất, loại bỏ các độc tố, tiếp nhận dinh dưỡng và sửa chữa những sai sót. Sau khi tỉnh dậy, nếu soi gương bạn sẽ thấy, tóc bóng dầu hoặc bết gàu, da nhờn hoặc khô hơn, mặt tái sạm, miệng có vị lạ và hơi thở có mùi.
Nhân cơ hội này, Đông y mách bạn một cách đơn giản để tự khám bệnh cho mình, đó chính là cảm nhận những mùi vị khác nhau của nước bọt sau khi ngủ dậy. Đây là một trong những dấu hiệu cảnh báo bệnh khá chính xác, bạn chớ nên bỏ qua.
Bài viết của nhóm các chuyên gia Trung Quốc đăng trên Tạp chí Dưỡng sinh (TQ).
1. Miệng có vị đắng: Hãy coi chừng viêm gan, sỏi mật
Sau khi ngủ dậy, nếu nước bọt của bạn có vị đắng, hoặc nước tiểu màu vàng đặc, cần xem xét đến khả năng gan bị nóng dẫn đến viêm.
Nếu miệng đắng kèm theo dấu hiệu một bên sườn phải bị sưng phù to hơn, kèm theo dấu hiệu có cảm giác lạ sau khi ăn nhiều thực phẩm chứa dầu mỡ, thì nên kiểm tra xem bạn có bị sỏi mật hay không.
2. Miệng có vị ngọt: Bệnh tiểu đường đang hình thành
Khi ngủ dậy mà trong miệng có cảm giác ngọt, thì chính là biểu hiện của lá lách bị tích nhiệt. Dấu hiệu này nhắc nhở bạn rằng hãy khẩn trương ăn thêm rau xanh, hạn chế ngay việc ăn quá nhiều thịt và thực phẩm chứa dầu mỡ.
Đồng thời, bạn nên khẩn trương tăng cường tập thể dục, giảm thức khuya. Nếu hiện tượng miệng ngọt kéo dài kèm theo khát nước và đi tiểu nhiều, bạn hãy cẩn thận với bệnh tiểu đường.
3. Miệng có vị mặn: Có thể thận đã có vấn đề nghiêm trọng
Khi ngủ dậy nuốt nước bọt mà trong miệng có vị mặn thì khả năng lớn là dấu hiệu của thận bị suy nhược. Nếu kèm theo hiện tượng đi tiểu nhiều hơn, vùng lưng và eo đau mỏi, sợ lạnh, mệt mỏi và các triệu chứng bất thường khác, thì hãy khẩn trương đi khám thận.
4. Miệng có vị chua: Dạ dày khó tiêu, hệ tiêu hóa gặp rắc rối
Khi ngủ dậy cảm thấy trong miệng bị chua, là dấu hiệu mách bạn rằng gan và dạ dày đang có những bất thường, gan đang bị tăng khí.
Lúc này, cơ thể bạn sẽ có dấu hiệu mệt mỏi, tinh thần sa sút, khẩu vị ăn uống kém hoặc không muốn ăn. Khi các dấu hiệu tiêu hóa gặp vấn đề, bạn cần chú ý dưỡng lá lách và giải độc, chăm sóc gan càng sớm càng tốt.
5. Nhạt miệng: Có thể bị cảm lạnh, lá lách hư yếu
Khái niệm miệng nhạt ở đây được hiểu là bạn ăn bất kỳ món gì cũng không cảm nhận được hương vị chính xác của nó, đều cảm thấy không ngon. Ngoài việc bạn phải kiểm tra xem có bị cảm hay không, còn phải nghĩ đến việc lá lách đang bị hư tổn.
Nếu đang ở triệu chứng nhạt miệng mức độ nhẹ, bạn có thể nấu canh hoặc cháo khoai mỡ (củ từ), đậu bát, đậu trắng để bổ sung dinh dưỡng cho lá lách, giúp cải thiện tình trạng bệnh nhanh chóng.
Nếu cảm giác nhạt miệng kéo dài, thì nên đi khám để kiểm tra chức năng nội tạng liên quan.
6. Miệng tanh: Phổi có thể đang bị nóng
Sau khi ngủ dậy mà trong miệng của bạn có mùi tanh, thì hãy nhớ rằng đây là một trong những dấu hiệu của bệnh phổi bốc hỏa, nóng trong.
Nếu đúng là miệng tanh, bạn nên tranh thủ ăn một ít lá diếp cá, hoa bách hợp, quả sơn trà, lê, hạt hạnh nhân với một lượng phù hợp để cải thiện tình hình, giảm thiểu tình trạng nóng phổi. Lựa chọn thực phẩm làm mát phổi là việc đầu tiên. Sau đó nếu nặng hơn thì nên xin tư vấn bác sĩ.
Theo Trí thức trẻ