Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho biết từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 80.555 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), 24 trường hợp tử vong.

Trong đó số trường hợp nhập viện là 69.085 trường hợp. So với cùng kỳ năm 2016 (51.742/17) số mắc tăng 33,5%, số tử vong tăng 5 trường hợp. Số mắc tập trung chủ yếu ở phía Nam. Riêng tại miền Bắc, một số tỉnh tăng là Hà Nội, Nam Định...

Người bệnh bị sốt xuất huyết có nên xông hơi, cạo gió?-1
Cạo gió khi bị sốt xuất huyết sẽ làm tăng sự xuất huyết dưới da.

Chăm sóc người bị SXH thế nào?

Hiện tại, SXH chưa có vaccine và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên việc chăm sóc đúng cách cho người bị sốt xuất huyết vô cùng quan trọng.

-  Người bệnh bị SXH nên ăn các món ăn mềm, dễ tiêu như cháo, súp, không nên ăn đồ ăn quá nóng; bù nước rất quan trọng, uống nước Oresol, nước đun sôi để nguội, sữa, nước trái cây từ 1-2,5 lít/ngày tùy độ tuổi.

- Người bệnh nên vệ sinh sạch sẽ, không nên tắm nước quá lạnh hoặc quá nóng.

- Hạn chế vận động, đi lại nhẹ nhàng để tránh bị xuất huyết nội tạng.

- Thuốc hạ sốt an toàn nhất cho bệnh nhân SXH là Paracetamol dạng đơn độc, liều dùng tùy theo lứa tuổi.

- Việc dùng kháng sinh với bệnh nhân SXH là điều hoàn toàn không cần thiết. Dùng kháng sinh không đúng cách ở bệnh nhân SXH thậm chí có thể làm tăng độc tính trên gan, thận, gây ảnh hưởng tiêu cực tới tình trạng người bệnh.

- Không nên cạo gió cho bệnh nhân theo phương pháp dân gian vì cạo gió dùng lực và dầu nóng làm tổn thương cơ và giãn mạch sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân.

Liên quan đến việc cạo gió, xông hơi cho người bệnh bị SXH, ThS. BS Nguyễn Nguyên Huyền, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW, cho biết cạo gió, xông hơi là phương pháp truyền thống thường sử dụng cho người bệnh bị cảm cúm. Phương pháp này có thể có hiệu quả với bệnh nhân bị cúm hoặc cảm thông thường.

Tuy nhiên khi bị SXH, bệnh nhân sẽ bị yếu thành mạch và giảm tiểu cầu. Do vậy, nếu người bệnh được cạo gió thì sẽ làm tăng sự xuất huyết dưới da, các thành mạch sẽ bị vỡ và tiểu cầu giảm, bệnh nhân bị chảy máu dưới da rất nhiều. Vì vậy, khi bị SXH, người bệnh không được cạo gió.

Với phương pháp xông hơi, ThS. BS Nguyễn Nguyên Huyền cũng khuyến cáo người bệnh không nên sử dụng phương pháp này, bởi không những không có tác dụng gì với bệnh sốt xuất huyết mà còn làm giãn mạch, chảy máu mũi.

Những người đã mắc bệnh SXH vẫn không được chủ quan

Ngoài ra, bệnh nhân khi mắc bệnh SXH tránh tự ý điều trị tại nhà, cần tránh hai loại thuốc hạ sốt là Aspirin và Ibuprofen vì có khả năng gây xuất huyết trầm trọng hơn.

Ngoài ra, những người đã mắc bệnh SXH trước đây thì không được chủ quan. Do bệnh SXH gồm có 4 tuýp virus, những người đã mắc 1 trong 4 tuýp bệnh thì sẽ có khả năng miễn dịch suốt đời đối với tuýp đó nhưng lại không có miễn dịch chéo với những tuýp còn lại.

Do đó, trường hợp bệnh nhân đã nhiễm 1 tuýp virus còn nhiễm tuýp bệnh khác có nhiều khả năng bệnh sẽ diễn biến nặng hơn.

Các bác sĩ cũng lưu ý từ ngày thứ 4 đến ngày 6 của bệnh, khi bệnh nhân đã hạ sốt, thường mọi người sẽ chủ quan nhưng đây lại là thời điểm nguy hiểm dễ xảy ra biến chứng sốc, đó là tình trạng giảm tiểu cầu máu gây xuất huyết như chảy máu cam, chảy máu chân răng, thậm chí xuất huyết trong nội tạng rất nguy hiểm. Nếu để tình trạng sốc kéo dài có thể gây suy đa phủ tạng, dễ dẫn đến tử vong

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết tính đến ngày 11/8, Bộ đã cấp gần 11.000 lít hóa chất diệt muỗi; 3.250 bộ trang phục phòng, chống dịch; 500 hộp hóa chất diệt ấu trùng và 160 bộ dụng cụ điều tra côn trùng cho các địa phương trong phòng, chống dịch bệnh SXH.

Cục Y tế dự phòng cũng đã thành lập ba đội chống dịch cơ động ứng phó với dịch bệnh SXH để kịp thời hỗ trợ các địa phương khi cần thiết...

Theo dự báo, thời gian tới dịch bệnh SXH tiếp tục diễn biến phức tạp, do vậy Bộ Y tế tiếp tục yêu cầu ngành y tế các địa phương giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, nhất là xác định các điểm nóng, khu vực có nguy cơ bùng phát dịch để xử lý triệt để.

Thí điểm các biện pháp mới trong phòng, chống sốt xuất huyết như phun tồn lưu, phun mù nóng; khôi phục hoạt động của mạng lưới cộng tác viên.

Phối hợp chặt chẽ các ngành xây dựng; tài nguyên và môi trường, giáo dục và đào tạo và chủ đầu tư các công trình xây dựng có trách nhiệm kiểm tra, xử lý các ổ đọng nước tại các công trình công cộng, công trường xây dựng.

Huy động giáo viên, học sinh, sinh viên các trường tham gia tích cực vào chiến dịch diệt muỗi, diệt bọ gậy tại gia đình, ký túc xá, nhà trọ, nhất là trong dịp tựu trường sắp tới.

Theo Sức khỏe đời sống