Nối tiếp câu chuyện kể về những ông bố đơn thân tại chương trình Là vợ phải thế số mới đây, hoàn cảnh của kỹ sư Trình Quốc Tuấn và con gái nhỏ Ủn nhận được sự quan tâm lớn. Tại đây, người đàn ông xứ Nghệ đã có những chia sẻ xúc động về hành trình "gà trống nuôi con".


Chia sẻ của người cha đơn thân 2 năm xin sữa nuôi con.

Năm 2012, anh Tuấn kết hôn cùng chị Nguyễn Thị Phượng (SN 1985, Thanh Hóa) sau 3 năm tìm hiểu. Không lâu sau đó, cặp đôi hạnh phúc đón con gái đầu lòng chào đời. Tuy nhiên, tận hưởng niềm vui chưa được bao lâu, chàng kỹ sư trẻ đối mặt với nỗi đau mất vợ. Chị Phượng bị xuất huyết tử cung sau 10 ngày sinh bé Ủn.

"Hôm đó tôi đi công tác ở Bình Dương. Điện thoại để chế độ yên lặng, nên không biết có hơn 20 cuộc gọi nhỡ báo tin vợ đang cấp cứu. Khi biết tin, tôi vội vã trở về thành phố nhưng bác sĩ cho biết mọi thứ đã quá muộn. Đó cũng là lần cuối cùng bé Ủn được bú dòng sữa ngọt ngào của mẹ.

Sự ra đi của vợ khiến tôi gục ngã. Buổi sáng hôm đó tôi chỉ rời khỏi thành phố thôi. Vậy mà khi quay trở lại tôi đã mất vợ. Thậm chí chúng tôi còn không kịp nói với nhau lời cuối".


Chân dung về người cha đơn thân cùng câu chuyện xin sữa nuôi con gây xôn xao.

Trước nỗi mất mát lớn, anh Tuấn càng hiểu rằng vai trò của một người cha. Suốt 2 năm, chàng kỹ sư 33 tuổi phải lặn lội xin sữa cho con bởi cứ đưa sữa công thức vào miệng là bé lại khóc đẩy ra. Anh tâm sự, có lần phải chạy xe hơn 20 km trong đêm mưa gió để xin sữa. Một mình nuôi con vất vả, song người đàn ông xứ Nghệ vẫn luôn cảm thấy hạnh phúc vì có Ủn bên cạnh.

"Những khi lên chùa viếng thăm hương hồn vợ, tôi nhận ra rằng mình phải đứng dậy để sống. Tôi nguyện làm tất cả mọi việc vì một mục đích duy nhất là thay vợ chăm sóc con. Bà nội từng đòi đưa Ủn về quê nuôi dạy nhưng tôi nhất quyết không chấp nhận. Dù vẫn biết bé sẽ được chăm sóc tốt hơn nhưng con sẽ sống thiếu tình thương của ba. Bé đã mất mẹ rồi nên tôi không thể để con sống xa mình.


Anh Tuấn luôn dành thời gian vui chơi, chăm sóc con gái.

Thời gian đầu nuôi con khá vất vả. Ngày nắng cũng như ngày mưa, tôi đi từ quận này sang quận khác để cậy nhờ nguồn sữa của những bà mẹ hảo tâm. Có lần tôi phải chạy hơn 20 km mới có thể lấy được sữa về. Ủn bú rất nhanh, tôi còn phải huy động bạn bè, đăng tải thông tin tìm nguồn sữa mẹ trên các trang mạng xã hội.

Lúc đầu không biết cách hâm sữa, dỗ dành con khóc,... tôi đã lên các diễn đàn nhờ mọi người chỉ cách, lâu dần cũng thành quen. Không biết cách vệ sinh, tắm rửa cho con, tôi nhờ người bạn đến nhà làm mẫu rồi ghi nhớ.


Anh Tuấn bên con gái nhỏ.

Khi bé Ủn sốt, tôi thường không dùng thuốc ngay mà cứ 15 phút lấy khăn ướt lau người cho con. Nếu sốt siêu vi , thường từ 3 đến 7 ngày sẽ tự hết. Chỉ khi sốt trên 39 độ C tôi mới đưa con đến bệnh viện để khám. Dù bận rộn đến mấy tôi cũng dành thời gian cho con ra ngoài tiếp xúc với thiên nhiên.

Tôi không biết gọi tên những tháng ngày qua là hạnh phúc hay bất hạnh, nhưng ít ra cuộc đời đã không lấy đi của tôi tất cả. Tôi vẫn còn Ủn để nhớ thương. Tôi phải cảm ơn con gái rất nhiều vì đã níu kéo và là nguồn động lực để tôi không bị gục ngã giữa cuộc đời", anh Tuấn tâm sự.


Bé Ủn nay đã lớn và ngày càng ra dáng.

Trình Quốc Tuấn (SN 1984) đến từ huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, hiện tại đang sống tại TP HCM. Năm 2006, anh từng gây chú ý khi trở thành nhà vô địch trong cuộc thi Robocon Châu Á - Thái Bình Dương. Kỹ sư họ Trình cũng chính là chủ nhân cuốn tự truyện lấy nước mắt nhiều người về hành trình nuôi con mang tên Ba muốn nuôi con bằng sữa mẹ.


Tâm Diệu
Theo Vietnamnet