Với nhiều người chuyển giới, tình yêu đôi khi chỉ là một cảm xúc đầy bế tắc và tuyệt vọng.
Khi người yêu đi lấy vợ
Mở cửa tiếp chúng tôi là một người phụ nữ áo hồng, quần đen bằng lụa, nụ cười hiền xuất hiện trên khuôn mặt vẫn còn vương lại nét vuông vức của đàn ông. Căn phòng chị dùng để tiếp khách ấm cúng, trên bàn thờ là một bức ảnh Phật toả hào quang, tiếng tụng kinh vang lên đều đều từ chiếc đầu đĩa. Dường như chị đang tìm cho mình những giây phút tĩnh tâm từ tôn giáo. Trong không gian ấy chị kể cho chúng tôi nghe những mẩu chuyện tình đầy nước mắt và trắc trở của chị.
"Ở Hà Nội này không ai cặp bằng chị", chị vừa đon đả rót nước vừa khoe, "Năm năm, bảy năm, mười năm, ghen tuông khóc lóc đủ kiểu", chị cười to. "Chị là chị yêu trai xịn chứ chị không yêu người cùng giới đâu (người đồng tính?). Yêu người cùng giới thì được lâu hơn, yêu trai thẳng là người ta đi lấy vợ. Cậu đang ở với chị chuẩn bị đi lấy vợ đấy". Chị liếc mắt chỉ lên tầng trên, nói về người yêu hiện đang ở cùng nhà với mình. "Chị nói với cậu là cuộc tình của chị với cậu là cuộc tình cuối cùng", chị thở dài và cười buồn bã, "Cặp với trai khổ lắm, lo cho người ta từ ăn mặc cho đến công việc, sợ người ta đi với gái, sợ người ta bỏ, sợ nhiều thứ lắm. Người ta ở với chị thì chị phải chăm người ta. Sáng một bát phở, một cốc café, nấu cơm trưa, nấu cơm chiều… Đấy là người ta còn không đi làm, người ta đi làm mình còn phải đưa cho người ta năm chục, một trăm…", chị lại cười buồn.
"Mối tình nào của chị cũng sâu đậm", chị lại khoe. "Đã đến với người ta là yêu rồi, mà đã yêu là yêu sâu đậm. Cũng may là chị có tiền, chị buôn bán cũng dư dả được đồng ra đồng vào. Chị thích tình, nó thích tiền, trên đời không có ai cho không cái gì", chị chua chát triết lý.
Nhiều người chuyển giới từ nam sang nữ như chị Thái, khi đã là phụ nữ, họ chỉ chấp nhận yêu những người đàn ông "thẳng" (người dị tính), chứ không chấp nhận yêu những người đồng tính hay song tính. Chị Thái còn bông đùa: "Chị là phụ nữ, chị phải cặp với trai xịn. Chị coi các em khác như chị em thì làm sao cặp được". Đây cũng chính là điểm khác biệt giữa người đồng tính và người chuyển giới, người đồng tính yêu người cùng giới với mình và không mong muốn chuyển giới, còn người chuyển giới thì yêu người dị tính, mối quan hệ tình cảm đó giống như mối quan hệ nam - nữ.
"Nhiều người đến với chị, sau này có vợ có con. Lấy vợ chị cho tiền, đẻ con chị cho tiền, con đầy tháng chị cho tiền. Nhưng mà lúc ở với nhau mà nếu có bạn gái thì chết với chị, chị ghen chị rình đánh cho chết", chị Thái bật cười. "Chị đã ở với ai chị phải ở ít nhất 2-3 năm. Chị có nhà cửa riêng nên cũng có điều kiện. Ngày xưa có cậu ở với chị tận 7 năm", chị tâm tình, giọng nói tràn đầy niềm vui khi hồi tưởng lại quá khứ.
Dường như sự khát khao tình cảm đã khiến nhiều người chuyển giới sẵn sàng đánh đổi để có được tình cảm của người mình yêu, và khi đã yêu thì họ chung thuỷ và ghen tuông khủng khiếp. Bởi họ trân trọng thứ tình cảm mà họ rất khó có thể nắm giữ được. Vì khát khao tình cảm mà có người ngậm ngùi chia sớt tình cảm của người đàn ông mình yêu với vợ của họ, chị Thái là một người như thế.
"Chị ở với cậu này được 4 năm rồi. Trước cậu yêu cô này, biết chị ghen nên nghe điện thoại cứ lén lén lút lút, không dám nói với chị. Bạn gái cậu ấy cũng sợ chị. Chị nói có bạn gái cũng được, tôi cũng mong L. (tên người yêu chị Thái) có bạn gái, chọn lấy một người tử tế mà yêu. Tôi chấp nhận cho L. Nếu có bạn gái L. dành cho tôi mấy phần? Nó bảo 6 phần, nó cứ nói như thế cho mình thích. Mình thích tình cảm lắm".
Chị kể như muốn trút hết những tình cảm chất chứa trong lòng mình. "Rồi 3 hôm trước nó lên nó bảo bạn gái có chửa rồi. Chị cũng ghen nhưng mà ghen để làm gì? Mình phải biết mình là ai. Chị chấp nhận cho nó cưới, chị cho tiền, 10 triệu, hôm trước nó lên chị mua cho quần áo giày dép hết 4 triệu". "Bây giờ chị vẫn quý cậu ấy, thôi cứ lấy vợ, có gì khó khăn cứ qua đây, lấy vợ không có tiền tháng lên đây tôi cho tiền mà tiêu pha lặt vặt, chứ đừng ngửa tay xin vợ, tôi không thích. Chị bảo cậu ấy thế".
Nghe chị kể hết cuộc tình này đến cuộc tình khác đều ra đi trong nước mắt khi người yêu đi lấy vợ mà chúng tôi xót xa. Dường như tạo hoá đã bất công với một người phụ nữ giỏi giang, chân thành, chung thuỷ và yêu cuồng nhiệt như vậy, cuộc sống đã không cho chị hy vọng ở tình yêu. Chị biết những người đàn ông đến trong cuộc đời mình rồi đều sẽ ra đi, nên chị tuyệt không dám hy vọng vào một gia đình, vào một hạnh phúc như bao người khác. Chỉ vì chị là người chuyển giới.
"Những người như chị là khổ lắm, không sướng đâu. Chị đến với ai là không ruồng rẫy người ta đâu, chị nặng về tình cảm lắm". Chị dốc hết những tâm sự trong lòng, "Chị ở nhà một mình buồn lắm, đi suốt ngày, lang thang. Có thổi cơm mấy đâu, thỉnh thoảng chị mới thổi thôi". Chị thở dài. Rồi mắt chị chợt sáng lên vui vẻ khi đọc tin nhắn trong điện thoại.
"Cả tháng nó không lên, nhưng một chiều chỉ cần một tin nhắn như thế này thôi, chị chỉ cần thế thôi. Mai nó lên rồi, sáng mai nó lên thì thổi cơm…", ánh mắt chị nhìn xa xăm.
Anh ấy như một hoàng tử trong đời chị
Cũng có những cuộc tình buồn và trắc trở như chị Thái, nhưng với Ánh Phong - một người chuyển giới xinh đẹp thì những cuộc tình của chị dường như bớt giông tố hơn. Tuy vậy chị vẫn có những tâm sự lo lắng, hoang mang và dường như là bế tắc trong con đường tìm kiếm một tình yêu của mình.
"Chị rất sợ", Ánh Phong thổ lộ, "Bây giờ những người chuyển giới sống vô tư thì sẽ rất vui, hạnh phúc vì đã tìm lại được con người thật của mình. Nhưng với chị, là người sống nội tâm hơn thì chị sợ. Chị sợ nếu mình gặp người xấu thì mình thiệt thân, còn không biết trong cuộc sống thì mình có gặp được ai yêu thương mình thật lòng không, hay là xã hội, hay là tất cả những người đàn ông biết mình là người chuyển giới thì sẽ không bao giờ yêu mình. Chị vừa sợ, hoang mang, lo lắng cho sau này. Chị cũng tủi thân nữa, vì người con gái có bạn trai còn mình không có bạn trai đó cũng là một cái tủi rồi".
Nhiều người chuyển giới cũng có nỗi e ngại như Ánh Phong, với vẻ ngoài nữ tính nhiều người chuyển giới có thể tìm được người yêu mình, nhưng khi biết được sự thật về người chuyển giới, liệu thái độ và phản ứng của họ sẽ ra sao? Ánh Phong đã có nhiều trải nghiệm về chuyện như vậy. Chị và nhiều người chuyển giới khác đã chọn cách thu mình lại.
"Cũng có một số người nếu người ta không biết, người ta theo chị. Khi mình nói ra rồi thì có anh bảo là xem em như em gái thôi, có một số người họ cũng muốn quan hệ thử, nhưng mình đâu có phải loại gái ấy? Mình quen với người nào đó thì chị cũng nói luôn để người ta khỏi bị sốc sau này, cho tình cảm không sâu đậm, cho nó đỡ… khổ chị hơn. Coi như chị khép mình lại", Ánh Phong tâm sự.
"Trước khi chuyển giới chị có để ý một anh ở Hà Tây (cũ). Có lẽ là suốt cả cuộc đời này chị không thể quên anh ấy. Hai người có lúc chỉ ngồi bên cạnh nhau, cầm tay nhau 24/24 tiếng. Tối ngày hôm ấy rồi tối hôm sau anh ấy về. Không làm gì hết. Anh ấy rất tôn trọng chị. Lúc đó anh ấy chưa biết chị là người chuyển giới. Mà chị không cho làm "chuyện đó" thì ảnh càng tôn trọng mình, chị càng cảm thấy có lỗi và yêu người ta hơn.
Trước khi chị đi (chuyển giới) chị có nói với người ta, không dám gọi điện thoại mà nhắn tin thôi. Anh ấy biết rồi anh ấy cũng không nói gì hết. Bây giờ hai đứa không nói chuyện với nhau nữa. Anh ấy như một hoàng tử, xuất hiện trong cuộc đời của chị, rồi anh ấy tan biến. Đấy là một vết đau nhất trong lòng của chị", Ánh Phong bồi hồi kể về người mình yêu thương với một giọng trìu mến pha lẫn nuối tiếc, xót xa.
Bế tắc trong hành trình tìm kiếm tình yêu như vậy, nhưng nếu giả sử tìm được một người yêu mình thật sự thì những người chuyển giới lại đối mặt với những sự băn khoăn, day dứt khác. Ánh Phong trải lòng: "Mà nếu cái người đấy thương chị thì đến lúc chị lại thương người ta. Chị không muốn làm người ta khổ. Vì người ta lấy mình rồi thiệt thòi cho người ta quá, chị lại muốn rút lui. Khổ lắm em à. Mệt lắm".
Chị sẽ làm một người vợ hiền, dâu thảo
Dù có nhiều trăn trở, đau khổ và tưởng chừng tuyệt vọng trong tình yêu, thế nhưng những người chuyển giới vẫn không thôi khát khao, mong ước về một tình yêu trọn vẹn mà cái kết của nó là một gia đình hạnh phúc. Như chị Thái chỉ mong mỗi chiều một tin nhắn, mỗi ngày được nấu cho người yêu ăn. Còn Ánh Phong lại muốn trở thành một người vợ tốt. Nếu như xã hội cởi mở hơn, luật pháp công nhận những quyền lợi của người chuyển giới, cho phép người chuyển giới thay đổi giấy tờ. Giáo dục có những bài học đúng đắn và tích cực về người chuyển giới. Thì có lẽ mỗi người chuyển giới sẽ có thể tìm được hạnh phúc cho riêng mình.
"Cái lúc này nó cô đơn quá, buồn bã quá, em hiểu không? Thật sự mình muốn có một bờ vai nhưng là người ta hiểu mình thật sự, đến với mình thật sự, bằng tấm lòng. Mình muốn ôm người ta, muốn dựa vào bờ vai người ta. Nhưng chị lại nghĩ tương lai về sau, nếu mình lấy người ta thì mình sẽ làm khổ người ta. Rồi không biết có người nào chấp nhận mình hay không. Nó buồn tủi quá em ạ. Dù trong lòng rất muốn người ta theo cả cuộc đời của mình, nhưng thấy như mình làm hại người ta. Nhưng nếu người ta thương mình thật lòng thì mình rất may mắn và hạnh phúc, và chị sẽ làm cho người ta hạnh phúc".
"Chị sẽ làm một người vợ hiền, một người con dâu hiếu thảo", Ánh Phong cười rạng rỡ, tinh nghịch bông đùa.
* Tên nhân vật đã được thay đổi.
Khi người yêu đi lấy vợ
Mở cửa tiếp chúng tôi là một người phụ nữ áo hồng, quần đen bằng lụa, nụ cười hiền xuất hiện trên khuôn mặt vẫn còn vương lại nét vuông vức của đàn ông. Căn phòng chị dùng để tiếp khách ấm cúng, trên bàn thờ là một bức ảnh Phật toả hào quang, tiếng tụng kinh vang lên đều đều từ chiếc đầu đĩa. Dường như chị đang tìm cho mình những giây phút tĩnh tâm từ tôn giáo. Trong không gian ấy chị kể cho chúng tôi nghe những mẩu chuyện tình đầy nước mắt và trắc trở của chị.
"Ở Hà Nội này không ai cặp bằng chị", chị vừa đon đả rót nước vừa khoe, "Năm năm, bảy năm, mười năm, ghen tuông khóc lóc đủ kiểu", chị cười to. "Chị là chị yêu trai xịn chứ chị không yêu người cùng giới đâu (người đồng tính?). Yêu người cùng giới thì được lâu hơn, yêu trai thẳng là người ta đi lấy vợ. Cậu đang ở với chị chuẩn bị đi lấy vợ đấy". Chị liếc mắt chỉ lên tầng trên, nói về người yêu hiện đang ở cùng nhà với mình. "Chị nói với cậu là cuộc tình của chị với cậu là cuộc tình cuối cùng", chị thở dài và cười buồn bã, "Cặp với trai khổ lắm, lo cho người ta từ ăn mặc cho đến công việc, sợ người ta đi với gái, sợ người ta bỏ, sợ nhiều thứ lắm. Người ta ở với chị thì chị phải chăm người ta. Sáng một bát phở, một cốc café, nấu cơm trưa, nấu cơm chiều… Đấy là người ta còn không đi làm, người ta đi làm mình còn phải đưa cho người ta năm chục, một trăm…", chị lại cười buồn.
Nhiều người chuyển giới từ nam sang nữ như chị Thái, khi đã là phụ nữ, họ chỉ chấp nhận yêu những người đàn ông "thẳng" (người dị tính), chứ không chấp nhận yêu những người đồng tính hay song tính. Chị Thái còn bông đùa: "Chị là phụ nữ, chị phải cặp với trai xịn. Chị coi các em khác như chị em thì làm sao cặp được". Đây cũng chính là điểm khác biệt giữa người đồng tính và người chuyển giới, người đồng tính yêu người cùng giới với mình và không mong muốn chuyển giới, còn người chuyển giới thì yêu người dị tính, mối quan hệ tình cảm đó giống như mối quan hệ nam - nữ.
"Nhiều người đến với chị, sau này có vợ có con. Lấy vợ chị cho tiền, đẻ con chị cho tiền, con đầy tháng chị cho tiền. Nhưng mà lúc ở với nhau mà nếu có bạn gái thì chết với chị, chị ghen chị rình đánh cho chết", chị Thái bật cười. "Chị đã ở với ai chị phải ở ít nhất 2-3 năm. Chị có nhà cửa riêng nên cũng có điều kiện. Ngày xưa có cậu ở với chị tận 7 năm", chị tâm tình, giọng nói tràn đầy niềm vui khi hồi tưởng lại quá khứ.
Dường như sự khát khao tình cảm đã khiến nhiều người chuyển giới sẵn sàng đánh đổi để có được tình cảm của người mình yêu, và khi đã yêu thì họ chung thuỷ và ghen tuông khủng khiếp. Bởi họ trân trọng thứ tình cảm mà họ rất khó có thể nắm giữ được. Vì khát khao tình cảm mà có người ngậm ngùi chia sớt tình cảm của người đàn ông mình yêu với vợ của họ, chị Thái là một người như thế.
"Chị ở với cậu này được 4 năm rồi. Trước cậu yêu cô này, biết chị ghen nên nghe điện thoại cứ lén lén lút lút, không dám nói với chị. Bạn gái cậu ấy cũng sợ chị. Chị nói có bạn gái cũng được, tôi cũng mong L. (tên người yêu chị Thái) có bạn gái, chọn lấy một người tử tế mà yêu. Tôi chấp nhận cho L. Nếu có bạn gái L. dành cho tôi mấy phần? Nó bảo 6 phần, nó cứ nói như thế cho mình thích. Mình thích tình cảm lắm".
Chị kể như muốn trút hết những tình cảm chất chứa trong lòng mình. "Rồi 3 hôm trước nó lên nó bảo bạn gái có chửa rồi. Chị cũng ghen nhưng mà ghen để làm gì? Mình phải biết mình là ai. Chị chấp nhận cho nó cưới, chị cho tiền, 10 triệu, hôm trước nó lên chị mua cho quần áo giày dép hết 4 triệu". "Bây giờ chị vẫn quý cậu ấy, thôi cứ lấy vợ, có gì khó khăn cứ qua đây, lấy vợ không có tiền tháng lên đây tôi cho tiền mà tiêu pha lặt vặt, chứ đừng ngửa tay xin vợ, tôi không thích. Chị bảo cậu ấy thế".
Nghe chị kể hết cuộc tình này đến cuộc tình khác đều ra đi trong nước mắt khi người yêu đi lấy vợ mà chúng tôi xót xa. Dường như tạo hoá đã bất công với một người phụ nữ giỏi giang, chân thành, chung thuỷ và yêu cuồng nhiệt như vậy, cuộc sống đã không cho chị hy vọng ở tình yêu. Chị biết những người đàn ông đến trong cuộc đời mình rồi đều sẽ ra đi, nên chị tuyệt không dám hy vọng vào một gia đình, vào một hạnh phúc như bao người khác. Chỉ vì chị là người chuyển giới.
"Những người như chị là khổ lắm, không sướng đâu. Chị đến với ai là không ruồng rẫy người ta đâu, chị nặng về tình cảm lắm". Chị dốc hết những tâm sự trong lòng, "Chị ở nhà một mình buồn lắm, đi suốt ngày, lang thang. Có thổi cơm mấy đâu, thỉnh thoảng chị mới thổi thôi". Chị thở dài. Rồi mắt chị chợt sáng lên vui vẻ khi đọc tin nhắn trong điện thoại.
"Cả tháng nó không lên, nhưng một chiều chỉ cần một tin nhắn như thế này thôi, chị chỉ cần thế thôi. Mai nó lên rồi, sáng mai nó lên thì thổi cơm…", ánh mắt chị nhìn xa xăm.
Anh ấy như một hoàng tử trong đời chị
Cũng có những cuộc tình buồn và trắc trở như chị Thái, nhưng với Ánh Phong - một người chuyển giới xinh đẹp thì những cuộc tình của chị dường như bớt giông tố hơn. Tuy vậy chị vẫn có những tâm sự lo lắng, hoang mang và dường như là bế tắc trong con đường tìm kiếm một tình yêu của mình.
"Chị rất sợ", Ánh Phong thổ lộ, "Bây giờ những người chuyển giới sống vô tư thì sẽ rất vui, hạnh phúc vì đã tìm lại được con người thật của mình. Nhưng với chị, là người sống nội tâm hơn thì chị sợ. Chị sợ nếu mình gặp người xấu thì mình thiệt thân, còn không biết trong cuộc sống thì mình có gặp được ai yêu thương mình thật lòng không, hay là xã hội, hay là tất cả những người đàn ông biết mình là người chuyển giới thì sẽ không bao giờ yêu mình. Chị vừa sợ, hoang mang, lo lắng cho sau này. Chị cũng tủi thân nữa, vì người con gái có bạn trai còn mình không có bạn trai đó cũng là một cái tủi rồi".
Nhiều người chuyển giới cũng có nỗi e ngại như Ánh Phong, với vẻ ngoài nữ tính nhiều người chuyển giới có thể tìm được người yêu mình, nhưng khi biết được sự thật về người chuyển giới, liệu thái độ và phản ứng của họ sẽ ra sao? Ánh Phong đã có nhiều trải nghiệm về chuyện như vậy. Chị và nhiều người chuyển giới khác đã chọn cách thu mình lại.
"Cũng có một số người nếu người ta không biết, người ta theo chị. Khi mình nói ra rồi thì có anh bảo là xem em như em gái thôi, có một số người họ cũng muốn quan hệ thử, nhưng mình đâu có phải loại gái ấy? Mình quen với người nào đó thì chị cũng nói luôn để người ta khỏi bị sốc sau này, cho tình cảm không sâu đậm, cho nó đỡ… khổ chị hơn. Coi như chị khép mình lại", Ánh Phong tâm sự.
"Trước khi chuyển giới chị có để ý một anh ở Hà Tây (cũ). Có lẽ là suốt cả cuộc đời này chị không thể quên anh ấy. Hai người có lúc chỉ ngồi bên cạnh nhau, cầm tay nhau 24/24 tiếng. Tối ngày hôm ấy rồi tối hôm sau anh ấy về. Không làm gì hết. Anh ấy rất tôn trọng chị. Lúc đó anh ấy chưa biết chị là người chuyển giới. Mà chị không cho làm "chuyện đó" thì ảnh càng tôn trọng mình, chị càng cảm thấy có lỗi và yêu người ta hơn.
Trước khi chị đi (chuyển giới) chị có nói với người ta, không dám gọi điện thoại mà nhắn tin thôi. Anh ấy biết rồi anh ấy cũng không nói gì hết. Bây giờ hai đứa không nói chuyện với nhau nữa. Anh ấy như một hoàng tử, xuất hiện trong cuộc đời của chị, rồi anh ấy tan biến. Đấy là một vết đau nhất trong lòng của chị", Ánh Phong bồi hồi kể về người mình yêu thương với một giọng trìu mến pha lẫn nuối tiếc, xót xa.
Bế tắc trong hành trình tìm kiếm tình yêu như vậy, nhưng nếu giả sử tìm được một người yêu mình thật sự thì những người chuyển giới lại đối mặt với những sự băn khoăn, day dứt khác. Ánh Phong trải lòng: "Mà nếu cái người đấy thương chị thì đến lúc chị lại thương người ta. Chị không muốn làm người ta khổ. Vì người ta lấy mình rồi thiệt thòi cho người ta quá, chị lại muốn rút lui. Khổ lắm em à. Mệt lắm".
Chị sẽ làm một người vợ hiền, dâu thảo
Dù có nhiều trăn trở, đau khổ và tưởng chừng tuyệt vọng trong tình yêu, thế nhưng những người chuyển giới vẫn không thôi khát khao, mong ước về một tình yêu trọn vẹn mà cái kết của nó là một gia đình hạnh phúc. Như chị Thái chỉ mong mỗi chiều một tin nhắn, mỗi ngày được nấu cho người yêu ăn. Còn Ánh Phong lại muốn trở thành một người vợ tốt. Nếu như xã hội cởi mở hơn, luật pháp công nhận những quyền lợi của người chuyển giới, cho phép người chuyển giới thay đổi giấy tờ. Giáo dục có những bài học đúng đắn và tích cực về người chuyển giới. Thì có lẽ mỗi người chuyển giới sẽ có thể tìm được hạnh phúc cho riêng mình.
"Cái lúc này nó cô đơn quá, buồn bã quá, em hiểu không? Thật sự mình muốn có một bờ vai nhưng là người ta hiểu mình thật sự, đến với mình thật sự, bằng tấm lòng. Mình muốn ôm người ta, muốn dựa vào bờ vai người ta. Nhưng chị lại nghĩ tương lai về sau, nếu mình lấy người ta thì mình sẽ làm khổ người ta. Rồi không biết có người nào chấp nhận mình hay không. Nó buồn tủi quá em ạ. Dù trong lòng rất muốn người ta theo cả cuộc đời của mình, nhưng thấy như mình làm hại người ta. Nhưng nếu người ta thương mình thật lòng thì mình rất may mắn và hạnh phúc, và chị sẽ làm cho người ta hạnh phúc".
"Chị sẽ làm một người vợ hiền, một người con dâu hiếu thảo", Ánh Phong cười rạng rỡ, tinh nghịch bông đùa.
* Tên nhân vật đã được thay đổi.
Theo Vietnamnet