Theo China Times, một người đàn ông 56 tuổi gần đây bị đau thắt lưng đột ngột, kèm theo các triệu chứng như đi tiểu liên tục, nước tiểu màu vàng, lượng nước tiểu ít nên đã đến khoa thận để điều trị.
Các bác sĩ phát hiện chức năng thận của bệnh nhân bất thường, ống thận tổn thương kết hợp với viêm thận, có sỏi oxalat.
Điều này khiến người bệnh bất ngờ khi tháng 2 năm nay, kết quả xét nghiệm chức năng thận của ông vẫn bình thường.
Bác sĩ xác định nguyên nhân người đàn ông mắc bệnh liên quan đến thói quen ăn ớt cả 3 bữa mỗi ngày kéo dài.
Ăn nhiều ớt không tốt cho một số cơ quan nội tạng. Ảnh: Ban Mai
Theo Healthline, ớt chứa nhiều vitamin C, nếu dùng lượng vừa phải sẽ tăng cường miễn dịch, tốt cho mắt, da. Các chất chống oxy hóa trong ớt chống lại căng thẳng oxy hóa và bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh mạn tính như ung thư, tiểu đường.
Tuy nhiên, theo Science Direct, nếu ăn ớt với lượng lớn thường xuyên, sỏi oxalat sẽ lắng đọng, gây tổn thương thận, thậm chí làm tăng nguy cơ suy thận cấp.
Các nhà khoa học của Đại học Liên bang Sao Paulo (Brazil) khuyến cáo bổ sung 1 hoặc 2g vitamin C mỗi ngày có thể làm tăng đáng kể oxalat trong nước tiểu, nguy cơ kết tinh canxi oxalat.
Do đó, những bệnh nhân có tiền sử bị sỏi thận không nên dùng lượng vitamin C vượt quá lượng khuyến cáo hằng ngày.
Ăn quá nhiều ớt còn gây kích ứng niêm mạc dạ dày, dẫn đến khó chịu, trào ngược axit hoặc thậm chí viêm dạ dày đối với những người nhạy cảm.
Các trường hợp bị hội chứng ruột kích thích hoặc loét dạ dày cần thận trọng khi ăn thực phẩm cay. Một số người bị tăng nhịp tim, đỏ mặt, buồn nôn, nôn, rối loạn tiêu hóa.
Bác sĩ cũng chỉ ra mọi người cũng không nên uống trà đặc trong thời gian dài. Trà chứa caffeine và tannin kết hợp với sắt trong cơ thể thành chất không hòa tan, nguy cơ gây sỏi thận và tổn thương chức năng thận.
Triệu chứng của sỏi thận
Sỏi thận, hay còn gọi là sỏi tiết niệu, là các cặn rắn hình thành từ khoáng chất và muối. Thông thường, sỏi thận không gây triệu chứng cho đến khi di chuyển trong thận hoặc xuống niệu quản. Khi đó, theo Mayo Clinic, các triệu chứng sau có thể xuất hiện:
Đau dữ dội: Triệu chứng đặc trưng nhất là cơn đau dữ dội, bắt đầu ở lưng hoặc bên hông dưới xương sườn và có thể lan đến bụng dưới hoặc háng. Cơn đau thường xuất hiện theo từng đợt và mức độ có thể thay đổi.
Buồn nôn và nôn: Cơn đau dữ dội có thể kích thích buồn nôn và nôn, phản ứng của cơ thể với cảm giác khó chịu.
Tiểu nhiều, tiểu ra máu: Nước tiểu có màu hồng, đỏ, hoặc nâu, là dấu hiệu cho thấy có máu trong nước tiểu, do sỏi kích thích đường tiết niệu.
Cảm giác muốn đi tiểu liên tục, thường chỉ tiểu được một lượng nhỏ, đặc biệt nếu sỏi gần bàng quang. Đau hoặc nóng rát khi đi tiểu, phổ biến khi sỏi di chuyển qua đường tiết niệu. Nước tiểu có thể đục hoặc có mùi rõ, khả năng là dấu hiệu của nhiễm trùng.
Sốt và ớn lạnh: Triệu chứng này cho thấy nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu, cần được điều trị y tế kịp thời.
Theo VietNamnet