Theo SCMP, người đàn ông 36 tuổi tên D-Jiang, cựu lập trình viên tại một công ty công nghệ lớn ở Trung Quốc, bắt đầu mặc váy đi làm từ hơn 2 năm trước.
Mỗi buổi sáng, anh dành 2 tiếng đồng hồ trang điểm, chăm sóc mái tóc nhuộm màu hồng trắng dài ngang lưng và chọn một chiếc váy công chúa kiểu Lolita (mẫu váy phồng kết hợp với giày dễ thương hoặc bốt đế cao).
"Tôi tận dụng tối đa thời gian để chọn một chiếc váy thật đẹp", D-Jiang nói.
D-Jiang trang điểm và mặc váy kiểu Lolita đi làm hàng ngày đã thu hút sự chú ý của mạng xã hội (Ảnh: SCMP tổng hợp).
Với tư cách là Chủ tịch câu lạc bộ anime (hoạt hình) tại công ty riêng, người đàn ông khuyến khích đồng nghiệp làm điều tương tự.
"Cứ mặc váy đi! Hãy cùng nhau làm việc trong trang phục của chúng ta nào!", anh nói.
D-Jiang bắt đầu mặc những chiếc váy kiểu Gothic (phong cách thời trang tôn vinh những điều bí ẩn) khi tham dự các hội nghị anime. Nhưng loạt biến cố năm 2019 đã thôi thúc anh mặc váy đi làm mỗi ngày.
"Năm 2019, tôi đã mất đi một số người thân lớn tuổi và một con mèo yêu quý đã nuôi hơn 10 năm. Tôi cảm nhận được sự ngắn ngủi của cuộc sống và cần phải trân trọng mỗi ngày", anh nói.
Niềm đam mê của D-Jiang với những chiếc váy kiểu Gothic bắt đầu khi cả anh và bạn gái, hiện là vợ anh, đều mặc trang phục này. Về sau, anh thay đổi phong cách, chuyển sang mặc váy Lotita. Vợ cũng dạy anh cách trang điểm phù hợp với từng bộ trang phục.
Tủ quần áo của D-Jiang có hơn 200 bộ váy kiểu Lolita, trị giá tổng cộng hơn 400.000 nhân dân tệ (khoảng 1,3 tỷ đồng). Anh thống kê tỉ mỉ số lượng váy, chi tiết giá cả, màu sắc, tên và tần suất sử dụng.
"Tôi tin rằng quần áo không có giới tính. Khi tôi mặc váy không có nghĩa là tôi đang mặc trang phục của phụ nữ. Bản thân chiếc váy chỉ là một chiếc váy mà thôi", cựu lập trình viên nói.
Lựa chọn mặc váy đi làm của D-Jiang cũng giúp anh hiểu thêm những khó khăn mà phụ nữ phải đối mặt.
Mạng xã hội Trung Quốc ủng hộ phong cách này của cựu lập trình viên (Ảnh: QQ).
Câu chuyện của D-Jiang đã thu hút và truyền cảm hứng cho nhiều người trên mạng xã hội Trung Quốc.
"Giới tính của quần áo là một quy ước xã hội, không phải là thứ gì đó bẩm sinh. Điều này có thể thay đổi được", "Theo đuổi cái đẹp không nên hạn chế giới tính", "Vợ anh ấy thật tuyệt vời. Đây là tình yêu, sự tôn trọng và chấp nhận thực sự"... là những bình luận trên mạng xã hội.
Theo Dân Trí