Hơn nửa thế kỷ trước, Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người đầu tiên đưa "bông hồng cài áo" vào lễ Vu Lan ở Việt Nam. Hôm 29/8, Thiền sư đã về tới Đà Nẵng trong sự chào đón hân hoan, xúc động của các tăng ni, phật tử. Sau rất nhiều năm xa cách, ông mới lại trở về cố hương.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh về Việt Nam đúng mùa Vu Lan. Ảnh: Quảng Điền
Báo chí nước ngoài đánh giá Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một trong số các nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn ở Tây phương.
Trong lá thư đề cử ông cho giải Nobel Hòa bình năm 1967, mục sư Martin Luther King, Jr. đã viết: “Thích Nhất Hạnh là một con người thánh thiện, vì lòng khiêm cung và đức tin lớn. Ngài là một học giả thông tuệ.
Những phát kiến cho hòa bình của Ngài, nếu được áp dụng, sẽ dựng nên một tượng đài của tinh thần đại đồng, tình huynh đệ và nhân bản”.
Tháng 11/2014, Thiền sư Thích Nhất Hạnh bị một biến cố về sức khỏe, được chẩn đoán là tai biến mạch máu não, phải sang Mỹ điều trị. Sức khỏe của thiền sư đã hồi phục một cách kỳ diệu.
Vì vậy khi nhìn thấy Thiền sư Thích Nhất Hạnh ở sân bay Đà Nẵng, nhiều Phật tử đã bật khóc, bởi hạnh phúc, xúc động. Thiền sư Thích Nhất Hạnh rạng rỡ, tươi tắn ngồi trên xe lăn, giơ tay vẫy chào các tăng ni, phật tử xung quanh.
Phong trào Bông hồng cài áo tưởng niệm về công ơn cha mẹ tự phát khởi, lan rộng. Năm 1962, khi đó nhà sư Thích Nhất Hạnh đã viết đoản văn "Bông hồng cài áo" trong một căn lều gỗ tại Camp Ockanickon ở Medford, thuộc tiểu bang New Jersey, Hoa Kỳ.
Các đệ tử, sinh viên Sài Gòn đã chép tay 300 bản làm, gắn thêm bông hoa màu hồng cho người còn mẹ, hay màu trắng cho người mất mẹ, mất cha, làm quà tặng cho bạn bè của họ. Rằm tháng 7 năm ấy họ họp nhau lại tại chùa Xá Lợi, làm Lễ Bông hồng cài áo lần đầu tiên.
Ảnh minh họa.
Đoản văn Bông hồng cài áo đăng nguyên bài lần đầu tiên trong Tập san Liên Hoa của Giáo Hội Tăng Già Trung Phần, dưới tựa đề là Nhìn kỹ Mẹ, sau đó Bông hồng cài áo được in nhiều lần nữa. Một số chùa bắt đầu tổ chức Lễ Bông hồng cài áo, và trở thành nghi thức mỗi mùa Vu lan.
Năm 1964, nhà xuất bản Lá Bối ra mắt độc giả bằng quyển Bông hồng cài áo, khổ nhỏ dài để có thể bỏ vào phong bì gửi tặng bạn bè ngày Vu Lan, và cuốn sách nhỏ này đã tái bản nhiều lần. Đoản văn này đã được dịch và in ra nhiều thứ tiếng Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Trung Hoa, Nga, Thái Lan và tiếng Lào.
Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã phổ nhạc thành công ca khúc Bông hồng cài áo từ bài văn của Thiền sư, góp phần đưa nghi thức cài hoa hồng lễ Vu Lan vào sâu trong đời sống dân tộc.
Từ đó, bài ca "Bông hồng cài áo" luôn được hát lên mùa lễ Vu Lan, còn là một trong những ca khúc cảm động, mộc mạc, gần gũi, rất đỗi thân thương,.chân thành về Mẹ.
Theo Gia đình và xã hội