Ông chính là Nguyễn Phúc Hồng Cai (1845-1876), tôn hiệu Kiên Thái vương, là hoàng tử con vua Thiệu Trị, cũng là cha đẻ của 3 vị vua liên tiếp của triều Nguyễn sau này.
Theo sách Quốc sử quán triều Nguyễn, Nguyễn Phúc Hồng Cai là con trai thứ 26 của vua Thiệu Trị, do Tài nhân Trương Thị Vĩnh sinh hạ.
Từ nhỏ, ông tính tình nhân hậu, cần kiệm, biết tuân theo phép tắc. Lớn lên, ông chăm học, hiểu biết sâu rộng về kinh sử. Nhờ đó, năm 1865 thời vua Tự Đức, ông được đặc cách phong làm Kiên Quốc công, thay vì Quận công như các hoàng thân khác trong hoàng tộc.
Năm 1876, Nguyễn Phúc Hồng Cai qua đời, chỉ thọ 31 tuổi. Vua Tự Đức vô cùng thương tiếc, cho nghỉ chầu 3 ngày, ban cho ông thụy hiệu là Thuần Nghị.
Lăng mộ của ông Nguyễn Phúc Hồng Cai ở Huế.
Cuộc đời của Nguyễn Phúc Hồng Cai tương đối yên bình vì ra đi ở độ tuổi quá trẻ, nhưng ít ai ngờ rằng, vị Quốc công ôn hòa ngày ấy lại là cha đẻ của 3 vị vua triều Nguyễn sau này: vua Kiến Phúc (Nguyễn Phúc Ưng Đăng), vua Hàm Nghi (Nguyễn Phúc Ưng Lịch) và vua Đồng Khánh (Nguyễn Phúc Ưng Kỷ).
Nguyễn Phúc Hồng Cai đồng thời là tổ phụ (ông nội) của vua Khải Định và là tằng tổ phụ (ông cố) của vua Bảo Đại.
Sử sách ghi lại, vua Tự Đức không có con nên nhận 3 người con nuôi là: Nguyễn Phúc Ưng Ái, Nguyễn Phúc Ưng Kỷ và Nguyễn Phúc Ưng Đăng.
Sau khi vua Tự Đức mất, di chúc cho sung Ưng Đăng làm hoàng tử thứ ba, đổi tên là Ưng Hỗ. Tuy nhiên, vì Ưng Hỗ còn quá nhỏ, người kế vị được chọn là Ưng Ái, tức vua Dục Đức.
Dục Đức chỉ ở ngôi được ba ngày thì bị các quan phụ chánh đại thần Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết phế truất, tôn em trai vua Tự Đức là Hồng Dật lên ngôi, tức vua Hiệp Hòa.
Cuối năm 1883, vua Hiệp Hòa mưu giết các quan phụ chánh đại thần thất bại, bị xử tử. Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết họp các quan đại thần, tôn lập Ưng Hỗ lên ngôi, lấy niên hiệu là Kiến Phúc. Khi đó, ông mới 15 tuổi, mọi việc trong triều đều do hai quan phụ chính quyết định.
Nhưng chưa đầy một năm sau, Kiến Phúc bị bệnh qua đời. Lúc này, lẽ ra con nuôi thứ hai của Tự Đức là Nguyễn Phúc Ưng Kỷ lên ngôi. Tuy nhiên, cuối cùng ngai vàng được giao cho Nguyễn Phúc Ưng Lịch, con trai thứ 5 của Hồng Cai.
Tháng 8/1884, Ưng Lịch lên ngôi vua khi 13 tuổi, niên hiệu là Hàm Nghi.
Năm 1885, triều đình Huế thất bại trước quân đội Pháp trong trận Kinh thành Huế, vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết bỏ ra Quảng Trị. Người Pháp lập Nguyễn Phúc Ưng Kỷ, con trai cả của Hồng Cai lên làm vua, niên hiệu là Đồng Khánh.
Nhắc về gia đình Nguyễn Phúc Hồng Cai, người dân xứ Huế có câu ca: “Một nhà sinh được ba vua/Vua còn, vua mất, vua thua chạy dài”.
Theo VTC