Bún đậu "mầm đá", khách chờ đã thành thói quen

Ngồi trên gian phòng tầng 2 quán bún đậu trên phố Phan Huy Ích (Ba Đình, Hà Nội), Phương Anh liên tục ngó giờ trên điện thoại. Đã gần một tiếng trôi qua, trên bàn vẫn chỉ có 2 cốc trà đá và 2 bát mắm tôm.  

Xung quanh Phương Anh có khoảng 15 vị khách cũng ở trong trạng thái chờ đợi tương tự. Dưới nhà, lối ngõ vào, trên vỉa hè, nhiều bàn khách cũng chưa được phục vụ.

Người Hà Nội xếp hàng lấy số, chờ gần 60 phút để ăn suất bún đậu mắm tôm-1
Hơn một nửa số khách trong căn phòng nhỏ đều ở trong trạng thái chờ đợi (Ảnh: Hồng Anh).

Để "giết thời gian", họ tranh thủ buôn chuyện, xem điện thoại, cắn hạt dưa, nhiều người uống đến cạn nước vẫn chưa thấy món chính.

Có người tỉ mỉ ngồi pha chế mắm tôm bằng cách cho thêm đường, chanh, quất… rồi quấy kỹ đến sủi tăm, có người hết cầm đũa lên lại đặt đũa xuống…

Chốc chốc, khi thấy nhân viên phục vụ hễ bê lên suất bún đậu thơm phức, nóng hổi, họ lại đồng loạt nghe ngóng xem đó là suất bún đậu số bao nhiêu.

"Số của chúng tôi là 18. Chúng tôi đến từ lúc 12h kém. Tôi đợi quen rồi. Ăn ở đây xác định là phải chờ đợi", Phương Anh nói.

Trưa 21/2, Ngọc Hà (quận Hoàng Mai) cũng đến quán này để ăn bún giải ngấy sau Tết. Cô xếp hàng khoảng 10 phút chờ lấy số, sau đó mới tới lượt vào trong ngồi chờ. Lên tầng 2, các bàn đã kín khách, đa số cũng đang ngồi "cắn đũa".

"Quán có dãy bàn trong ngõ và trên tầng 2. Cũng là cảnh chờ đợi nhưng chúng tôi không phải không đứng thành hàng dài như ở nhiều hàng quán khác", Hà nói.

Người Hà Nội xếp hàng lấy số, chờ gần 60 phút để ăn suất bún đậu mắm tôm-2
Khách lấy số, cắn hạt dưa ngồi chờ (Ảnh: Hồng Anh).

Phương Anh chia sẻ, cô biết đến quán bún đậu mắm tôm ở phố Phan Huy Ích qua một người bạn cách đây khoảng 3 năm.  

Sinh sống ở quận Cầu Giấy, cô gái nhiều lần vượt qua quãng đường gần 10km để tới quán này, chấp nhận chờ đợi hàng tiếng đồng hồ để ăn món khoái khẩu.

"Quán mở cửa từ 10h30 đến 15h. Đến sớm hẳn hoặc đến vào lúc 14-15h thì có đồ ăn luôn. Còn đến tầm 11h30 trở đi thì khách luôn phải chờ đợi rất lâu, thường là từ 45 phút đến một tiếng. Lần chờ lâu nhất của tôi là 1,5 tiếng", cô gái kể.

Khi được hỏi bản thân đánh giá món ăn ngon cụ thể ra sao, Phương Anh nói: "Tôi cũng không diễn tả được hết. Nói chung đậu, các món ăn kèm đều rất vừa miệng".

Người bạn đi cùng thì cho rằng, mắm tôm của quán ngon hơn hẳn các quán bún đậu khác mà anh từng ghé qua.

Tuy nhiên, thanh niên này cũng khẳng định: "Ăn ngon nhưng việc chờ đợi thì không phải lúc nào cũng dễ chịu, nhất là khi đói bụng, mệt mỏi, mùa hè nóng bức. Cũng có thể vì chờ lâu quá mà thấy đồ của quán rất ngon".

Trưa cùng ngày, Vũ Ngọc Phượng (26 tuổi, ở Hoàng Mai) dẫn người bạn từ TPHCM ra Hà Nội chơi tới quán bún đậu này.

Đã ăn quán này nhiều lần nên Phượng không còn lạ lẫm với cảnh khách hàng ngồi thẫn thờ bên những con số. Tuy nhiên, người bạn tên Tiến đi cùng thì hơi choáng trước cảnh "người Hà Nội kiên nhẫn thưởng thức món ngon".

"Đi sớm thì chưa đói bụng, đến 15h chiều mới ăn thì cũng quá bữa mà có khi còn hết các món ăn kèm yêu thích. Vì vậy, tôi cứ đến đúng giờ trưa, biết là phải  đợi nhưng sẽ được ăn đầy đủ", Phượng nói.

Quán có hai suất bún cơ bản: Suất thập cẩm giá bán 65.000 đồng và thập cẩm đặc biệt giá bán 125.000 đồng. Sự khác nhau giữa hai suất bún này nằm ở phần tràng và nem. Ai ăn thêm tràng thì sẽ tính thêm 50.000 đồng, nem 10.000 đồng.

Bún đậu của quán có giá cao hơn hẳn các quán khác (suất bún đậu có giá phổ biến khoảng 30.000-45.000 đồng), khách đến phải chờ đợi khá lâu nhưng dưới ngõ, trên nhà lúc nào cũng chật kín người. Vì khách nào đến cũng phải chờ nên nhiều người gọi vui đây là món bún đậu "mầm đá".

Khách Tây và trải nghiệm khó quên với bún đậu Hà Nội

Thùy Dương vị khách trẻ tuổi "không nhớ đã ăn ở quán bún này bao nhiêu lần" cũng dẫn bạn trai người Anh tên Louis đến ăn thử bún đậu Hà Nội.

Louis lần đầu trải nghiệm cảnh đi ăn lấy số. Anh chia sẻ: "Tôi thấy khá tò mò trước cảnh mọi người chấp nhận chờ đợi. Không biết có gì hấp dẫn ở quán này? Vậy nên dù lâu nhưng tôi cũng cố gắng ngồi xem sao. Đây chắc chắn sẽ là một trải nghiệm khó quên khi đến Việt Nam".

Người Hà Nội xếp hàng lấy số, chờ gần 60 phút để ăn suất bún đậu mắm tôm-3
Louis (áo đen) theo bạn gái tới trải nghiệm bún đậu "mầm đá" (Ảnh: Hồng Anh).

Ngoài gian phòng nhỏ trên tầng 2, quán bún đậu nói trên còn tận dụng lối đi của ngõ, kê một dãy bàn khoảng chục chiếc phục vụ khách. Dưới ngõ, trên nhà, số người ngồi chờ nhiều hơn những ngồi ăn. Mỗi người có một tâm trạng khác nhau.

Người lần đầu đến quán thì có chút hiếu kỳ lẫn mệt mỏi, người đã là "khách ruột" thì xác định từ trước nên không quá căng thẳng.

Dẫu vậy, đôi lúc, việc chờ đợi vẫn chạm đến giới hạn của họ. Một cô gái thở dài liên tục hỏi: "Sao lâu thế?" thì được nhân viên trấn an: "Sắp rồi, sao em không đến sớm hoặc không gọi điện đặt trước?". Không ít người vì chờ đợi quá lâu đành rời đi trước khi món ăn được dọn lên.

Người Hà Nội xếp hàng lấy số, chờ gần 60 phút để ăn suất bún đậu mắm tôm-4
Suất bún đặc biệt dành cho 2 người ăn có giá 200.000 đồng (Ảnh: Hồng Anh)

Đến quán lúc 12h45, Vũ Duyên được chủ quán phát cho số thứ tự 42. Cô và bạn được phục vụ trước 2 cốc nước và 2 bát mắm tôm. Đến 13h36 phút, tức 51 phút sau, nhân viên mới bê lên cho cô 2 suất bún đầy đủ.

Duyên nói: "Đi ăn ở đây phải có thời gian vì đôi khi bạn không biết mình sẽ phải chờ đợi bao lâu".

Hầu hết những vị khách mà phóng viên trò chuyện đều khẳng định, họ biết chờ đợi là khổ, nhất là vào những dịp lễ Tết, nắng nóng. Song, vì món hợp khẩu vị nên họ sẵn lòng dành một hai tiếng đồng hồ và thấy việc chờ đợi đó là xứng đáng.

Chủ quán nhiều lần bị khách mắng vì chờ lâu

Chị Hà Quỳnh Phương, chủ quán bún đậu cho biết, không ít lần, chị và nhân viên trong quán bị khách buông những lời tục tĩu vì để họ đợi quá lâu.

Nhiều người vào muốn ăn ngay nhưng vì chờ mãi chưa thấy có đồ nên họ rời đi trong sự bực bội. Có người chửi chủ, chửi cả khách đang ăn. Những lần như vậy, chị Phương cũng chỉ biết mong khách thông cảm.

Nữ chủ quán cũng chia sẻ, hai vợ chồng chị mở quán bún đậu này được khoảng 10 năm. Khi khách đông dần, vì không muốn làm mất lòng ai, họ nghĩ ra cách phát số để phục vụ lần lượt.

"Có 50 số, chúng tôi phát dần cho khách. Khi hết số 50 thì tôi lại phát quay đầu", chị Phương cho hay.

Chia sẻ về lý do để khách chờ đợi lâu, chị Phương cho biết, vì muốn khách được ăn ngon nhất nên chị không bao giờ làm sẵn trước hết đồ.

Trừ những món ăn nguội như bún, thịt luộc, tràng, các món chiên rán đều được bán theo kiểu ăn đến đâu làm đến đấy.

"Tôi không bao giờ chiên đậu trước bởi làm như thế miếng đậu sẽ mất đi độ giòn và béo. Chỉ khi khách đặt, chúng tôi mới bắt đầu rán đậu, hai chảo công nghiệp hoạt động liên tục nhưng vẫn không kịp phục vụ", chủ quán kể.

Người Hà Nội xếp hàng lấy số, chờ gần 60 phút để ăn suất bún đậu mắm tôm-5
Bốn, năm người liên tục sắp đồ nhưng vẫn không kịp phục vụ cho lượng khách vào (Ảnh: Hồng Anh).

Nữ chủ quán cũng cho rằng, vì sự khó tính của mình trong khâu chế biến mà khách phải chờ lâu. Tuy nhiên, chị xác định không muốn khách chỉ ăn lấy no, mà ăn theo kiểu thưởng thức được những món ngon nhất.  

Nhà chị Phương cũng đã huy động khoảng 10 người cùng phục vụ, chiên rán, cắt thái liên tục. Tuy nhiên, vào thời gian cao điểm, khách vẫn phải chờ đợi trung bình khoảng 40-50 phút.

Hỏi về lượng khách sau Tết, đại diện quán cho biết không nhận rõ sự khác biệt bởi quán lúc nào cũng đông như vậy.

Trước ý kiến cho rằng, quán bún của gia đình chị là quán bún dành cho người giàu bởi giá bán khá cao từ 65.000 đến 125.000 đồng/suất/người ăn, chị Phương lý giải, để đảm bảo tiêu chí ngon, chị luôn lựa chọn những nguyên liệu loại một.

"Giá bán tuy cao, nhưng khách sành mồm, ăn một lần vẫn muốn quay lại nhiều lần nữa. Có khách từ miền Nam ra, vừa xuống sân bay đã gọi điện đặt bàn để thưởng thức món ăn của quán tôi", nữ chủ quán chia sẻ.

Nhiều thực khách được hỏi nhận xét, món bún đậu mắm tôm của quán khá ngon và đầy đặn với đủ các món ăn kèm từ thịt luộc, dồi rán, lá lách, nõn đuôi...

Từ một món ăn tưởng chừng bình dân nhưng lại được chủ quán chăm chút từ khâu lựa chọn nguyên liệu, đến chế biến, phục vụ khách ngay khi miếng đậu còn nóng bỏng khiến không chỉ thực khách trong mà ngoài nước cũng tò mò muốn nếm thử.

Song cũng không ít ý kiến cho rằng, bún đậu của quán ngon nhưng chưa đến mức "bùng nổ" để phải dành hàng tiếng đồng hồ đợi chờ. Có thể thực khách cảm thấy ngon còn bởi vì bị "bỏ đói" quá lâu.

Theo Dân Trí