Giám đốc CDC Nghệ An

Ngày 31/12, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án về các tội đưa hối lộ, nhận hối lộ và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ liên quan đến vụ nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19.

Mở rộng điều tra, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an còn xác định một số lãnh đạo, cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An (CDC Nghệ An) và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương (CDC Bình Dương) đã thông đồng, câu kết với Phan Quốc Việt và các đối tượng liên quan thuộc Công ty Việt Á, Công ty TNHH Phát triển công nghệ ứng dụng Việt Nam (Công ty VNDAT) trong vụ thổi giá kit xét nghiệm COVID-19.

Người khẳng định không nhận lại quả Công ty Việt Á bị bắt giam-1
Ông Nguyễn Văn Định- giám đốc CDC Nghệ An.

Đáng chú ý, trước khi bị khởi tố 10 ngày, ông Nguyễn Văn Định - Giám đốc CDC tỉnh Nghệ An đã có trả lời báo chí và khẳng định không nhận bất cứ khoản hỗ trợ nào từ Công ty Việt Á.

Hiện tại tôi cũng đang cho kiểm tra lại hệ thống cán bộ nội bộ của đơn vị xem có ai nhận tiền không. Công an tỉnh Nghệ An cũng đang rà soát hồ sơ để nắm bắt tình hình.

Tôi hoàn toàn không nhận bất kỳ quà hay khoản hoa hồng nào từ công ty Việt Á hay là bất kỳ ai. Tôi chưa từng làm việc, chưa từng gặp và không biết Phan Tôn Noel Thảo là ai", ông Định nói hôm 21/12/2021.

Được biết, CDC Nghệ An đã mua sinh phẩm của Công ty Việt Á khoảng 28 tỷ đồng, chủ yếu là các vật tư, sinh phẩm chạy xét nghiệm sàng lọc và không mua test nhanh.

28 tỷ đồng Nghệ An mua sinh phẩm của Công ty Việt Á được thực hiện ở 4 gói thầu (2 gói chỉ định thầu, 2 gói đấu thầu rộng rãi). Riêng 2 gói chỉ định thầu có tổng số tiền 18,5 tỷ đồng.

Giám đốc CDC Bắc Giang

Ngày 21/1/2022, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Lâm Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bắc Giang (CDC Bắc Giang) để điều tra về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Trong lần trả lời báo chí trước đó ít ngày, ông Lâm Văn Tuấn khẳng định "không nhận đồng nào từ Công ty Việt Á và Công ty Phan Anh". Tuy nhiên, theo kết quả điều tra ban đầu cho thấy, bị can này có nhận một phần trong 44 tỷ đồng do Việt Á "lại quả".

Người khẳng định không nhận lại quả Công ty Việt Á bị bắt giam-2
ông Lâm Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bắc Giang

Được biết, ngày 22/11/2021, ông Lâm Văn Tuấn ký quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu "Mua sinh phẩm, vật tư lấy mẫu, tiêm chủng và xét nghiệm SARS-CoV-2".

Ngoài ra, CDC Bắc Giang còn phê duyệt ít nhất hai gói thầu mua kit xét nghiệm của Việt Á.

Công ty Cổ phần Dược Vật tư y tế Phan Anh (có địa chỉ tại phường Ngô Quyền, thành phố Bắc Giang - do bị can Văn làm giám đốc) là đơn vị được CDC Bắc Giang lựa chọn cung cấp trọn gói. Trong đó có 20.000 kit xét nghiệm do Công ty Việt Á sản xuất .

Giám đốc CDC Thừa Thiên Huế

Mới đây nhất, ngày 19/2, theo nguồn tin từ Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Hoàng Văn Đức - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Thừa Thiên Huế và ông Hà Thúc Nhật - Kế toán trưởng.

Ông Hoàng Văn Đức và ông Hà Thúc Nhật bị khởi tố, bắt giam vì liên quan đến việc mua bán kit xét nghiệm Covid-19.

Người khẳng định không nhận lại quả Công ty Việt Á bị bắt giam-3
ông Hoàng Văn Đức (Ảnh CTV)

Trước đó, trả lời báo chí, ông Hoàng Văn Đức có trả lời với báo chí rằng: "Tôi không bao giờ nhận một đồng nào từ Công ty Việt Á trong vụ việc này. Việc mua sắm kit xét nghiệm Covid-19 từ công ty này ở CDC Thừa Thiên Huế được thực hiện theo đúng quy trình, có thẩm định giá từ nhiều công ty khác nhau".

Đề nghị Bộ GTVT cung cấp danh sách các hãng bay giải cứu

Mới đây, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa có văn bản đề nghị Bộ GTVT cung cấp chi tiết danh sách các chuyến bay, hãng bay "giải cứu" công dân về nước để phục vụ điều tra vụ án nhận hối lộ.

Trong văn bản gửi Bộ GTVT ngày 17/2, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị cung cấp tài liệu làm rõ chủ trương tổ chức các chuyến bay "giải cứu" (không trả phí) và chuyến bay "combo" (có trả phí) đưa công dân Việt Nam về nước bắt đầu từ thời điểm nào.

Căn cứ tiêu chí, cơ sở nào để Bộ GTVT xét, duyệt cấp chuyến bay? Các quy trình, thủ tục xử lý việc xét duyệt cho hãng hàng không bay "combo", "giải cứu" như thế nào?.

Người khẳng định không nhận lại quả Công ty Việt Á bị bắt giam-4
Nguyễn Thị Hương Lan, Đỗ Hoàng Tùng, Lê Tuấn Anh, Lưu Tuấn Dũng. (Ảnh: Công an cung cấp).

Cơ quan An ninh điều tra còn đề nghị các cơ quan thuộc Bộ GTVT cung cấp danh sách chi tiết hãng hàng không, chuyến bay (thời gian, số hiệu máy bay, sân bay cất, hạ cánh) và các doanh nghiệp đã được Bộ GTVT cấp phép triển khai các chuyến bay "giải cứu", "combo".

Danh sách công dân đã được đưa từ nước ngoài về trên các chuyến bay "giải cứu" và hợp đồng, chi phí thanh toán của từng chuyến bay cũng được đề nghị làm rõ.

Đáng chú ý, Bộ Công an còn đề nghị cung cấp danh sách cá nhân tại Bộ GTVT được phân công thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, xét duyệt cho hãng hàng không, doanh nghiệp thực hiện các chuyến bay "giải cứu", "combo".

Theo Nhịp Sống Việt