Theo tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó chủ tịch Hội kiểm soát nhiễm khuẩn TP.HCM, khi gia đình có F0 cách ly tại nhà, cần chuẩn bị phương tiện, hóa chất (chất tẩy rửa, chất sát khuẩn) cũng như các kỹ thuật vệ sinh.

Việc vệ sinh bằng chất lau rửa có chứa xà phòng hoặc thuốc tẩy giúp làm giảm mầm bệnh trên bề mặt và giảm nguy cơ lây nhiễm từ bề mặt.

Chuẩn bị vệ sinh, khử khuẩn:

Người nhà cần lên danh mục những vị trí, vật dụng, thiết bị cần vệ sinh, khử khuẩn. Bao gồm đồ dùng xung quanh người bệnh hoặc được người bệnh sử dụng thường xuyên, các vị trí trong nhà thường xuyên chạm vào như tay nắm cửa, bàn và công tắc đèn.

Vệ sinh, khử khuẩn thế nào khi có F0 cách ly trong nhà?-1
Luôn đeo găng tay, khẩu trang khi sử dụng hóa chất vệ sinh trong gia đình.

Khi sử dụng các hóa chất phải có găng tay vì có thể gây tổn thương da tay. Chú ý đeo khẩu trang khi thực hiện vệ sinh.

Cần đọc kỹ và làm theo hướng dẫn cách pha loãng hóa chất trên nhãn, bao bì.

Để vệ sinh bề mặt, có thể sử dụng chất tẩy rửa, xà phòng, dung dịch có clo với nồng độ 0,1%. Tuy nhiên, ở nơi F0 ho, khạc đờm, chuyên gia khuyến cáo nên sử dụng clo có nồng độ 0,5%. Khi giặt quần áo của F0, nồng độ clo là 0,05%.

Thời gian tiếp xúc tối thiểu của clo với các tác nhân là 10 phút, sau đó mới lau sạch lại. Lau bề mặt theo đường zic zắc, từ nơi sạch sang nơi bẩn.

Với các thiết bị điện tử, có thể dùng dung dịch cồn từ 60-80% để vệ sinh. Nếu nồng độ cồn thấp hơn sẽ không có tác dụng, ở nồng độ cao hơn lại có nguy cơ cháy nổ.

Trước khi lau thiết bị điện tử, cần rút hết phích cắm khỏi nguồn điện để đảm bảo an toàn.

Xử lý rác thải của F0 tại nhà:

Rác sinh hoạt của F0 phải đựng trong 2 lớp bao. Bên ngoài viết rõ “Chất thải của F0” để nhân viên thu gom vệ sinh biết để phân loại, xử lý riêng.

Chuẩn bị riêng thùng đựng rác có nắp đậy, tốt nhất là loại đạp chân để mở nắp. Rác đựng trong thùng và bao rác màu vàng để đánh dấu đây là rác thải nguy hại.

Đeo găng tay khi gom rác, làm sạch tay sau vứt rác.

Vệ sinh, khử khuẩn thế nào khi có F0 cách ly trong nhà?-2
Thời gian này, F0 đang tăng cao trong cộng đồng. 

Nếu F0 không tự phục vụ được, người chăm sóc phải có trang phục phòng hộ để tránh nguy cơ lây nhiễm.

Ngoài ra, Bộ Y tế khuyến cáo cần đảm bảo thông gió đầy đủ khi dùng bất kỳ chất khử trùng nào bằng cách mở cửa ra vào và cửa sổ, dùng quạt để tăng cường lưu thông luồng khí. Ngay sau khi khử trùng, tháo găng tay, rửa tay bằng xà phòng và nước.

Theo Bộ Y tế, rửa tay đúng cách là cách giảm lây nhiễm Covid-19 tốt nhất. Rửa tay trước và sau khi nấu ăn; trước và sau khi ăn uống; sau khi ho, hắt hơi, xì mũi; sau khi chạm vào các vật dụng, bề mặt; sau khi đi vệ sinh; sau khi thu dọn rác thải.

Rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước trong tối thiểu 30 giây hoặc dung dịch rửa tay khô có chứa cồn ở nồng độ tối thiểu 60% trong ít nhất 15 giây. 

Theo Vietnamnet