Người nhắn tin nhờ sửa điểm ở Hà Giang có bị xử lý?

Luật sư cho rằng, cơ quan chức năng cần phải làm rõ hành vi của những phụ huynh đã nhắn tin nhờ ông Lương sửa điểm thi. Nếu có hành vi đưa tiền để can thiệp, có thể xử lý hình sự.

Liên quan đến vụ việc ông Vũ Trọng Lương - Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng (Sở GD-ĐT Hà Giang) đã can thiệp sửa điểm của 114 thí sinh ở, chiều nay (18.7), lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang thông tin, đơn vị này đã xin ý kiến đề nghị lực lượng công an vào cuộc, khởi tố điều tra vụ việc.


Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang đã xin ý kiến tại cuộc họp với UBND tỉnh này về đề nghị khởi tố điều tra liên quan đến sai phạm điểm thi trên địa bàn. Ảnh: Phương Hòa

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết, trên cơ sở đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo, cũng trong sáng nay tại cuộc họp thường trực UBND tỉnh, ông đã giao việc này cho công an tỉnh.

Về phía Bộ Công an, để làm rõ những bất thường trong kết quả điểm thi THPT tại Hà Giang vừa được công bố, Bộ đã cử đại diện Cục An ninh chính trị nội bộ (A83) tham gia cùng đoàn thanh tra, kết quả bước đầu đã được công bố.

Luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, vụ việc xảy ra ở Hà Giang là hồi chuông cảnh báo về tình trạng tiêu cực trong kỳ thi THPT và xét tuyển Đại học, nó làm mất đi niềm tin của nhân dân cả nước vào nền giáo dục nước nhà.

Quan trọng hơn cả là quyền lợi chính đáng của các thí sinh không những ở Hà Giang mà trên địa bàn cả nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. “Nếu vụ việc trót lọt, 114 thí sinh khác sẽ mất đi cơ hội được học Đại học”- vị luật sư nói.

Theo luật sư Tuấn Anh, hành vi của ông Vũ Trọng Lương rõ ràng là đã vi phạm và chắc chắn sẽ bị xử lý. Tuy nhiên, theo vị luật sư này, cơ quan chức năng cũng cần phải làm rõ hành vi của những phụ huynh đã nhắn tin nhờ ông Lương sửa điểm thi.

Nếu xác định được, các phụ huynh này ngoài việc nhắn tin còn đưa tiền, vật chất cho ông Lương nhằm mục đích sửa điểm cho con thì họ có thể phải đối mặt với tội đưa hối lộ. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 364 BLHS 2015. Khi đó, ông Lương cũng phải đối mặt thêm với tội nhận hối lộ.

“Nếu xác định được các phụ huynh đưa tiền cho ông Lương để sửa điểm thi, chỉ cần số tiền trên 2 triệu là có thể khởi tố tội nhận hối lộ” – luật sư Tuấn Anh phân tích.

Trong trường hợp, những phụ huynh này chỉ nhắn tin cho ông Lương mà không kèm theo vật chất, không có căn cứ để xử lý về mặt hành chính hoặc hình sư. Nhưng nếu họ là công chức, viên chức rất có thể sẽ bị cơ quan nơi đang công tác kỉ luật.

Đồng quan điểm, luật sư Lê Văn Thiệp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) trả lời trên VTV24 cũng cho rằng, cần phải làm rõ việc các phụ huynh ngoài việc nhắn tin ra, có đưa tiền cho ông Lương để sửa điểm thi không, nếu có phải xử lý hình sự, còn nếu chỉ nhắn tin sẽ không đủ căn cứ để xử lý họ.

Ngoài ra, luật sư Thiệp cũng nêu quan điểm, cơ quan chức năng cần thiết phải mở rộng điều tra để xác minh xem ông Lương có đồng phạm giúp sức để sửa điểm thi hay không. Vì chỉ trong vòng hai tiếng mà ông này sửa đến hơn 300 bài thi là điều không thể.

Trước đó, như Dân Việt đã thông tin, điểm thi THPT quốc gia ở Hà Giang cao bất thường khiến Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phải thành lập Hội đồng chấm thẩm định. Sau nhiều ngày kiểm tra, chiều 17.7, đại diện A83 (Bộ Công an) cho biết, ông Vũ Trọng Lương - Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng (Sở GD-ĐT Hà Giang) đã can thiệp sửa điểm của thí sinh.

Theo kết quả điều tra, ông Lương được phân công dùng máy tính quét bài thi trắc nghiệm hàng năm ở Hà Giang. Lợi dụng việc này, ngày 27.6, vị phó phòng đã lên mạng tải toàn bộ đáp án thi về máy tính và chuyển vào phần mềm. Từ các tin nhắn gửi vào điện thoại cá nhân, ông Lương nhập số báo danh vào máy tính và sửa điểm. Ông Lương chỉ mất 6 giây để sửa điểm cho một thí sinh.

Bên cạnh đó, theo cơ quan công an khi kiểm tra điện thoại của ông Lương có nhiều tin nhắn, cuộc điện thoại liên quan đến việc nhờ vả, làm sai kết quả thi.

Nhà chức trách còn cho rằng, vị phó phòng đã mở ổ khóa niêm phong, rút bài ở túi và sửa đáp án thi. Tổng cộng, ông Lương đã sửa hơn 330 bài thi trắc nghiệm của 114 thí sinh.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, xét hành vi của ông Vũ Trọng Lương thấy đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao trực tiếp can thiệp sửa kết quả bài thi cho 114 thí sinh. Như vậy bước đầu hành vi của ông Lương đã có dấu hiệu phạm “Tội giả mạo trong công tác”.

Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 359 BLHS 2015. Ai phạm tội này có thể đối mặt với mức án cao nhất lên đến 20 năm tù.

Theo Danviet


Thi THPT quốc gia

Tin tức mới nhất