Như VietNamNet đã đưa, VKSND Tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố 86 bị can liên quan đến vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức liên quan. VKSND Tối cao phân công VKSND TP HCM thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm vụ án.

Theo VKSND Tối cao, quá trình điều tra, truy tố, trừ bà Trương Mỹ Lan và 5 bị can bị truy tố vắng mặt, 80 bị can còn lại trong vụ án đều ăn năn hối cải, thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội, phù hợp với các tài liệu, chứng cứ đã điều tra, thu thập trong hồ sơ vụ án.

Một số bị can đã phối hợp, tích cực hợp tác, giúp cơ quan tố tụng điều tra, làm rõ bản chất của vụ án. Một số bị can khác đã tự nguyện hoặc tác động gia đình nộp tiền, tài sản để khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bản thân gây ra.

Cụ thể, cháu gái bà Trương Mỹ Lan là bị can Trương Huệ Vân (TGĐ Công ty Tập đoàn quản lý bất động sản Windsor) đã khắc phục: hơn 1.063 tỷ đồng và 3.000 USD; ông Chu Lập Cơ (chồng bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư quảng trường thời đại Times Square) đã khắc phục 1 tỷ đồng.

Người thân của bà Trương Mỹ Lan nộp khắc phục hơn 1.000 tỷ đồng-1
Các bị can vụ Vạn Thịnh Phát.

Ông Dương Tấn Trước (TGĐ Công ty TNHH thương mại và sản xuất Tường Việt) sau khi khởi tố vụ án đã trả cho SCB hơn 813 tỷ đồng, xin được nộp lại 2.204,565 tỷ đồng đã nhận của bà Trương Mỹ Lan. Bị can đã nộp khắc phục hơn 52 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Cao Trí (Chủ tịch HĐQT Công ty Văn Lang và Công ty Capella) được xác định đã nộp khắc phục hơn 657 tỷ đồng và hơn 3.312 USD.

Bà Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra - giám sát ngân hàng II thuộc Ngân hàng Nhà nước) đã nộp khắc phục 4,8 triệu USD và 10 sổ tiết kiệm ngân hàng có tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng.

Các bị can khác cũng nộp tiền khắc phục như sau: Ông Nguyễn Văn Hưng (cựu Phó Chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước): 390.000 USD; bà Nguyễn Thị Phụng (cựu Phó Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II): 20.000 USD và 210 triệu đồng.

Bị can Vương Đỗ Anh Tuấn (cựu Trưởng phòng Thanh tra thuộc Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II) nộp: 20.000 USD. Nguyễn Văn Thùy (cựu Phó Trưởng ban Giám sát tổng hợp, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia) nộp: 21.000 USD và 60 triệu đồng. Lê Thanh Hà (cựu Phó chánh Thanh tra Kiểm toán Nhà nước, cựu Trưởng phòng Kiểm toán ngân hàng 1, Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành VII) nộp: 14.000 USD và 100 triệu đồng.

Trần Văn Tuấn (cựu thanh tra viên Vụ Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khối nội chính và kinh tế tổng hợp (thuộc Thanh tra Chính phủ) nộp: 6.000 USD và 40 triệu đồng; Nguyễn Tuấn Anh (cựu công chức Vụ Thanh tra, giám sát các tổ chức tín dụng trong nước (thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước) và Vũ Khánh Linh (cựu Phó trưởng phòng Thanh tra ngân hàng thương mại cổ phần (thuộc Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Ngân hàng Nhà nước) nộp: 100 triệu đồng.

Nguyễn Duy Phương (cựu thanh tra viên Vụ Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khối nội chính và kinh tế tổng hợp) nộp: 1.000 USD và 20 triệu đồng. Nguyễn Văn Dũng (cựu Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM) nộp: 15.000 USD và 400 triệu đồng.

Nguyễn Thị Phi Loan (cựu Phó chánh Thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM) nộp: 470 triệu đồng; Võ Văn Thuần (cựu Phó chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM: 1,85 tỷ đồng)…

Cáo trạng cho rằng, một số bị can còn có tình tiết giảm nhẹ vì có thành tích xuất sắc trong công tác. Trong đó, bị can Nguyễn Văn Hưng từng được nhận Huân chương lao động hạng Nhì; Nguyễn Văn Du (cựu quyền Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng Ngân hàng Nhà nước) được nhận Huân chương lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; Nguyễn Cao Trí nhận: Huân chương lao động hạng Ba…

Theo VietNamNet